Chủ Nhật, 09/12/2012 - 18:12
The Voice: Khán giả quay lưng, kết quả bị thao túng?
Bóng ma của tin nhắn đã bắt đầu phủ một màn đen tối lên kết quả The Voice khi Kiên Giang, thí sinh hát kém nhất liveshow 7 lại là người nhận được nhiều bình chọn nhất.
The Voice là phiên bản ra đời sau các chương trình tìm kiếm tài năng ca hát tương tự như Idol hay X Factor nên nó có những ưu điểm hơn về format. Nếu không được vậy thì có lẽ The Voice đã khó lòng “quật ngã” được các đối thủ đình đám trên khi lên sóng mới được một hai mùa gần đây ở Anh, Mỹ.
Theo format của The Voice, công chúng vẫn được cái quyền tối thượng quyết định ai sẽ là người lên ngôi tại cuộc thi. Nhưng để tránh những sơ sót về tin nhắn, The Voice có format thông minh hơn Idol và X Factor khi để các huấn luyện viên có quyền lực ngang bằng với khán giả xem truyền hình cho đến đêm liveshow cuối cùng (liveshow thứ 12).
Hương Tràm luôn là thí sinh giành được số lượng bình chọn cao nhất ở các liveshow cô tham gia. Nhưng không ai hoài nghi về kết quả này, bởi nó xứng đáng và chuẩn xác với những gì đã diễn ra trên sân khấu.
Sau những lùm xùm của vụ Phương Uyên dàn xếp kết quả, niềm tin của công chúng đặt vào cuộc thi đã tan vỡ như bong bóng xà phòng. Để cứu vãn niềm tin ấy, nhà sản xuất The Voice Vietnam đã phá vỡ format khi cho phép khán giả có thể bình chọn cho giọng ca mình yêu thích suốt thời gian từ liveshow trước đến liveshow sau. Tức là khán giả sẽ được bình chọn cho thí sinh mà họ thích ở liveshow tuần sau kể từ khi liveshow họ đang xem kết thúc.
Đây là một điều khá phi lý và chẳng có chương trình truyền hình thực tế nào làm vậy khi mà phần thi của các thí sinh còn những 1, 2 tuần nữa mới diễn ra trên truyền hình nhưng họ đã mở tổng đài cho khán giả nhắn tin bình chọn từ cách đó hàng tuần.
Có thể lý giải sự thay đổi format trên của nhà sản xuất theo hai hướng. Hướng thứ nhất, vì e sợ thời gian bình chọn theo đúng format, sẽ chỉ diễn ra trong đêm thí sinh thi, thời gian quá ngắn khiến kết quả dễ bị sai lệch.
Hướng thứ hai, cũng được nhiều người nghĩ đến. Sự thay đổi thể lệ bình chọn này của nhà sản xuất một mặt tạo điều kiện cho khán giả có thêm thời gian nhắn tin cho giọng ca mình yêu thích nhưng cũng đồng thời ngầm tạo cơ hội cho những thí sinh “hát kém” nhưng có tiền đầu tư vào tin nhắn. Bởi thật khó để nói các thí sinh của The Voice ai cũng có được một lượng fan hùng hậu ngày đêm quan tâm nhắn tin cho họ.
Câu chuyện về “bóng ma” tin nhắn chỉ được thổi bùng lên ở liveshow 7 tuần vừa qua khi Nguyễn Kiên Giang đã có một cuộc lật đổ ngoạn mục về tin nhắn khi từ vị trí thứ hai về lượng bình chọn (chiếm 27,8%) ở vòng trước đã vượt lên dẫn đầu với 52,75%.
Điều đáng nói là phần thi của Kiên Giang là một trong những phần trình diễn tệ nhất từ trước đến nay của anh. Thậm chí có thể coi đây là một trong những tiết mục yếu về chuyên môn nhất của cuộc thi tính đến lúc này.
Nhìn kết quả bình chọn ở các liveshow trước sẽ thật khó lý giải chuyện đột biến về kết quả trong trường hợp của Kiên Giang ở liveshow 7.
Những thắc mắc về tin nhắn cũng từng được đặt ra ở hai liveshow trước đó khi Nguyễn Thuỳ Linh, giọng ca chuyên trị thể loại nhạc jazz giành được số lượng tin nhắn đứng thứ nhất và thứ hai. Kết quả này làm cho những người làm chuyên môn cũng phải lúng túng khi Thuỳ Linh là thí sinh chuyên hát những bản jazz bất hủ nhưng còn quá xa lạ với số đông công chúng.
Sự chiến thắng của Thuỳ Linh trước đó và của Kiên Giang ở liveshow 7 tuần vừa qua đã làm người ta nghi ngại. Phải chăng công chúng đã và đang bắt đầu quay lưng lại với The Voice?
Trước đó, hầu hết các thí sinh xuất sắc nhất ở các đêm thi đều là người giành được số phiếu bình chọn nhiều nhất. Cho dù đó là hotboy như Bùi Anh Tuấn, có khả năng đốn ngã trái tim các cô gái, hay giọng ca đầy nội lực của hiện tượng Hương Tràm, thậm chí là cả bà nội trợ Kim Loan, đến với sân chơi The Voice Vietnam chỉ có vũ khi duy nhất là giọng hát. Một kết quả khá công bằng.
Do đó sẽ thật khó lý giải chuyện đột biến về kết quả trong trường hợp của Kiên Giang ở liveshow 7. Có thể Kiên Giang đã nhận được sự hậu thuẫn về tin nhắn từ bạn bè cũng như từ công ty anh đang làm việc. Không có gì là quá khi nhân việc có nhân viên tham gia một show truyền hình thực tế đang hot nhất nhì Việt Nam, người ta quăng tiền ra để nhắn tin bình chọn với mục đích quảng bá cho hình ảnh của công ty.
Cũng có thể xảy ra trường hợp nữa, do thấy Kiên Giang hát dở và có nguy cơ bị loại cao nên những người hâm mộ anh đã ồ ạt nhắn tin để cứu “thần tượng”. Trường hợp này có lẽ hơi khó xảy ra. Bởi Kiên Giang là thí sinh không có ngoại hình của một hotboy, cũng chăng có ưu thế nổi bật để thành thần tượng của một cộng đồng nghe nhạc nào đó.
Nguyễn Thuỳ Linh, giọng ca chuyên trị thể loại nhạc jazz cũng đã khiến không ít người ngỡ ngàng khi giành được số lượng tin nhắn đứng thứ nhất và thứ hai ở 2 liveshow 1 và 5 cô tham gia trước đó.
Nhưng sự chiến thắng của Kiên Giang còn được lý giải dưới một góc độ khác đó là nếu không có sự quay lưng lại từ phía khán giả thì chưa chắc một ai đó có thể thao túng được kết quả bình chọn qua tin nhắn. Sẽ ra sao nếu một giọng hát như Kiên Giang chiếm lĩnh ngôi quán quân The Voice Vietnam mùa đầu tiên?
Nói đến đây, người ta sẽ thấy càng lo cho tương lai của The Voice hơn khi càng vào sâu, cuộc đua tin nhắn càng trở nên khốc liệt. Khán giả chính là người có quyết định lớn đến việc ai sẽ là người chiến thắng khi ở liveshow 11, khi mỗi đội còn 2 thí sinh, thí sinh đi tiếp vào chung kết phải dựa vào 50% điểm từ tin nhắn bình chọn và 50% số điểm còn lại do huấn luyện viên quyết định.
Tuy nói các huấn luyện viên có quyền quyết định đến 50% kết quả trong việc chọn thí sinh nào sẽ được vào thi đêm chung kết. Nhưng sẽ chẳng vị nào dám mạo hiểm chọn thí sinh hát hay hơn mà có lượng bình chọn thấp hơn. Bởi ở đêm chung kết thí sinh có lượng tin nhắn bình chọn cao nhất sẽ là quán quân của The Voice năm nay.
Theo Đàm Mộng Hoài
VTC News