Những ngày qua, việc Coca Cola có những dấu hiệu
bất thường trong việc đóng thuế khiến dư luận và giới truyền thông tốn không ít giấy mực.
Bởi lẽ, mặc dù là đơn vị thống lĩnh thị phần đồ uống tại Việt Nam, doanh số tăng thẳng đứng, nhưng từ khi đầu tư tại thị trường Việt Nam đến nay, Coca Cola chưa từng đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào do liên tục khai lỗ.
Do vậy, suốt 7 năm nay, Cục Thuế TP.HCM thường xuyên liệt Công ty Coca Cola VN vào vị trí số 1 trong danh sách doanh nghiệp bị nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá, tuy nhiên không tìm được những bằng chứng xác thực để chứng minh cho hành động này.
"10 năm không có lãi là chuyện bình thường"
Dưới một góc nhìn khác, một số người đã từng làm việc cho các công ty đa quốc gia lại cho rằng: Các tập đoàn đa quốc gia luôn tuân thủ pháp luật một cách chặt chẽ.
|
Ông Đỗ Văn T., chuyên viên sales và marketing, người đã từng làm việc tại Coca Việt Nam cho rằng: Các công ty đa quốc gia luôn tuân thủ luật pháp rất nghiêm ngặt. |
“Tại Việt Nam, Coca Cola đầu tư vô cùng lớn vào con người, ngành kinh doanh này nếu 10 năm chưa có lãi cũng là chuyện bình thường. Tôi đã từng làm việc tại Coca và bản thân tôi cũng được Coca đầu tư rất nhiều, tất cả những người khác đều được như vậy. Đóng góp vào quốc gia của họ không thể chỉ tính bằng nộp thuế mà cần tính cả những đầu tư cho các hoạt động đào tạo, hoạt động xã hội” – Ông Đỗ Văn T. chuyên viên sales và marketing, người đã từng làm việc tại Coca Việt Nam nhận xét.
Theo Cục Thuế TP.HCM, tình trạng DN có vốn đầu tư nước ngoài tại TP
thua lỗ liên tục qua nhiều năm, thậm chí số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu nhưng vẫn mở rộng sản xuất là dấu hiệu không bình thường nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế.
“Cục Thuế TP.HCM đã có văn bản báo cáo UBND TP và Sở Kế hoạch - đầu tư TP về tình trạng thua lỗ liên tục của Coca Cola VN, trong đó nêu rõ quan điểm rằng nếu một DN đầu tư vào VN mà lỗ mất vốn đầu tư ban đầu có còn cơ sở pháp lý để tồn tại ở VN hay không nhưng vẫn chưa nhận được văn bản nào trả lời về vấn đề này” - ông Lê Duy Minh, trưởng phòng kiểm tra thuế số 1 Cục Thuế TP.HCM chia sẻ trên trang Tuổi trẻ.
Tuy nhiên, phản biện lại quan điểm trên, ông Đỗ Văn T. lại nhấn mạnh: Coca Cola không kinh doanh trực tiếp tại Việt Nam mà chỉ là nhà tài trợ. Theo Luật đầu tư nước ngoài, cái mà chúng ta nhìn thấy là các nhà đóng chai, họ kinh doanh tại Việt Nam dưới sự giám sát của Coca Cola.
“Theo tôi được biết thì Coca đã chuyển nhà đóng chai tới vài lần vì họ chịu không nổi thua lỗ. Bản thân Coca Cola đã vào trực tiếp Việt Nam được 2 năm nhưng cũng đã rút ra trả lại cho nhà đóng chai. Sắp tới Việt Nam cũng đang kêu gọi Coca tiếp tục đầu tư thêm dưới hình thức trực tiếp. Tóm lại, nếu xét về sự nghiêm túc và đàng hoàng, tuân thủ luật pháp thì các công ty đa quốc gia tuân thủ rất nghiêm ngặt” – ông T. lưu ý.
Vị chuyên gia trong lĩnh vực marketing này đặt ra 3 vấn đề để mọi người suy nghĩ với hi vọng có cái nhìn đúng đắn hơn trước nghi ngờ có hay không việc Coca Cola trốn thuế.
“Thử hỏi các công ty đa quốc gia khác cũng như hàng trăm ngàn công ty TNHH, kể cả các tập đoàn kinh tế tại VN… thử so sánh xem đâu mới là việc trốn thuế rõ ràng? Theo hiểu biết của tôi, họ đều chịu lỗ ghê gớm và kiên trì đầu tư dài hạn.
Thứ hai, về văn hóa kinh doanh, các tập đoàn đều kiên quyết chống tham nhũng hối lộ dưới mọi hình thức vì đó là trách nhiệm pháp lý toàn cầu, như vậy nếu như làm sai, bản thân các công ty trực thuộc liệu có thể tồn tại lâu bền trong hệ thống của họ từng ấy năm hay không?
Thứ ba, về đầu tư, chúng ta không thiếu bằng chứng để minh chứng cho các đầu tư của họ vào công tác hoạt động xã hội” – ông T. phân tích.
Cần điều tra có hay không việc Coca Cola chuyển giá?
Mặc dù vậy, nghi vấn về việc có hay không việc Coca Cola trốn thuế vẫn đang được giới chuyên gia cũng như nhiều người tiêu dùng đặt dấu chấm hỏi.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khi trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam cũng khẳng định: Việc Coca Cola nhiều năm báo lỗ, không nộp một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp là bất thường.
Bất thường ở mấy điểm: Thứ nhất là báo lỗ mà vẫn mở rộng sản xuất, vẫn trả lương tốt và hơn nữa, các hoạt động của Coca vẫn tiếp tục tăng trưởng, biểu hiện ở việc cuối tháng 10/2012, chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành Coca Cola, ông Muhtar Kent, đã tới VN và tuyên bố Coca Cola sẽ rót thêm 300 triệu USD vào VN trong ba năm tới.
|
Nguồn: Cục Thuế TP.HCM - Đồ họa: V.Cường |
“Đây là điều bất thường mà ai cũng dễ dàng nhận ra. Tuy nhiên, muốn chứng minh điều bất thường hơn nữa cần xem xét kỹ báo cáo tài chính của công ty này… Muốn xem Coca có vi phạm luật không thì phải tìm hiểu cơ cấu báo lỗ của Coca như thế nào. Phải xem giá họ bán cho công ty mẹ cũng như các chi phí họ nhập khẩu để tính vào giá thành đúng hay sai, có phi lý hay không, vì đây là biểu hiện của chuyển giá” – ông Phong nói.
Ông Phong cũng giải thích thêm một số dấu hiệu của công ty có biểu hiện chuyển giá như sau: Một là khai vống chi phí nhập tạo ra chi phí đầu vào rất lớn, thu không đủ bù chi, tính ra lỗ. Hai là giảm giá bán, coi như khoản thu bị mai một cũng nhằm mục đích cuối cùng là gây ra lỗ.
“Nếu doanh nghiệp nào có hai biểu hiện như vậy, chắc chắn là dấu hiệu của chuyển giá và các cơ quan thuế phải làm động tác truy thu những khoản trốn thuế” – chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.