Chủ Nhật, 09/12/2012 - 13:06

“Kỳ thị” tiền xu là vi phạm pháp luật

Không chỉ người dân đón nhận một cách vô cùng e dè đồng tiền xu (phát hành năm 2003) mà ngay cả các siêu thị, ngân hàng, tiền xu cũng bị “kỳ thị” theo các cách thức khác nhau…
 >>  Chối bỏ... tiền xu
 >>  Tiền xu bị "hắt hủi"
 >>  Tiền xu bị “chối bỏ hoàn toàn” trong lưu thông

Tiền xu gặp khó khăn trong lưu thông
Tiền xu gặp khó khăn trong lưu thông
 
Chối bỏ tiền xu

Ngày 17-12-2003, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phát hành tiền xu có mệnh giá 5.000 đồng, 1.000 đồng và 200 đồng. Đến ngày 1 – 4 - 2004, NHNN phát hành tiếp tiền xu loại 2.000 đồng và 500 đồng. Theo nhận định của NHNN bấy giờ, việc phát hành tiền kim loại mệnh giá 500 đồng và 2.000 đồng nhằm mục đích tiếp tục hoàn thiện cơ cấu mệnh giá các đồng tiền kim loại trong lưu thông phù hợp với yêu cầu lưu thông tiền tệ. Đồng tiền xu sẽ rất được ưa thích và tiện dụng trong những giao dịch nhỏ lẻ.

Nhưng hiện nay, trong ví của hầu hết mọi người, tiền xu cũng chỉ để làm… kỷ niệm, bởi lẽ dùng tiền xu mua hàng vô cùng khó.

“Mua bất cứ thứ gì nếu trả bằng tiền xu y như rằng bị từ chối, người bán hàng chỉ chấp nhận tiền giấy. Đến mức có lần tôi nói rằng từ chối tiền xu là vi phạm quy định của nhà nước, nhưng người bán hàng vẫn… không nhận. Thiếu tiền người bán hàng cho nợ, chứ nhất định không nhận tiền xu” - chị Tâm, trú tại Mỹ Đình – Hà Nội cho biết.

Trong vai một khách hàng, PV mang những đồng tiền xu mệnh giá 5.000 đồng đi mua mấy món gia vị lặt vặt, khi thanh toán tất cả các chủ hàng đều từ chối đồng tiền xu của PV với lý do “bây giờ không ai tiêu tiền xu cả, đem về mà làm kỷ niệm”.

Tiếp tục bước vào một vài siêu thị điện máy, quầy sách… trên nhiều phố ở Hà Nội. Khi nhìn thấy những đồng tiền xu mà PV đưa ra để thanh toán, tất cả các cô thu ngân đều lắc đầu từ chối.

Tháng 4-2011, NHNN chính thức thông báo ngừng phát hành tiền xu. Tuy nhiên, giá trị lưu hành của nó không thay đổi.

Nhưng thực tế, mặc dù đã có thông báo chính thức của NHNN về việc các đồng tiền xu bị “xuống sắc” hoặc từ chối thanh toán có thể đem đến thanh toán tại các hệ thống siêu thị, bưu điện hoặc đổi tại các ngân hàng, thì tồn tại việc ngay cả những giao dịch giữa người dân với ngân hàng, tiền xu cũng bị “từ chối”. Anh Bùi Văn Đức, trú tại TP HCM cho biết, anh vay tiền tại Ngân hàng Á Châu ACB, đường Hưng Phú, P 9, Q 8, TP HCM mua laptop, hàng tháng phải trả 942.000 đồng. Sáng 30-6, anh Đức đến ngân hàng trả lãi, trong đó 900.000 đồng trả bằng tiền giấy, 42.000 đồng bằng tiền xu (loại xu 2.000 đồng và xu 5.000 đồng) nhưng nhân viên ngân hàng không nhận và cho biết phải đến NHNN để đổi.

Một trường hợp khác, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, quận 3, TP HCM cho biết, sáng 16 - 7 chị đến phòng giao dịch Bàn Cờ chi nhánh 11 Ngân hàng Agribank chuyển tiền, tiện thể chị đem số tiền xu gom được đến đổi thành tiền giấy. Tuy nhiên, nhân viên giao dịch NH từ chối với lý do “ngoài chợ không xài tiền xu” và yêu cầu chị phải đến hội sở NH để giải quyết.

“Trước thực tế, tiền xu bị từ chối ở hầu hết mọi nơi, những người có tiền xu không biết phải làm như thế nào nên phải đưa đến NH để “trả lại” như một biện pháp “giải thoát”. Thế nhưng, không phải NH nào cũng chấp nhận việc này, có những ngân hàng còn yêu cầu tôi phải mất phí 20 đến 30%, trong khi phí đổi tiền rách chỉ mất 3 đến 4%” – một người dân cho biết.

Hành vi từ chối tiền xu là vi phạm pháp luật. Tại Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước cũng quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có việc cấm từ chối nhận, từ chối lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do NHNH phát hành. Trước “thực trạng” trên, phía NHNN khẳng định tới thời điểm hiện nay tiền kim loại vẫn còn giá trị lưu thông. Do vậy, NH thương mại từ chối nhận tiền xu là sai quy định. Người dân gặp trường hợp này có thể phản ánh về NHNN để chấn chỉnh, xử lý.

Chi phí phát hành lớn

Có một thực tế thường xuyên xảy ra, nhiều người khi được trả lại tiền thừa bằng tiền xu (khoảng 5 hoặc 6 nghìn đồng), thường yêu cầu đổi sang tiền giấy, nếu không được thì đổi thành kẹo hay một món hàng khác tương đương, thậm chí... cho không người bán hàng, chứ nhất định không lấy tiền xu. “Giờ chả ai dùng tiền xu nữa, vừa bất tiện, mà đồng tiền xu để lâu còn bị xỉn màu rất xấu” – một bà nội trợ cho biết.

Xung quanh vấn đề này, TS Cao Sĩ Kiêm cho biết, từ giai đoạn năm 1989 - 1997 khi còn giữ cương vị Thống đốc NHNN, ông đã từng khảo sát và nghiên cứu tại nhiều quốc gia trên thế giới để tìm hướng phát hành tiền xu, tuy nhiên do lúc đó thấy hiệu quả sử dụng không cao, chi phí đầu tư lại quá tốn kém nên đã không triển khai. “NHNN lúc đó cũng định đặt hàng Canada để đúc và phát hành tiền xu, nhưng sau đó không triển khai nữa vì nó quá tốn kém và không phù hợp với điều kiện sử dụng của Việt Nam” - ông Kiêm nói.

Theo TS Kiêm, việc phát hành 1 đồng tiền xu thường kèm theo chi phí ngang bằng với mệnh giá đồng tiền xu đó, thậm chí còn đắt hơn do quá trình bảo quản tốn kém. Có khoảng vài tỷ đồng tiền xu đã được phát hành. Tổng giá trị tiền phát hành ra tương đối lớn, không lưu thông được gây ra sự lãng phí cho ngân sách nhà nước.

 
Vì không thay thế được tiền giấy?

Thời điểm mới phát hành (năm 2003) những đồng tiền xu được khá nhiều người háo hức đón nhận. Nắm bắt tâm lý này, nhiều người đã kinh doanh những chiếc túi vải màu đỏ xinh xắn cho mọi người mua đựng tiền xu. Tiền xu còn được ông bà, cha mẹ dùng để làm tiền mừng tuổi cho nhiều em bé… Vậy thì phải có lý do vì sao chỉ sau một thời gian khá ngắn đồng tiền xu lại bị từ chối không thương tiếc như hiện nay?

“Tiền xu bị tẩy chay còn vì giá trị quá thấp. Với tình trạng trượt giá như hiện nay thì mua được gì bằng những đồng tiền xu với mệnh giá 200 đồng; 500 đồng hay 1.000 đồng? Mặt khác do thời tiết, do quá trình giao dịch tiền xu dễ bị mồ hôi và các tác nhân khác làm cho hư hỏng” – một người dân than thở.

Theo các chuyên gia kinh tế, có nhiều nguyên nhân dẫn tới cái “chết yểu” của tiền xu, nhưng nguyên nhân chính là không tiện ích, không có giá trị trong sử dụng; cồng kềnh, xấu xí vì han gỉ khiến người dân cảm thấy “không thích”, khó chịu mỗi khi mang bên mình. Mục đích chính của tiền xu nhằm tăng tính tiện ích cho người dân khi mua bán, nhất là tại các cửa hàng, siêu thị... với các máy bán hàng tự động, kể cả các dịch vụ điện thoại công cộng. Thế nhưng hiện tại ở Việt Nam, hệ thống máy bán hàng tự động hầu như không được đầu tư, lắp đặt khiến tiền xu… không có đất sống.

Mặt khác, thói quen chi tiêu của người dân thích tiền giấy gọn nhẹ, dễ đút túi, mang lại tiện lợi hơn trong tiêu dùng. Ngược lại tiền xu rất dễ rơi vì kích thước khá nhỏ. Ví dụ, nếu mang ra ngân hàng nộp 5 triệu đồng tiền xu mệnh giá 5.000 đồng, người dân phải mang 7,7 kg (1 đồng nặng 7,7 gam), còn 5 triệu đồng tiền giấy thì… nhẹ hơn rất nhiều. Cũng theo các chuyên gia cho biết, ở nước ngoài khi đã phát hành tiền xu mệnh giá nhỏ gần như thay thế hoàn toàn tiền giấy, nhưng ở Việt Nam, tiền xu và tiền giấy vẫn song song tồn tại. Vì vậy việc người dân từ chối tiền xu là điều khó tránh.

Được biết, trước khi phát hành tiền xu NHNN đã đưa ra quy định để đồng tiền xu đảm bảo giá trị lưu hành. Thế nhưng trên thực tế, cho đến thời điểm hiện tại, sau 9 năm lưu hành,  tiền xu gần như đã bị tẩy chay. Điều này gây lãng phí rất lớn cho cả người dân và Nhà nước. “Kỳ thị” tiền xu là gây lãng phí ngân sách quốc gia và vi phạm quy định Nhà nước. Vấn đề đặt ra đối với các nhà quản lý là xử lý thế nào đối với các vi phạm này, nhất là với các cơ quan có trách nhiệm khuyến khích người dân sử dụng tiền xu như: siêu thị, ngân hàng...


    Theo Sỹ Hào
Pháp luật & Xã hội
“Kỳ thị” tiền xu là vi phạm pháp luật “Kỳ thị” tiền xu là vi phạm pháp luật
7 10 5886
“Kỳ thị” tiền xu là vi phạm pháp luật “Kỳ thị” tiền xu là vi phạm pháp luật 10 7 5886