Thứ Tư, 12/12/2012, 06:33 [GMT+7]
.
.

Công thức để có người Hà Nội thanh lịch

(Trái hay Phải)- Nghe tin TP Hà Nội quyết tâm xây dựng Đề án “Quy tắc ứng xử trong cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và nơi công cộng, nhằm thay đổi hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh” tôi vừa mừng vừa lo.

Nhặt rác ở Hồ Gươm
Nhặt rác ở Hồ Gươm

Mừng vì dù muộn, các lãnh đạo thành phố Hà Nội- trái tim của đất nước đã quan tâm đến việc xây dựng hình ảnh người dân Hà Nội thanh lịch, văn minh. Còn lo vì một nỗi, một vấn đề văn hóa lớn như thế, xây dựng bằng đề án bao gồm các quy tắc, liệu có được không, hay lại chỉ thành một bộ tiêu chuẩn cứng nhắc mà người ta không biết dùng vào việc gì?

Trên các diễn đàn, người ta tranh luận khá sôi nổi về đề tài này. Nhưng điều khiến tôi cảm thấy buồn cười nhất là các ý kiến: phải đuổi hết người các tỉnh về thì mới giữ được Hà Nội thanh lịch như trước. Một dạng phản ứng cực đoan chỉ nghe thôi đã đủ thấy ít “thanh lịch” rồi.

Cái tư duy hiểu câu ca “Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” một cách máy móc và sai lầm, rằng chỉ cần tự mình xưng “Hà Nội gốc 3 đời” có nghĩa đã đủ một chứng chỉ về sự thanh lịch rất đáng được gột rửa sạch sẽ trong thời đại này.

Khi đặt ra câu ca ấy, người xưa chỉ muốn nhắc nhở người ở đất kinh kỳ phải ý thức về tư cách của mình mà gìn giữ sự thanh lịch, nề nếp trong lời ăn tiếng nói, ứng xử với cộng đồng, chứ nào phải để người thủ độ dựa vào đó mà xem thường người xứ khác?

Chẳng có cái gì sinh ra đã được đặt tên ngay là “văn hóa” nếu nó không được thử thách bởi thời gian. Chẳng có vùng đất nào khi hình thành đã được gọi tên là “thanh lịch” nếu chẳng do nó là nơi hội tụ những tinh hoa của nhiều vùng khác đổ về.

Có được Hà Nội hôm nay, một ngàn năm qua, những vùng đất vùng người ở khắp nơi trên đất nước đã cống hiến cho nó những nhân vật tinh hoa của họ. Như phù sa chắt chiu qua rất nhiều tháng năm mới làm nên một tấc đất mỡ màu, Hà Nội vì thế mà phải biết ơn người các tỉnh mới phải, can cớ gì để quay lưng mạt sát họ?

Tôi đã từng được tiếp xúc với nhiều trí thức đúng nghĩa của Hà Nội- những người luôn có một nếp sống thanh lịch, họ khiêm nhường, hiểu biết, không bao giờ lấy vật chất làm trọng, không bao giờ dè bỉu coi thường người thôn quê. Tôi kính trọng họ bởi tấm lòng họ luôn rộng mở, luôn trân trọng và học hỏi để làm cho vốn sống, vốn văn hóa của mình đầy đặn hơn mỗi ngày.

Những người như thế, tiếc thay, họ đang vắng bóng dần và chìm nghỉm đi trong dàn đồng ca hãnh tiến của những người có tiền, có quyền, những kẻ giàu xổi nhìn không qua được đống tiền mà họ kiếm về mỗi ngày.

Ai cũng kêu ca văn hóa Hà Nội xuống cấp, ai cũng lên án Hà Nội mất thanh lịch hết rồi, cứ như thể mình chẳng có chút liên quan nào đến sự sa sút ấy. Văn hóa xuống cấp bởi người ta không còn tôn trọng văn hóa bằng tôn trọng đồng tiền, người ta đánh giá nhau qua sự giàu có, chứ không phải là văn hóa sống.

Nhìn ra thủ đô, chỗ công cộng nào cũng có rác, trẻ con đi ra đường nói tục đến rợn người, người lớn vi phạm luật giao thông, trên các diễn đàn, văn hóa tranh luận cũng sa sút đến thảm hại vì người ta thích mạt sát nhau, văng tục chửi đổng hơn là cố gắng để nói ra những điều có chút ít dấu hiệu của tư duy.

Tôi không dám tin tưởng lắm vào bộ Quy tắc trong tương lai mà thành phố chắc sẽ bỏ khối tiền ra để nghiên cứu, soạn thảo, bởi suy cho cùng, có quy tắc nào quy định được chuẩn mực văn hóa vốn là những thứ siêu vô hình, chỉ có thể được tạo dựng dựa trên một nền tảng học vấn nhất định và một trái tim nhân ái, hướng thiện, vị tha?

Sẽ thật khó để xây dựng nên một công thức để rồi từ đó tạo nên một con người thanh lịch, có văn hóa. Công thức ấy là gì, là không chửi bậy, không xả rác, không khạc nhổ bừa bãi, không xúm đông xúm đỏ để xem chuyện trời ơi đất hỡi ngoài đường, không “buôn dưa lê” hay là hàng ngàn những điều “không” nào nữa?

Tôi cho rằng, để có người Hà Nội văn hóa hay không, vai trò của những người mẹ vô cùng quan trọng. Người phụ nữ sinh ra cả thế giới này, họ dưỡng dục cả thế giới này, những đứa con của họ thành nhà thơ, anh hùng, vị tướng hay một kẻ cắp cũng đều do bàn tay giáo dục của họ.

Tôi ước ao mỗi người phụ nữ trưởng thành hôm nay, những người đã được làm mẹ vào thời điểm năm 2012 này ý thức được vai trò của họ trong việc rèn luyện một lớp người văn hóa cho mai sau của Hà Nội hay nói rộng ra là của đất nước.

Không ai khác ngoài họ mới gánh vác nổi trách nhiệm nặng nề này. Họ phải bảo ban uốn nắn con cái mình từng ly từng tý, dạy đứa bé biết chào hỏi, biết cảm ơn, xin lỗi, biết yêu thương vạn vật, biết tôn trọng cái đẹp, biết ngưỡng mộ lẽ phải và chống lại cái xấu xa. Đó là con người văn hóa chứ còn đâu?

Tôi nghĩ trên đời này, không một bộ quy tắc ứng xử nào có thể làm thay công việc của một người mẹ với những đứa con của mình. Vì vậy, đừng trông chờ xã hội sẽ làm thay bạn việc đó, những người cha, người mẹ phải đứng ra mà nhận lấy trách nhiệm của mình đi thôi.

  • Mi An
;
.
.
.