"Lật lại" cái chết của bố Mai Thu Huyền...tìm nguyên nhân "thực"

16/12/2012 17:26:49
- Hai bệnh viện cùng tham gia cấp cứu bệnh nhân Mai Trung Kiên - bố của người đẹp Mai Thu Huyền, với những chuyên môn sâu khác nhau, xử lý những sự cố khác nhau và cuối cùng bệnh nhân đã tử vong. Bệnh viện Tim Tâm Đức liệu có vô can?
TIN LIÊN QUAN
 
Bệnh viện Tim Tâm Đức phải đi mua máu trong đêm

Lúc 9 giờ 41 phút tối ngày 11/8, BS Đào Thị Mỹ Vân, Khoa Hồi sức, Bệnh viện FV điện thoại đến BS Minh Thư của Bệnh viện Tim Tâm Đức và BS Thư cho biết bệnh nhân có xuất huyết nội, do Bệnh viện Tim Tâm Đức không có bác sĩ phẫu thuật nên sẽ trả bệnh nhân về Bệnh viện FV. Trao đổi với phóng viên, BS Đào Thị Mỹ Vân cho biết đã nói với BS Thư rằng, nếu bệnh nhân đang chảy máu thì Bệnh viện Tim Tâm Đức nên truyền máu ngay. Bệnh viện FV đã sẵn sàng có máu cho bệnh nhân và đề nghị gửi máu qua cho Bệnh viện Tim Tâm Đức nhưng BS Thư không trả lời.

Ngày 10/12, trao đổi với PV, BS Lê Đức Tuấn, Khoa Ngoại, Bệnh viện FV cho biết, lúc 9 giờ 45 tối ngày 11/8, BS Lê Đức Tuấn, Khoa Ngoại, Bệnh viện FV và BS Gerard Devigues, Giám đốc Chuyên môn của Bệnh viện FV đến Bệnh viện Tim Tâm Đức khám vùng bụng của bệnh nhân và xem hình chụp trên màn hình siêu âm cho thấy có dịch trong bụng. BS Gerard Devigues đã hỏi BS Minh Thư có chắc là bệnh nhân không có vấn đề gì về tim mạch và BS Minh Thư lặp lại rằng không có vấn đề gì về tim nhưng bị chảy máu trong. Bệnh viện Tim Tâm Đức đã đề nghị Bệnh viện FV phẫu thuật khẩn cấp cho bệnh nhân ngay tại Bệnh viện Tim Tâm Đức.

Trong cuộc thảo luận tiếp theo đó, Bệnh viện FV đã giải thích vì sao phẫu thuật nội soi ổ bụng là an toàn hơn cho bệnh nhân (Bệnh viện Tim Tâm Đức lại đề nghị mổ hở) và còn xem xét việc đem thiết bị sang Bệnh viện Tim Tâm Đức để thực hiện phẫu thuật. Nhưng cuối cùng, nhận thấy rằng việc di chuyển thiết bị sẽ mất 2 tiếng đồng hồ, lâu hơn nhiều so với việc chuyển bệnh nhân về lại FV, nên 2 bên đồng ý chuyển bệnh nhân về lại FV. Điều này được chứng minh bằng biên bản hội chẩn chuyển viện ký giữa 2 bệnh viện.
 
Trong Hồ sơ bệnh án của Bệnh viện Tim Tâm Đức cũng ghi rõ họ phải đi mua máu ngay trong đêm và khi có quyết định chuyển bệnh nhân về lại Bệnh viện FV họ cũng không có xe cấp cứu, bởi chiếc xe này đang được điều đi mua máu (Tờ điều trị số 2) và cuối cùng phải chờ xe của Bệnh viện FV qua đón bệnh nhân!

Bệnh án của bệnh nhân Mai Trung Kiên viết không rõ ràng, phải bổ sung chỉnh sửa.
Bệnh án của bệnh nhân Mai Trung Kiên viết không rõ ràng, phải bổ sung chỉnh sửa.

Phẫu thuật cấp cứu lúc này có cần thiết không?

Thời điểm đó, các bác sĩ ngoại khoa của Bệnh viện FV nhắc đi nhắc lại rằng không phải là phẫu thuật cấp cứu. Họ đã xử trí đúng bởi lúc đó không cần thiết phải phẫu thuật cấp cứu ngay cho bệnh nhân vì máu chảy rất chậm, trong vòng 72 tiếng đồng hồ, chảy nhỏ giọt, rỉ rả chứ không phải xuất huyết. Tình trạng chảy máu này hầu như vẫn tiếp tục xảy ra vì bệnh nhân đang phải dùng 3 loại thuốc chống đông máu để điều trị thiếu máu cơ tim cấp tính và còn tiếp diễn cho tới khi bệnh nhân dừng điều trị bằng thuốc chống đông máu.

Tuy nhiên, việc chảy máu này không đe dọa đến tính mạng mà chỉ cần truyền máu cho bệnh nhân để bù lại lượng máu đã bị mất. Nếu phẫu thuật có thể cầm được máu thì kết quả này cũng chỉ là một cải thiện rất nhỏ trên tình trạng lâm sàng này vì máu chảy rất chậm. Và vì vậy, phẫu thuật lúc này không phải là phẫu thuật cấp cứu ngay tức thì, vì điều đó không những không cần thiết mà còn rất nguy hiểm khi phải chấp rủi ro khi gây mê cho bệnh nhân để mổ thám sát ổ bụng trên bệnh nhân đang bị thiếu máu cơ tim cấp tính nặng.

Nhưng, theo kết luận của Bệnh viện Tim Tâm Đức, bệnh nhân không có vấn đề gì về tim, nên cuối cùng các bác sĩ ngoại khoa của Bệnh viện FV đã chấp thuận phẫu thuật cho bệnh nhân. Bệnh nhân được chuyển về lại Bệnh viện FV và đã tử vong 15 phút sau đó do một cơn loạn nhịp tim, trong khi đang được truyền máu.

Phần nội dung từ chối trả lời công luận trong công văn gửi tòa soạn do Giám đốc Bệnh viện Tim Tâm Đức ký.
Công văn gửi tòa soạn do Giám đốc Bệnh viện Tim Tâm Đức ký.

Bệnh viện Tim Tâm Đức từ chối trả lời

Cả quá trình vụ việc xảy ra, "bão dư luận" đổ hết lên Bệnh viện FV và tất nhiên do khiếu nại của gia đình bệnh nhân cùng với đề nghị làm rõ vụ việc của Bệnh viện FV nên địa chỉ trả lời kết luận của Bộ Y tế chỉ là Bệnh viện FV và hoàn toàn không đả động gì đến Bệnh viện Tim Tâm Đức. Tuy nhiên, có phải một công đoạn rất quan trọng, một cơ hội bị bỏ lỡ có thể cứu bệnh nhân lại thuộc về một bệnh viện khác, đó là Bệnh viện Tim Tâm Đức?

Khi lật lại toàn bộ hồ sơ của vụ này, chúng tôi và nhiều chuyên gia trong ngành y đều thấy rõ những tình tiết mới này và tòa soạn đã có công văn đề nghị lãnh đạo Bệnh viện Tim Tâm Đức có ý kiến trả lời để rộng đường dư luận. Bệnh viện Tim Tâm Đức đã từ chối trả lời với lý do: "Đây là trường hợp đặc biệt, đã có kết luận của Hội đồng chuyên môn Sở Y tế và Bộ Y tế, bệnh viện xin không có ý kiến thêm".

Theo kết luận cuối cùng của Bộ Y tế, bệnh nhân tử vong là do 2 yếu tố chảy máu sau mổ ruột thừa và nhồi máu cơ tim - một phần nguyên nhân thuộc về Bệnh viện Tim Tâm Đức. Nếu theo kết luận này, Bệnh viên Tim Tâm Đức có vô can?
(còn tiếp)
Nhóm phóng viên