Thứ Hai, 17/12/2012 - 10:25

Phí “đè” chủ thẻ ATM

Không chỉ phí rút tiền ngoại mạng, theo dự thảo thông tư quy định phí giao dịch ATM, chủ thẻ “gánh” thêm hàng loạt phí khác như phí rút tiền nội mạng (rút tại chính máy ATM của ngân hàng phát hành thẻ), phí chuyển khoản...

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng thu phí ATM là không thuyết phục, nhất là áp dụng trong thời điểm khó khăn như hiện nay.

Người dân xếp hàng chờ rút tiền từ máy ATM ở Khu công nghiệp Long Thành, Đồng Nai - Ảnh: T.T.D.

Người dân xếp hàng chờ rút tiền từ máy ATM ở Khu công nghiệp Long Thành, Đồng Nai - Ảnh: T.T.D.

Nhiều chuyên gia cho rằng ngân hàng (NH) và doanh nghiệp (DN) là những đơn vị hưởng lợi “kếch sù” từ việc trả lương qua thẻ. Do đó không thể dồn tất cả phí cho người lao động.

3.000 đồng là thêm gánh nặng

Tại Khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM) lúc 21g30 ngày 15-12, từng tốp công nhân tan ca mới ghé vào trụ ATM rút tiền. Đứng gần nửa giờ ở trụ ATM, chúng tôi thấy phần lớn công nhân chỉ rút 100.000-200.000 đồng/lần. Anh Thạch Son, công nhân Công ty FAPV (Nhật) chuyên sản xuất dây điện cho ôtô, cho biết tiền lương mỗi tháng khoảng 2,35 triệu đồng nhưng không bao giờ dám rút hết một lần. Thường khi công ty trả lương anh rút một phần để trả tiền nhà trọ, sau đó mỗi tuần rút 100.000-200.000 đồng để chi tiêu. “Tính ra mỗi tháng tôi rút tiền đến 4-5 lần, nếu tới đây NH thu phí rút tiền nội mạng chắc tôi sẽ rút hết một lần. Có thể với người khác 1.000-3.000 đồng là số tiền nhỏ chứ công nhân chúng tôi lương chỉ đủ sống thì phát sinh một khoản chi phí là thêm gánh nặng. Nhất là hiện nay NH đã thu phí quản lý tài khoản 3.300 đồng/tháng” - anh Thạch Son nói.
 
Chị Vân, công nhân Công ty Eidaikako chuyên sản xuất thảm lót xe hơi, nói đã có quá nhiều loại phí đè lên người dùng thẻ, hiện nay công ty chị phát lương thông qua NH Vietcombank và NH này đã thu phí quản lý tài khoản 3.300 đồng/tháng. Bên cạnh đó theo quy định người dùng thẻ bị giữ lại 50.000 đồng trong tài khoản và NH cũng quy định số tiền rút tối thiểu một lần là 50.000 đồng. Do vậy nếu số dư trong tài khoản dưới 100.000 đồng thì không thể rút tiền được. Cuối tháng hết tiền chị thường phải nhờ bạn chuyển khoản cho đủ số dư rút tiền. Mỗi lần như vậy đều bị trừ phí 3.300 đồng. Ngoài ra, nếu đăng ký dịch vụ báo số dư qua tin nhắn thì phí 8.800 đồng/tháng. Như vậy nhẩm tính mỗi tháng một người dùng thẻ cũng mất vài chục ngàn đồng tiền phí.

Tuy nhiên, bức xúc hơn là thu phí cao nhưng chất lượng dịch vụ không tương xứng. Vào ngày 30 và mồng 10 hằng tháng - thời điểm các DN chi lương - dù có đến hơn 10 máy ATM nhưng thế nào cũng có vài máy hỏng hóc, hết tiền hoặc chỉ cho phép kiểm tra số dư. Vài chục ngàn công nhân tập trung xếp hàng rồng rắn ở những máy ATM còn hoạt động được. Nhiều khi đành phải chịu đợi 1-2 ngày sau mới rút được tiền. “Số lượng công nhân tăng từng năm nhưng số máy rút tiền vẫn vậy” - chị Vân nói.

Không chỉ công nhân, nhiều viên chức văn phòng cũng không vui trước thông tin NH dự kiến thu phí rút tiền nội mạng từ tháng 3-2013. Chị Liên, nhân viên một trường đại học tại quận 1, TP.HCM, nói nếu được chọn chị vẫn thích nhận lương bằng tiền mặt vì được lĩnh một lần, không mất phí, lại không lo rút phải tiền rách. Chưa kể nhiều NH còn giới hạn số tiền mỗi lần rút 2 hoặc 3 triệu đồng. Như vậy, muốn rút hết tiền lương phải mất đến hai giao dịch. “NH phải cân nhắc kỹ việc thu phí nội mạng chứ nếu cứ khai thác triệt để người dùng thẻ thế này chúng tôi sẽ vào quầy rút tiền. Khi đó chính NH sẽ phải tốn tiền tuyển thêm nhân sự làm việc thủ công này” - chị Liên nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia cho rằng mức phí rút tiền nội mạng mà NH Nhà nước đề xuất là 1.000 đồng/lần áp dụng cho năm 2013 và sẽ tăng theo từng năm, đến năm 2015 lên mức 3.000 đồng/lần, bằng với mức phí rút tiền ngoại mạng hiện nay là quá cao và không hợp lý. Chưa kể mức phí chuyển khoản tối đa mà các NH được phép thu lên đến 15.000 đồng/lần trong khi hiện nay mới chỉ chuyển khoản được nội mạng.

Ngân hàng, doanh nghiệp hưởng lợi

Cũng theo các chuyên gia, từ trước đến nay các NH luôn cho rằng trả lương qua tài khoản có lợi cho người lao động, nhưng thực tế người lao động không phải là đối tượng duy nhất hưởng lợi từ việc trả lương qua tài khoản. Giám đốc bán lẻ khu vực phía Nam một NH cổ phần cho rằng không phải tất cả tiền lương đều bị rút sạch sau khi chủ DN chi trả. Nghiên cứu từ chính NH của mình, ông thấy rằng chỉ một bộ phận người có thu nhập thấp sau khi nhận lương mới phải rút ngay tiền ra để chi xài, nhưng cũng có quá trình. Thông thường DN trả lương ngày 25 thì phải đến ngày 30 người lao động mới rút hết. Trong năm ngày này, NH chỉ phải trả lãi suất không kỳ hạn từ 1,5-2%/năm, thấp hơn lãi suất huy động vốn dân cư từ 7-7,5%/năm. Như vậy “ngồi không” mà NH tự nhiên có được khoản lãi còn cao hơn cả hoạt động cho vay. Chưa kể những thời điểm lãi suất liên NH sốt nóng, NH còn có thể thu lãi khủng nhờ việc kinh doanh trên số tiền gửi không kỳ hạn này.

Với người có thu nhập cao, từ 10-20 triệu đồng/tháng trở lên, số tiền duy trì trong tài khoản thẻ rất nhiều. Từ đó họ còn sử dụng các dịch vụ gia tăng khác trên máy ATM như chi trả tiền điện, nước, Internet. NH còn thu được phí trên các dịch vụ gia tăng này.

Tuy nhiên, được hưởng lợi nhiều nhất từ việc trả lương qua thẻ không phải NH mà chính là chủ DN, đặc biệt những DN có số lao động lên đến hàng ngàn hoặc hàng chục ngàn người. Kế toán một DN tại quận Phú Nhuận cho biết trước khi có máy ATM, để trả lương hằng tháng cho người lao động phải chuẩn bị trước vài ngày: lên danh sách lương, in phiếu nhận tiền của từng người, sau đó phải nhận tiền từ NH, đổi tiền lẻ, kiểm đếm rồi chi trả cho từng trường hợp.

Giám đốc trung tâm thẻ một NH lớn tại TP.HCM cho biết với những DN có đến vài ngàn hoặc vài chục ngàn công nhân thì việc trả lương bằng tiền mặt còn nhiêu khê hơn. Có DN phải thuê mướn đến vài chục người chỉ để phục vụ việc trả lương công nhân, chi phí phải trả hằng năm rất lớn. Chưa kể mỗi khi đến kỳ trả lương từng tốp công nhân phải ngừng việc, tính trung bình một lao động từ khi rời vị trí đến bộ phận nhận lương, kiểm đếm xong rồi trở về, ổn định lại công việc cũng mất đứt nửa giờ. Với DN có hàng chục ngàn lao động thì tính sơ sơ mất đứt mấy ngàn giờ làm việc, nhân với đơn giá tiền công khoảng vài chục ngàn đồng/giờ tính ra DN thiệt hại ít nhất vài trăm triệu đồng mỗi kỳ trả lương bằng tiền mặt.

Còn hiện nay trả lương qua tài khoản thì chỉ cần “bấm nút”, lập tức tiền được chuyển đến tài khoản công nhân, việc rút lương chỉ được thực hiện ngoài giờ làm việc, lực lượng làm công tác tiền lương được tinh gọn tối đa. Chính vì vậy, theo một chuyên gia kinh tế, việc thu phí rút tiền nội mạng nếu có thì DN phải trả thay, bởi họ là một trong những đối tượng hưởng lợi nhiều nhất chứ không phải tất cả đều “đổ” cho người lao động.

Trả lời câu hỏi vì sao không thu phí DN - đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ việc trả lương qua thẻ - mà lại thu phí chủ thẻ, vị giám đốc một trung tâm thẻ hé lộ: “Hầu như tất cả NH đều phải chăm chút để lôi kéo DN trả lương qua NH mình. Chẳng hạn dù đơn giá công bố cho việc trả lương là 4.400 đồng/lao động nhưng chẳng bao giờ NH thu đến mức giá này, thậm chí miễn phí luôn do NH cạnh tranh nhau. Vì vậy thu phí người lao động là biện pháp an toàn nhất”.
 

Nên có sự chia sẻ

TS Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng trong thời điểm người lao động vật lộn với hàng loạt chi phí cứ vùn vụt tăng như hiện nay, nên cân nhắc khi đặt thêm các loại phí vào thời điểm này, đồng thời phải xem xét lộ trình tăng phí ATM nội mạng mà NH Nhà nước đưa ra có thuyết phục không, nếu không người lao động sẽ quay lưng với dịch vụ ATM. “Trong việc trả lương qua tài khoản, không chỉ người lao động mà chủ DN và NH cũng có lợi. Do đó nên có sự chia sẻ giữa ba bên, tránh việc tập trung thu phí chủ thẻ” - ông Doanh nói.

 
Theo Ánh Hồng
Tuổi Trẻ
Phí “đè” chủ thẻ ATM Phí “đè” chủ thẻ ATM
5 10 1
Phí “đè” chủ thẻ ATM Phí “đè” chủ thẻ ATM 10 5 1