Thứ năm, 20/12/2012, 11:56 GMT+7 Người Việt ít hạnh phúc
Với chỉ 59% số người trải nghiệm cảm xúc tích cực như vui vẻ hay được tôn trọng, người Việt Nam được đánh giá là ít hạnh phúc thứ nhì Đông Nam Á, sau Singapore.
> Việt Nam 'ít cảm xúc'
Kết quả trên rút ra từ cuộc khảo sát toàn cầu của Viện Gallup tại 148 quốc gia và khu vực năm 2011, vừa công bố hôm qua.
|
Một phụ nữ kiếm sống bằng nghề nhặt đồ cũ để bán ở thành phố HCM. Ảnh: Thi Ngoan. |
Gallup đã hỏi 150.000 người tham gia 5 câu: "hôm qua bạn có vui không; bạn có cảm thấy được tôn trọng không; bạn có được nghỉ ngơi thoải mái không; bạn có cười nhiều không; và bạn có làm hay biết được một điều gì thú vị không".
Tại Việt Nam, có 59% số người được hỏi trả lời "có" với các câu trên. Xét trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ xếp sau Singapore.
Với chỉ 46% số người được hỏi trả lời "có", Singapore cũng là quốc gia bị đánh giá "ít hạnh phúc" nhất trên thế giới.
Trong số các nước ASEAN, thì Thái Lan (83%) và Philippines (82%)được xem là các nước có hạnh phúc nhất. Tiếp theo là Malaysia và Indonesia. Hai quốc gia láng giềng cũng được xếp trên Việt Nam, gồm Lào, 72 điểm, và Campuchia 66 điểm.
Nước Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, có mức độ vui vẻ của người dân là 76%, cùng điểm với Trung Quốc, đứng trong tốp trung bình của thế giới. Quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới - Nhật Bản - có mức độ hạnh phúc ngang với Zimbabwe, 72 điểm.
Trong khi đó, người Mỹ Latin là những người hạnh phúc nhất trên thế giới khi có đến 8 quốc gia thuộc khu vực này nằm trong top 10 quốc gia có những cảm xúc tích cực nhất. Trong đó, người dân ở Panama và Paraguay là những người bày tỏ sự hài lòng nhiều nhất với cuộc sống với 85% người nói "có".
Kết quả trên có thể làm ngạc nhiên các nhà phân tích và lãnh đạo, những người vốn chỉ coi trọng các chỉ số kinh tế truyền thống. Người dân Panama, dù chỉ đứng thứ 90 trên thế giới về bình quân GDP trên đầu người, vẫn sống rất lạc quan. Trái lại, người dân Singapore, đứng thứ 5 toàn cầu về bình quân GDP trên đầu người, lại ít có cảm xúc tích cực.
Điều đó đưa đến qua điểm rằng thu nhập cao hơn không có nghĩa là sẽ sống hạnh phúc hơn. Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Daniel Kahneman và nhà kinh tế học Angus Deaton nhận thấy rằng, tại Mỹ, thu nhập chỉ tạo ra một tác động có ý nghĩa đối với cảm xúc tích cực hàng ngày khi đạt 75.000 USD một năm. Trong bảng xếp hạng trên, người Mỹ xếp thứ 33 về cảm xúc tích cực.
Các nhà lãnh đạo đang tìm cách cải thiện điều kiện sống của người dân ở các nước, nhất là những xã hội như Singapore, vốn đang có những chỉ số kinh tế truyền thống tốt. Giới phân tích cho rằng các chính phủ cần nỗ lực hơn nữa để đưa tiêu chí hạnh phúc vào chiến lược lãnh đạo của mình.
|
Singapore là nước 'ít hạnh phúc' nhất thế giới. Ảnh minh họa: Telegraph |
Nhân Mã
nhu cầu cơ bản: ăn, mặc, ở, chữa bệnh chưa được đáp ứng tốt thì sao hạnh phúc được. Cơ bản còn chưa được thì nói chi đến cái xa hoa chi cho mệt !