Lặng lẽ rợn người trên đồi hài cốt lính tây

- Trong cái nắng chiều rực đỏ đầu đông nơi bán đảo Sơn Trà, tôi đi tìm ký ức xưa của hơn 154 năm về trước tại cửa biển Đà Nẵng. Bây giờ là thương cảng Tiên Sa sầm uất vẫn còn đó một địa danh mang tên đồi hài cốt - nơi gửi thân xác những người lính lê dương của liên quân Pháp - Tây Ban Nha với tàu to súng lớn đã bỏ mạng khi đặt chân xâm lược lên miền đất này.

Tiếng gió hú nơi đồi hoang vắng lặng buổi chiều đông giống như lời than khóc của những oan hồn lưu lạc nơi đất khách vọng cố hương nơi trời tây…

Khung cảnh trên đồi hài cốt, ngôi nhà nguyện hoang lạnh và những ngôi mộ phủ đầy rêu.

Theo nhiều người dân sinh sống trước cổng khu cảng Tiên Sa, hàng năm cứ đến ngày 25/12, nhiều du khách phương Tây tìm đến khu đồi hài cốt này để cầu nguyện cho linh hồn những người lính viễn chinh đã mãi mãi nằm lại nơi chân núi bán đảo Sơn Trà như chút an ủi của tình đồng hương nơi đất khách quê người…

Nghĩa địa lính tây

Trong bóng chiều nhập nhoạng giữa thâm u trầm mặc nơi nghĩa địa lính tây trong tiếng gió rít từ biển vọng về nghe như lời than khóc ai oán bên những nấm mồ vô chủ bị cỏ hoang phủ lấp.

Người dân sinh sống dưới chân bán đảo Sơn Trà đều gọi khu vực này là "nghĩa địa Tây Ban Nha" hay "nghĩa trang Y Pha Nho". Nhưng với những người lớn tuổi biết chút ít tiếng Pháp thì bảo đó là "Ossuaire", tức là đồi hài cốt.

Thấy tôi lang thang giữa đồi hài cốt trong buổi chiều nhập nhoạng đầu đông, khi cái ráng đỏ như màu máu khuất dần phía bên kia ải Vân Quan, một cụ già sống lâu năm nơi cửa biển này tưởng tôi là hậu duệ của những người lính lê dương bỏ mạng đi tìm dấu tích người thân nơi đồi hài cốt này.

Một góc khu đồi hài cốt.

Buông tiếng thở dài, ông ngước cặp mắt mờ đục nhìn về phía đồi hài cốt rồi cất giọng khàn đục hỏi: Chắc cậu có người thân nằm lại nơi đồi hài cốt này à? Tôi lắc đầu.

Vẫn tiếng thở dài, cụ đưa cặp mắt mờ đục nhìn xa xăm ra phía biển. Cụ bảo, tui sống ở đây cũng đã hơn 80 năm rồi. Ngày tui còn nhỏ hay lên núi Sơn Trà bắt chim hái củi đã biết khu đồi hài cốt này.

Cụ giải thích cho tôi hiểu cái đồi hài cốt mà tên tiếng Pháp là "Ossuaire” đó là nơi nhiều lớp hài cốt của liên quân Pháp - Tây Ban Nha đánh vào Đà Nẵng năm 1858 tử trận được đưa về chôn cất tại khu đồi này.

Theo lời cụ bảo thì đây chính là nghĩa địa tập thể chôn những binh lính Pháp và Tây Ban Nha tử nạn trong cuộc tấn công đầu tiên vào cảng Đà Nẵng kéo dài từ năm 1858 đến năm 1860.

Hỏi tên cụ lắc đầu bảo: Ở đây bây giờ là thương cảng sầm uất, người ta đã quên tất cả những cái già nua, tuổi tác như tui rồi. Thay vào đó là những cái mới, hiện đại của một thành phố đang bước vào thời hiện đại.

Cổng cảng vụ Tiên Sa cách đồi hài cốt lính Pháp khoảng chừng 200 m về phía đông.

Lục trong trí nhớ tuổi tác của mình, cụ bảo hồi nhỏ hay đến khu đồi hài cốt này để thắp hương cho những người lính lê dương tử trận. Hỏi sao cụ đến thắp hương? Vẫn giọng trầm đục, cụ bảo: Họ là những người lính đi xâm lược nước mình, nhưng cũng là con người. Thấy cảnh mồ mả không ai khói hương, nên cha tui thường dặn mỗi khi đi ngang qua ghé lại đốt cho những oan hồn xa xứ này một nén nhang và cầu mong cho họ siêu thoát để về lại cố hương.

Chuyện oan hồn lính tây than khóc nơi đất khách

“Hồi nớ cả khu đồi ni chẳng ai dám đến, cỏ cây phủ đầy. Cũng may nó nằm gần cửa khu cảng Tiên Sa xe cộ ầm ì suốt ngày đêm, rồi người từ nơi khác kéo đến buôn bán nên cả khu đồi hài cốt ni bây giờ không còn là chốn thâm u như mấy mươi năm về trước…”, bà Lê Thị Tám, người tôi gặp khi đang nhặt củi dưới chân núi Sơn Trà, kể.

Nhiều chuyện hoang đường về khu đồi hài cốt lính tây được bà Tám kể cho tôi nghe trong buổi chiều đông mang màu sắc liêu trai. Bà bảo rằng bà mưu sinh ở quanh núi Sơn Trà tính đến nay đã hơn 70 năm.

Mặt trước của nhà nguyện trên đồi hài cốt

“Nói thiệt chú có tin hay không thì tùy. Cách đây hơn 60 năm, tui thường hay đến khu vực gần đồi hài cốt để lấy củi, quét lá đen về ủ phân. Nhưng khi đi ngang qua khu đồi hài cốt ni thì chỉ có cắm đầu mà chạy cho nhanh. Bởi nghe như có tiếng khóc than phát ra từ đồi hài cốt này, ai oán lắm…”, bà Tám kể.

“Tụi tui hồi đó lở đi ngang qua là cắm đầu chạy không dám ngước mắt nhìn lên đồi hài cốt nớ chú ạ…”, bà Tám nhớ lại. Bà kể, sợ nhất là vào lúc sáng sớm hay chiều tối nhập nhoạng.

Hỏi thế bà đã gặp những oan hồn lính tây bao giờ chưa? Bà Tám cũng như bà Hạnh, cùng tuổi với bà Tám, đều lắc đầu bảo chưa bao giờ gặp.

Cả khu ni hồi nớ linh lắm. Chỉ có đàn ông trai tráng mới dám đi qua ghé thăm thắp nén nhang cho họ, chứ đàn bà con gái chẳng ai dám - Bà Hạnh kể.

Câu chuyện kể về những oan hồn lính tây bỏ mạng nơi đồi hài cốt này bây giờ chỉ còn là những câu chuyện kể của người già mang màu sắc hoang đường. Đứng lặng yên trước biển, tôi chỉ nghe tiếng gió rít gào thét từ khơi xa ào về tạo nên âm thanh rờn rợn giữa chiều đông nơi đồi hài cốt.

Nhiều người kể với tôi rằng đây là nấm mồ chung của hàng nghìn tên lính lê dương của liên quân Pháp - Tây Ban Nha bỏ mạng khi cậy tàu to súng lớn xâm chiếm Đà Nẵng trong hơn 3 năm từ 1858 đến 1860 của thế kỷ 19 đã bị quân dân nơi mãnh đất anh hùng này đánh bại bằng sự mưu trí, quả cảm của vị tướng cầm đầu Nguyễn Tri Phương…

Kỳ tiếp: Đồi hài cốt, chứng tích tiền đồn chống giặc ngoại xâm

Vũ Trung

Tin mới nhất


Các tin khác


vietnamnet.vn
© 2010 Báo VietNamNet. All rights reserved. Thông tin Tòa soạn - Liên hệ Tòa soạn - Nhận tin RSS
® Ghi rõ nguồn "VietNamNet" khi phát hành lại thông tin từ website này.