Cập nhật lúc 13:03, 22/12/2012

Vệ tinh kép của NASA rơi vào lòng chị Hằng

(ĐVO) - Bộ đôi vệ tinh GRAIL của Cơ quan hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã rơi xuống bề mặt của Mặt Trăng sau khi hoàn thành sứ mệnh quan sát kể từ khi được phóng lên quỹ đạo của Mặt trăng hồi tháng 9/2011.

Theo thông báo của Cơ quan hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), bộ đôi vệ tinh GRAIL, vào lúc 22 giờ 28 phút 46 giây ngày 17/12/201 theo giờ GMT, tức 5 giờ 28 phút 46 giây ngày 18/12 theo giờ Việt Nam, vệ tinh đầu tiên mang tên mã Ebb đã rơi xuống một ngọn nủi gần cực Bắc của Mặt Trăng, vệ tinh còn lại mang tên mã Flow cũng đã rơi ngay sau đó 20 giây.

 
Khu vực bộ đôi vệ tinh GRAIL
Khu vực bộ đôi vệ tinh GRAIL "bỏ mạng"
 
Thời điểm hai vệ tinh rơi đúng kỳ trăng non nên không có hình ảnh thực của sự kiện được ghi lại. Tuy nhiên, NASA vẫn có thể xác định thời điểm chính xác của sự kiện bằng việc kiểm soát thời điểm thu nhận sóng điều khiển kết thúc.
 
Địa điểm rơi của bộ đôi vệ tinh GRAIL được xác định là ở 75,62° vĩ độ Bắc, 26,63° kinh độ Đông, gần với miệng núi lửa Goldschmidt. Khi khu vực này của Mặt Trăng trở lại với thời gian của ban ngày, Vệ tinh do thám của Mặt Trăng (LRO) của NASA sẽ khảo sát khu vực này. NASA đã công bố đặt tên cho địa điểm rơi của vệ tinh GRAIL là "Sally Ride" theo tên của một phi hành gia quá cố của NASA.
 
Bản đồ khu vực bộ đôi vệ tinh GRAIL rơi xuống
Bản đồ khu vực bộ đôi vệ tinh GRAIL rơi xuống

 

Mô hình 3D vị trí rơi của cặp vệ tinh Ebb và Flow
Mô hình 3D vị trí rơi của cặp vệ tinh Ebb và Flow
Bộ đôi vệ tinh GRAIL đã được NASA đưa lên quỹ đạo Mặt Trăng vào tháng 9/2011 và đã hoàn thành sứ mệnh vẽ bản đồ trọng lực của Mặt Trăng. Đây là một phần trong sứ mệnh đo đạc bản đồ trọng lực của tất cả các thiên thể có mặt trong hệ Mặt Trời mà NASA đang ấp ủ thực hiện.
 
Mô phỏng hoạt động của bộ đôi vệ tinh GRAIL
Mô phỏng hoạt động của bộ đôi vệ tinh GRAIL
Hình ảnh bản đồ trọng lực của Mặt Trăng do GRAIL đo đạc
Hình ảnh bản đồ trọng lực của Mặt Trăng do GRAIL đo đạc
 
Ngày 14/12 vừa qua, GRAIL được nhận lệnh bắt đầu "đốt hết năng lượng" cho hành trình định mệnh của mình. Đến ngày 15/12, mọi hoạt động đo đạc của bộ đôi vệ tinh này đã được ngừng lại. Và cuối cùng, sau những giờ bay "định mệnh" đó, GRAIL đã đốt cạn phần nhiên liệu còn lại để bắt đầu lao xuống bề mặt Mặt Trăng.
 
Hành trình
Hành trình "định mệnh" của GRAIL và các địa điểm lịch sử trên Mặt Trăng
GRAIL đã được lên kế hoạch rơi "trong kiểm soát" để bảo đảm bộ vệ tinh này không rơi xuống gần các địa điểm "lịch sử" mà các nhà du hành vũ trụ của Mỹ và Nga đã đặt chân lên Mặt Trăng. Đây cũng không phải là lần đầu tiên một vệ tinh không người lái rơi xuống Mặt Trăng.
 
Năm 1959, Luna 2 đã trở thành vệ tinh không người lái đầu tiên của Liên Xô đáp xuống Mặt Trăng. Kể từ đó, các vệ tinh không người lái đã thường xuyên được cử đến theo dõi "chị Hằng" với sứ mệnh chụp lại những hình ảnh do thám, tìm hiểu kỹ hơn về về mặt của Mặt Trăng, nghiên cứu địa chấn.
 
Đoạn hình ảnh dưới đây mô phỏng những giây phút cuối cùng của vệ tinh GRAIL trước khi lao xuống Mặt Trăng.
 
Đại Hải

 

;