Giá xăng dầu đã minh bạch (!)
TT - Tại buổi tọa đàm “Minh bạch hóa giá xăng dầu theo cơ chế thị trường” do Cổng thông tin điện tử chính phủ tổ chức, ông Nguyễn Cẩm Tú - thứ trưởng Bộ Công thương - cho rằng thị trường xăng dầu đã minh bạch.
|
Khách hàng đổ xăng tại một cửa hàng xăng dầu Petrolimex, quận 3, TP.HCM chiều 20-12 - Ảnh: Minh Đức |
Trong khi đó, các chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu lại cho rằng thị trường xăng dầu còn chưa có cạnh tranh và thiếu minh bạch. Giá xăng vẫn tù mù, lỗ lãi của doanh nghiệp vẫn còn là ẩn số.
Ai nói không minh bạch, đi tìm tờ Thị Trường mà đọc
Liên quan đến những luồng dư luận không đồng tình về việc Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) đang nắm giữ vai trò thống lĩnh thị trường xăng dầu nhưng lại được tự quyết định giá bán, ông Nguyễn Cẩm Tú cho rằng cả nước đang có 13 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Thị phần của Petrolimex đã giảm từ 100% xuống còn mức 48% hiện nay là một bước tiến dài. Ông Tú cho biết từ khi nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực đến nay, về cơ bản việc định giá vẫn do Nhà nước thực hiện.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết đang quản lý giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Cơ chế quản lý giá xăng dầu theo nghị định 84 đang rất công khai, minh bạch. Bộ Tài chính đã ban hành thông tư 234 quy định cụ thể về cấu thành giá, quỹ bình ổn giá... “Mỗi lần điều hành giá, chúng tôi đều họp báo thông tin về cách tính giá, điều hành giá, về các công cụ điều tiết, giải thích cụ thể tại sao. Các kết quả thanh tra, kiểm tra đều được công khai qua báo chí” - ông Tuấn nói.
Để lý giải về sự minh bạch, ông Tú đề nghị: “Những ai cho rằng giá xăng dầu không minh bạch, xin dành một giây đồng hồ, giở bất cứ một tờ Thị Trường (một tờ báo chuyên ngành, ít người tiếp cận - PV) nào ban hành vào bất cứ ngày nào, trong đó đều công bố rõ giá cơ sở của xăng dầu vào đúng ngày hôm đó, theo đúng công thức của Bộ Tài chính. Do vậy, không thể nói là không minh bạch”.
Có xăng để mua hay giá cả hợp lý
Nhiều ý kiến cho rằng cơ chế giá hiện hành khiến lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng bị xung đột. Khi giá cả thế giới xuống thấp, lợi ích của người tiêu dùng bị xâm hại, ngược lại khi giá cả thế giới lên cao thì lợi ích của Nhà nước lại bị thiệt hại. Ông Tuấn khẳng định nguyên tắc điều hành giá xăng dầu là bám sát tín hiệu thị trường thế giới. Hiện giá cơ sở tính trong trung bình 30 ngày. Tuy nhiên, như vậy hơi dài so với tín hiệu thị trường thế giới.
Ông Tuấn cho biết: “Có rất nhiều phương án đặt ra, và chúng tôi cũng đang tính khoảng 10 ngày phù hợp hơn với tín hiệu thị trường thế giới. Trong nghị định 84 cũng có quy định tối thiểu 10 ngày các doanh nghiệp mới được tăng giá và tối đa 10 ngày phải giảm theo thị trường thế giới. Tuy nhiên, chu kỳ 10 ngày hơi ngắn, sẽ ảnh hưởng tới vấn đề lưu thông. Do vậy, có lẽ giảm chu kỳ tính giá độ 15 ngày”.
Theo ông Nguyễn Cẩm Tú, do yêu cầu dự trữ 30 ngày nên không thể điều hành giá theo 10 ngày. Vì vậy, chỉ có hai cách: giảm dự trữ 15 ngày và điều hành giá trong 15 ngày. Nếu không, Nhà nước phải bỏ tiền ra để bù 15 ngày còn lại.
Cũng liên quan đến vấn đề điều hành giá xăng dầu, ông Nguyễn Cẩm Tú cho rằng: “Với người dân, điều quan trọng là có xăng dầu để mua hay là vấn đề giá? Tôi nhắc lại vấn đề để chúng ta tự kết luận, thời bao cấp giá rất rẻ nhưng không có hàng bán, dân có lợi không? Đôi khi có hàng hóa thì phải xếp hàng từ nửa đêm để mua hàng hóa mà nhiều người không mua được. Điều hành phải tính tới làm sao để mọi người đều có thể dễ dàng mua được xăng dầu và sau đó tính tới giá cả hợp lý. Đây là phương trình nhiều ẩn số chứ không phải chỉ để giải quyết một vấn đề”.
* Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Đặt vấn đề có xăng để mua hay không là vô lý
Chúng ta đang ở thế kỷ 21 rồi. Công cuộc cải cách nền kinh tế cũng đã thực hiện được hơn 20 năm. Hiện VN đang là nước có thu nhập trung bình và là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Như thế mà trong thời điểm này, quan chức Bộ Công thương lại đặt ra vấn đề có xăng dầu để mua hay vấn đề giá là bất hợp lý. Việc đảm bảo lưu thông xăng dầu là trách nhiệm của Nhà nước để người dân có thể mua xăng dầu, nền kinh tế vận hành bình thường. Còn về giá, điều hành phải ưu tiên quyền lợi cho số đông và lợi ích nền kinh tế. Đáng ra phải đi thẳng vào vấn đề thị trường xăng dầu còn chưa có cạnh tranh, doanh nghiệp thống lĩnh thị trường được quyết định giá để giải quyết vấn đề này, chứ không phải đưa ra lựa chọn giữa việc mua được xăng dầu và giá xăng dầu để người dân cân nhắc.
Việc Bộ Công thương khẳng định “không thể nói không có minh bạch ở thị trường xăng dầu” là không đúng thực tế. Nếu mọi thứ đã được công khai, minh bạch, giá cả đã hợp lý thì người dân chắc chắn sẽ không phải thắc mắc. Khi nào người dân còn thắc mắc, còn bức xúc về giá xăng dầu, đặc biệt là tình trạng lên dễ giảm khó thì lúc đó thị trường xăng dầu vẫn chưa minh bạch.
* Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Nói minh bạch mà thật sự không minh bạch
Minh bạch ở cơ cấu giá xăng gồm các khoản như giá nhập khẩu, các khoản thuế phí tính trong giá xăng... Tuy nhiên, không minh bạch ở chi phí hoa hồng cho đại lý, giá nhập khẩu và lỗ lãi thực chất của doanh nghiệp. Tại sao khi cần tăng giá thì doanh nghiệp kêu lỗ. Khi cần bán cổ phiếu lại công bố thông tin lãi. Theo nguyên tắc doanh nghiệp phải làm ăn có lãi thì lương mới cao, ngành xăng dầu lỗ liên tục tại sao lương trong ngành này lại cao?
Những điểm không minh bạch của thị trường xăng dầu hiện nay cần giải quyết là xem lại cơ cấu giá, cơ chế bình ổn giá và việc lỗ lãi của doanh nghiệp. |
BẠCH HOÀN