Thứ Sáu, 28/12/2012, 09:55 [GMT+7]
.
.

Bao giờ hết rác ở Hồ Gươm?

(Trái hay Phải)- Sau đêm Noel, Hồ Gươm - “trái tim” Hà Nội ngập tràn rác thải, khi ảnh lan tràn trên mạng xã hội, như thường lệ, lại một cuộc tranh luận về người Thủ đô- người ngoại tỉnh nổ ra. Hình như người Việt mình thích cãi nhau và đổ lỗi vòng quanh hơn là nhìn thẳng vào lỗi lầm để sửa chữa.

a
Rác ngập Hồ Gươm sau đêm Noel 2012

 

Là một người làm báo, nếu cứ kêu ca càm ràm mãi về rác thải ở những nơi công cộng sau mỗi dịp lễ Tết, chính bản thân tôi cũng tự thấy mình nhàm chán, mình “lắm điều”. Nhưng biết làm sao được, vì phố phường vẫn ngập tràn rác thải, vì ý thức con người vẫn tệ hại, thì tôi không thể ngồi yên.

Tối Noel 2012 đã trôi qua, nhưng dư âm của nó thì vẫn còn mãi, vì những bức ảnh Hồ Gươm ngập ngụa rác vẫn lan truyền trên báo, trên mạng xã hội, trên các diễn đàn. Giống như sau đêm giao thừa Tết Nhâm Thìn hồi đầu năm, Hồ Gươm cũng ngập rác và rác.

Thực ra rác có lỗi gì đâu, nó là phần thừa người ta buộc phải vứt đi sau những bữa ăn, vấn đề tại sao nó không nằm trong thùng rác mà cứ ê hề bày ra khắp nơi, để cho những những người tử tế nhìn vào thấy xấu hổ?

Xấu hổ vì người Việt mình không biết đến bao giờ mới học được lối cư xử văn minh nơi công cộng, một điều tối thiểu mà thiết tưởng tìm khắp các quốc gia trên thế giới, số các nước giống mình không biết có tính đủ hết trên đầu ngón tay? Tại sao chỉ một việc nhỏ nhặt, đơn giản là bỏ rác vào thùng, người Việt mình vẫn không học được?

Tôi buồn khi thấy khá nhiều thanh niên tân tiến vẫn thản nhiên bình luận: “Tôi cam đoan bọn ngoại tỉnh đi chơi rồi xả rác, người Hà Nội thanh lịch ai làm thế”. Một thói quen đổ vạ đầy chủ quan không biết đến bao giờ mới gột bỏ sạch khỏi đầu óc nhiều công dân Thủ đô thanh lịch?

Sao không nhìn thói xả rác bừa bãi như một thói quen chung của người Việt, để mà xấu hổ, để tự nhắc nhở mình đừng bao giờ phạm phải. Tranh cãi ngoại tỉnh- thủ đô làm gì, vì khi bạn ra khỏi biên giới quốc gia mình, bạn cũng chỉ là người Việt Nam mà thôi, lúc ấy làm gì có ai phân biệt “Việt Nam thủ đô” và “Việt Nam ngoại tỉnh”.

Tôi thấy buồn hơn vì hình như lãnh đạo thành phố Hà Nội không quan tâm lắm đến chuyện này trong khi chỉ họ mới là người có đủ năng lực và trách nhiệm đứng ra “dẹp loạn”. Nếu không phạt thật nặng, chắc thói xả rác không bao giờ chấm dứt, vì các nam thanh nữ tú này đã quá tuổi có thể huấn luyện thói quen không xả rác bừa bãi nữa rồi, giờ chỉ còn cách phạt thôi. Chừng nào các vị lãnh đạo của Hà Nội còn chưa cảm thấy bất bình với cảnh xả rác bừa bãi này thì chừng đó, nó còn tiếp diễn.

Nhìn cảnh thanh niên ăn mặc đẹp nhưng thản nhiên xả rác, chửi thề, văng tục, tự nhiên tôi thấy buồn tái tê, bởi vì nền tảng văn hóa không chỉ thiếu hụt ở thế hệ của riêng họ mà còn ở thế hệ của con cái họ nữa. Làm sao một người cha, người mẹ như thế lại có ý thức dạy dỗ con cái của mình những phép tắc tối thiểu của một người có văn hóa nơi công cộng? Rồi những đứa bé nữa, khi chúng lớn lên, liệu chúng có bước tiếp vào con đường của cha mẹ mình? Đến bao giờ thì vòng quay này mới chấm dứt?

Tôi nghĩ nên thay tất cả những khẩu hiệu chung chung, giáo điều, sáo rỗng của chúng ta chỉ bằng một cụm từ đơn giản dễ hiểu hơn, ví dụ: “Đã là người Việt Nam, phải biết bỏ rác vào thùng”, nghe thì có vẻ rất xấu hổ, bởi việc đơn giản thế thôi mà cũng phải kẻ thành khẩu hiệu. Nhưng biết làm sao được bây giờ?

Một tin vui cho Hà Nội là Tết Dương lịch 2013, UBND TP đã quyết định không tổ chức Lễ hội hoa xuân như mọi năm. Sở dĩ tôi nói tin vui là bởi vì không có lễ hội này, Hồ Gươm sẽ bớt đi một lần bị nam thanh nữ tú đến xả rác, hái hoa bẻ cành hay cướp hoa mang về như mấy lễ hội hoa lần trước.

Sao niềm vui mà nó lại có vị đắng chát thế này?

Quý ông Nhật cúi dưới chân người Việt nhặt rác trong rét

 

  • Mi An
;
.
.
.