Các thành viên trong Top 100 đều "giàu lên" dù thị trường khó khăn.
Tờ vnexpress đưa: Danh sách những người có tài sản bằng chứng khoán lớn nhất Việt Nam được tổng hợp dữ liệu dựa trên thông tin công bố của hơn 700 doanh nghiệp niêm yết tại hai sàn Hà Nội và TP.HCM. Thị trường trải qua 12 tháng thăng trầm, có những lúc chao đảo vì các sự cố liên quan tới cổ đông lớn. Nhưng nhìn chung, tài sản của các thành viên trong Top 100 đều gia tăng so với năm ngoái.
Là người tích lũy được nhiều tài sản chứng khoán nhất trong năm 2012 với hơn 1.000 tỷ đồng giá trị cổ phiếu tăng thêm, nhưng con số này chưa đủ giúp Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai - Đoàn Nguyên Đức rút ngắn khoảng cách với ông chủ VINGROUP - Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất sàn chứng khoán suốt 3 năm qua, theo danh sách được công bố với sự hợp tác của Công ty Chứng khoán VNDIRECT.
|
Chủ tịch VINGROUP - Phạm Nhật Vượng tiếp tục là người giàu nhất sàn chứng khoán.
Ảnh: Anh Tuấn.
|
Với gần 215 triệu cổ phiếu VIC, khép phiên ngày 28/12 ở giá 80.000 đồng, tổng tài sản chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng đạt xấp xỉ 17.185 tỷ đồng, tăng hơn 400 tỷ đồng so với thời điểm kết thúc năm 2011. Trong khi đó, sau phiên giao dịch cuối cùng của năm, gần 260 triệu cổ phiếu HAG của Bầu Đức có giá hơn 5.609 tỷ đồng, giúp ông tiếp tục giữ vị trí thứ 2 trong danh sách người giàu trên sàn chứng khoán.
2 vị trí tiếp theo trong Top 5 không thay đổi so với năm ngoái, khi các nữ doanh nhân Phạm Thu Hương và Nguyễn Hoàng Yến lần lượt đứng thứ 3 và 4 trong danh sách. Được biết đến nhiều hơn với tư cách là phu nhân của người giàu nhất sàn chứng khoán nhưng bà Phạm Thu Hương cũng đang giữ chức Phó chủ tịch tại VINGROUP với số cổ phiếu sở hữu tương đương hơn 2.960 tỷ đồng. Trong khi đó, Nguyễn Hoàng Yến hiện là ủy viên Hội đồng quản trị tại Tập đoàn Masan với sở hữu khoảng 21,8 triệu cổ phiếu MSN, tương đương gần 2.220 tỷ đồng.
Vị trí thứ 5 chứng kiến sự thăng tiến ấn tượng của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - Trần Đình Long khi trong vòng 12 tháng, tài sản chứng khoán của ông đã tăng từ 1.340 tỷ đồng lên 2.122 tỷ đồng, qua đó tăng 4 bậc trong danh sách. Bên cạnh việc giá cổ phiếu HPG tăng mạnh trong năm qua, một trong những lý do khiến tài sản chứng khoán của ông Long tăng mạnh là do việc các cổ đông tại Hòa Phát được nhận liên tiếp 2 đợt cổ tức bằng cổ phiếu trong vòng 3 tháng cuối năm (2011 và tạm ứng năm 2012).
Tương tự như trường hợp của ông chủ Hòa Phát, thậm chí còn có phần “ngoạn mục” hơn là Chủ tịch Alphanam - Nguyễn Tuấn Hải. Với việc tăng mạnh hơn 5 lần lượng nắm giữ trong năm qua, ông Hải hiện sở hữu hơn 116,2 triệu cổ phiếu ALP (tương đương hơn 60% vốn điều lệ doanh nghiệp) và lần đầu tiên có mặt trong Top 10 với tài sản gần 1.050 tỷ đồng, dù chỉ xếp hạng 53 trong danh sách năm ngoái.
Lần lượt xếp hạng 6 - 9 trong danh sách là các gương mặt đã khá quen thuộc, dù có chút ít xáo trộn so với bảng xếp hạng 2011.
|
10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán 2012. (Đơn vị: Tỷ đồng)
|
Tính chung trong 10 người có tài sản lớn nhất trên sàn, chỉ có 2 trường hợp có tài sản giảm so với năm ngoái, còn lại đều tăng. Xu hướng "giàu lên" của các triệu phú chứng khoán cũng được ghi nhận trong Top 100 khi người có tài sản ít nhất trong danh sách cũng đạt tới con số hơn 96 tỷ đồng, so với mức hơn 70 tỷ đồng của năm 2011. Tuy nhiên con số này vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức 145 tỷ đồng của danh sách năm 2010.
Bên cạnh những câu chuyện thành công, danh sách người giàu trên sàn chứng khoán năm 2012 cũng chứng kiến khá nhiều “nốt trầm” của các đại gia. Đơn cử như câu chuyện của ông chủ Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn - Đặng Thành Tâm. Được coi là đại gia mất nhiều tiền nhất trên sàn chứng khoán năm nay, tính đến hết phiên giao dịch ngày 28/12, tài sản nắm giữ với 4 mã cổ phiếu ITA, KBC, NVB và SGT của ông Tâm đã hao hụt hơn 500 tỷ đồng so với năm 2011. Thứ hạng của người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2007 do đó cũng tụt xuống vị trí thứ 14, sau khi xếp thứ 8 năm ngoái.
Tương tự là câu chuyện của đại gia Nguyễn Đức Kiên - cổ đông sáng lập của Ngân hàng Á Châu (ACB). Trong năm 2012, ông Kiên đã vướng vào một số rắc rối pháp lý và bị cơ quan chức năng bắt giam vào cuối tháng 8. Tuy nhiên, trước đó, lượng sở hữu của ông tại ACB được ghi nhận là hơn 35 triệu cổ phiếu và kể từ thời điểm bị bắt, chưa có bất kỳ thông báo nào về việc giảm tỷ lệ sở hữu hay bãi miễn tư cách cổ đông của ông Kiên. Do đó, tại danh sách năm nay, ông Nguyễn Đức Kiên vào danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán, dù vị trí đã giảm mạnh so với năm 2011 (từ 14 xuống 24) do diễn biến giá trên thị trường.
Cũng trong năm 2012, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến một trong những vụ thâu tóm đình đám nhất trong lịch sử tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Sau thương vụ này, ông Trần Phát Minh - Chủ tịch Ngân hàng Kiên Long, một trong những đại diện của bên thâu tóm đã trở thành cổ đông lớn của Sacombank. Đến ngày 13/7, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM có thông báo về việc ông Trần Phát Minh đã giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5% (không còn là cổ đông lớn, thuộc diện phải công bố thông tin).
Kể từ thời điểm này, không có thêm bất cứ thông tin chính thức nào về các giao dịch của ông Minh. Sacombank cũng chưa có phản hồi về số liệu sở hữu của cổ đông này, tính đến hết năm. Do vậy, tại danh sách công bố, cổ đông Trần Phát Minh vẫn tạm thời được ghi nhận sở hữu 4,94% vốn điều lệ của Sacombank, tương đương hơn 48,1 triệu cổ phiếu STB, theo thông tin công bố gần nhất. Tài sản chứng khoán của ông Minh, theo đó tương đương gần 960 tỷ đồng, xếp thứ 11 trong danh sách.
Qua danh sách 100 người giàu trên sàn chứng khoán, có thể thấy các chỉ số và thanh khoản tuy có dấu hiệu khởi sắc vào giữa năm nhưng bối cảnh chung của thị trường vẫn hết sức ảm đạm. Bối cảnh đó đặt ra nhiều thử thách, nhưng cũng là môi trường để nhiều doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu tiếp tục chứng tỏ bản lĩnh và trụ vững trong sóng gió.
Với hệ thống dữ liệu đa dạng, công phu trong suốt 7 năm, danh sách 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán 2011 tiếp tục được xây dựng và gửi tới bạn đọc trên cơ sở tổng hợp số liệu, thông tin công bố của 704 doanh nghiệp niêm yết tại 2 Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP.HCM.
Người đứng cuối cùng trong Top 100 năm nay có tài sản trên 94 tỷ đồng. Tính chung toàn thị trường có 95 người sở hữu trên 100 tỷ đồng, trong đó 26 người sở hữu trên 500 tỷ đồng, 10 người sở hữu trên 1.000 tỷ đồng. Tổng tài sản của 100 người giàu nhất trên sàn đạt trên 63.600 tỷ đồng, tăng khoảng 8.400 tỷ đồng so với năm 2011.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết theo địa chỉ: [email protected] hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!