Tủi phận những cô gái "bán phấn buôn hương" thời bão giá

30/12/2012 14:07

Họ là những cô gái nơi bến đỗ trên đường Phạm Văn Đồng, gần tới chân cầu Thăng Long.

Quán trà đá trời rét vắng, chỉ có mấy cô gái mặc nửa kín, nửa hở ngồi co ro đưa những ánh mắt phiền muộn nhìn ra đường phố thưa thớt. Gần năm nay, các cô sống trong cảnh tối kiếm không đủ ngày tiêu, “khách hàng” thưa thớt và tiền công cũng rẻ mạt đi trông thấy.

Họ là những cô gái nơi bến đỗ trên đường Phạm Văn Đồng, gần tới chân cầu Thăng Long.

Bến đỗ rẻ tiền

Những ai thường xuyên đi trên đoạn phố từ bến xe Nam Thăng Long ra ngã tư Xuân Đỉnh - Tân Xuân hẳn đã quá quen thuộc với cảnh cứ trời sập tối là có hàng loạt cô gái bắc ghế ngồi tán chuyện với nhau ở ngay cửa những căn nhà âm u hoặc đầu ngõ. Cả đoạn phố không nhà nào mở hàng kinh doanh, chỉ rặt những căn nhà âm u, tối tăm và những cánh cửa chật hẹp khó đoán biết phía sau là gì. Mỗi khi có khách dừng chân, các cô gái lại nhao nhao lên vài phút. Khi khách đã “chấm” được cô nào, họ lặng lẽ dắt nhau vào phía sân sau hoặc lên xe đi tới bến đỗ khác, không gian lại trở lại như cũ. Vài chục cô gái lại nhẫn nại ngồi bên cánh cửa, mặt hướng ra đường với những ánh nhìn níu chân, khắc khoải chờ đợi.

Sau vài câu đưa đẩy và ánh mắt dò xét, cô gái có gương mặt chừng chưa đầy 20 với nước da mai mái và ánh nhìn vô cảm đồng ý theo chân tôi ra quán trà đá quen thuộc của các cô với cát sê của khoản “tâm sự theo giờ” là 50.000đ/giờ. Câu chuyện của N.T.N, quê Thái Nguyên chỉ xoay quanh việc “làm sao mà dạo này kiếm tiền khó thế, khách quen khách lạ cứ mất hút, chả thấy ai. Choáng nhất là cái tháng 7 âm lịch, cả tháng em có 8 “cuốc”, các chị em khác cũng đói meo, bọn em vay tiền lãi ngày điên đảo để sống. Năm trước còn có tiền gửi về quê”.

N kể, trước em và 5 chị ở đây trụ ở bến Nguyễn Chí Thanh và đi theo khách gọi ở quán. Ai chịu khó và có sức khỏe thì khỏi lo đói, miễn không kén cá chọn canh là có việc làm cả ngày. Từ khi bị quét ghê quá, N và các “đồng nghiệp” dạt về khu này và trụ ở đây đã gần 2 năm. “Khi mới dạt về đây, chúng em cũng kiếm ăn được. Mỗi khi ốm hay “đèn đỏ”, tụi em tiếc lắm vì có ngày ra cả tiền triệu. Kiếm được nó cũng say, ốm đau hay gia đình có chuyện buồn cũng vẫn gượng tiếp khách”.

Từ đầu năm đến nay, N và các chị em lâm vào cảnh đêm kiếm không đủ ngày tiêu. N liệt kê: “Tụi em phải chi trả nhiều lắm chị ạ. Có khách hay không cũng phải nộp tiền bến (là tiền chỗ ngồi đón khách và hành sự), rồi tiền thuê nhà ban ngày vạ vật, tiền bảo kê, tiền “bảo đảm rủi ro” khi có chuyện không hay xảy ra (tiền này nộp cho hai đàn chị thuộc băng nhóm xã hội ở khu Nam Thăng Long). Rồi còn tiền phấn son, tiền quần áo, tiền đồ lót, nước hoa để câu khách…”. Ngày may thì được một khách, ngày kém thì ra quân xong lại về, N kể, mấy tháng nay chị em N toàn phải vay tiền nóng để chi tiêu hàng ngày mà tiền kiến không đủ chi trả.

Theo chân N bước ra phía sau mấy cánh cửa, tôi không khỏi giật mình kinh hãi bởi cái bến đỗ chỉ vỏn vẹn một chiếc giường gấp, hai chiếc chiếu và một khoảng sân chật chội, tối tăm.

Bỏ nghề - đi về đâu?

Sau vài câu chuyện gợi mở, N gọi thêm hai cô bạn đang ngồi ngáp vặt tới góp chuyện. Dường như chất chứa nhiều uất nức trong lòng, cô gái tên T.T.X xổ luôn: “Em thuộc diện được khách ở khu này mà giờ cũng móm chị ơi. Có thằng cha chủ xây dựng trong Đông Ngạc tuần ghé em tới 4 bận giờ cũng kêu anh chết đói đến nơi rồi. Anh ta kể cho thợ nghỉ hết, trước “cuốc” nào cũng bo cho em thêm mấy chục, giờ tháng ghé 2 lần mà kêu như cha chết vậy”. X "bắn" tiếp: “Một ngày giờ tụi em tiêu đứt gần 400 nghìn các loại chi phí, không có khách nào coi như âm tiền. Vài ngày là chết rồi. Mà đàn ông là người kiếm kinh tế cho gia đình, lại cũng là nguồn của tụi em, giờ họ khó khăn tụi em chết theo đầu tiên thôi”.

Ám ảnh nỗi buồn hàng ngày vay tiền trả lãi tiêu, T.Q.H chỉ ngồi lặng trước câu chuyện của hai bạn. Gợi mãi, cô mới nhát gừng: “Mấy tháng nay tụi em chơi dài, em có mẹ đang nằm điều trị ở viện châm cứu mà cũng không muốn ghé qua vì tiền không có. Trước mỗi cuốc em lấy 200, cao nhất là 400 mình chịu tiền bến, được bo thêm mỗi cuốc vài chục đến vài trăm nên có đồng ra đồng vào váy áo và bù đắp cho gia đình. Giờ tháng có vài cuốc nên không đủ sinh hoạt cá nhân, em nợ bọn đầu tiền hơn chục triệu rồi nên đang căng lắm. Em tính bỏ nghề đi làm công nhân nhưng chưa tìm ra việc, có việc lao động đơn thuần thì lương thấp quá, sống không nổi”.

N kể câu chuyện về cô gái quê Nam Định tên Trang mới quay về nghề cũ sau 3 tháng đi làm thuê ở quán hớt tóc. “Nó không chịu nổi cảnh ế ẩm nên xin sang bên Xuân La vào tiệm cắt tóc. Công việc chủ yếu là gội đầu, chăm sóc khách qua qua. Tháng được trả 4 triệu nhưng làm chồn chân từ sáng tới đêm,chịu không nổi quay về đây rồi”.

T.Q.H ngước đôi mắt ngu ngơ, hỏi mà như không hỏi: “Bao giờ các ông ấy kiếm tiền bớt khó khăn cho chị em mình đỡ khổ nhỉ?”. Hai cô gái còn lại cúi mặt như có lỗi vì không trả lời được câu hỏi của bạn. Người viết chỉ còn biết cười trừ, bao người có học, hiểu biết, nghiên cứu ngày đêm còn không trả lời được, huống gì các em, mắc mớ gì mà buồn?

N bật ngay: “Bọn em buồn làm gì, là lo đến thắt ruột vì cơm áo gạo tiền ấy chứ”.

Theo: VNN