Nhàn đàm ngày Tết: Đi tìm cha mẹ của Chí Phèo

01/1/2013 09:01

Có người bảo Chí Phèo chính là con đẻ của Bá Kiến. Vấn đề này đã có cả một cuộc hội thảo để tranh luận. Nó chứng tỏ rằng Chí Phèo của cố nhà văn Nam Cao còn nhiều bí ẩn thú vị. Tôi về thăm làng Đại Hoàng quê hương của Nam Cao khi ngày xuân đã chấp chới.

 

Tôi về thăm làng Đại Hoàng quê hương của Nam Cao khi ngày xuân đã chấp chới. Ngồi hít hà thứ nước chè xanh ủ kỹ, lắng tai nghe tiếng lạch cạch quay tơ dệt vải và đàm vui về gốc gác của Chí Phèo.

Những lập luận thú vị

Chúng tôi gõ cửa nhà cụ Trần Hữu Đạt, em ruột của cố nhà văn Nam Cao năm nay đã 96 tuổi. Kỳ thực chỉ muốn hỏi cụ rằng có hay không chuyện Chí Phèo là con đẻ của Bá Kiến. Cụ Đạt lắc đầu không rõ. Cụ bảo, Chí Phèo có thật, Thị Nở cũng có thật, còn Bá Kiến thì không cần phải nói vì căn nhà cổ là di tích ở trong làng. Còn giữa họ có máu mủ ruột rà gì hay không có chăng chỉ Nam Cao mới rõ.

Trở lại với thời gian tác phẩm Chí Phèo ra đời, thậm chí là lùi về dĩ vãng xa xôi hơn nữa để chúng ta “điều tra” về gốc gác của anh Chí. Mở đầu tác phẩm đã thấy anh Chí chửi. Chí Phèo chửi “đứa chết mẹ nào đẻ ra Chí Phèo”. Ô hay, Chí Phèo là con rơi, con vãi ngay cả cái làng Vũ Đại còn không ai biết thì Chí sao mà biết được. Chí không biết nên hắn mới chửi, chửi để người ta biết.
 
Cụ Trần Hữu Đạt em ruột nhà văn Nam Cao
 
Nói về địa danh làng Đại Hoàng, xưa kia, nơi đây là một vùng trũng ngập nước. Sau khi dân tứ xứ đổ về mới quật đất lên lập thành làng. Đại Hoàng biệt lập, xung quanh chỉ toàn ao hồ, mương máng và có rất nhiều lò gạch thủ công. Nói thế để thấy là “đứa chết mẹ” đẻ ra Chí Phèo là người Đại Hoàng hay chính là Vũ Đại của Nam Cao. Bởi, chẳng ai ở tận đâu đâu lại mang con đến cái làng biệt lập ấy để vứt bỏ cả.
 
Gốc gác của Chí Phèo dần dần được Nam Cao hé lộ một cách khá tinh vi, kín kẽ. Nhớ hôm Chí Phèo ra tù, uống rượu say rồi đến cửa nhà Bá Kiến chửi bới và bị Lý Cường “tặng” một cái tát như trời giáng. Bá Kiến về, nếu bình thường ra thì Chí còn no đòn nữa nhưng đằng này cụ lại rất ngọt nhạt. Khi xốc Chí Phèo lên Bá Kiến bảo: “Khổ quá! Giá có tôi ở nhà thì đâu đến nỗi ... Chỉ tại thằng Lý Cường nóng tính không nghĩ trước nghĩ sau. Ai, chứ anh với nó còn có họ kia đấy”.
 
Thấy chưa? Bá Kiến bảo với Chí rằng “anh với nó còn có họ kia đấy”. Họ đằng nào nhỉ? Rõ ràng Chí là đứa con không cha, không mẹ bị vứt ở lò gạch cũ khi còn đỏ hỏn cơ mà. Sao Chí Phèo lại có họ với Lý Cường? Mà đã có họ với Lý Cường thì cũng là có họ với Bá Kiến. Chẳng hơi hướng gì sao Bá Kiến bỗng dưng thốt ra như thế với một thằng cùng đinh như Chí. Lại còn mổ gà thết đãi cơm rượu, cho tiền Chí nữa chứ. Đâu phải chuyện đùa mà Bá Kiến lại có thể nói chơi! Có phải Nam Cao ngầm nói rằng “thằng chết mẹ” đẻ ra Chí Phèo chính là Bá Kiến chứ ai.
 
Nhân vật trong tác phẩm “Chí Phèo” vẫn còn nguyên sức sống 
 
Lại nữa, sau khi gián tiếp nhận Chí Phèo có họ với mình thì Bá Kiến còn lo cho Chí có đất, có nhà đàng hoàng. Đoạn này tác phẩm nói lên điều đó: “Mấy hôm sau, cụ Bá bảo Lý Cường cho hắn năm sào vườn ở bãi sông cắm thuế của một người làng hôm nọ. Chí Phèo bỗng thành ra có nhà. Hồi ấy hắn mới đâu hăm bảy hay hăm tám tuổi ...”. Xin hỏi, ngoài cha mẹ ra, trong xã hội này còn ai cho vườn, cho nhà đây. Bá Kiến đâu phải nhà làm từ thiện mà ai cũng dễ dàng cho đất, cho nhà chứ. Nếu không “có họ” thì không có chuyện ấy đâu. Nam Cao lại một lần nữa chấm bút mà rằng “thằng chết mẹ” đẻ ra Chí Phèo là Bá Kiến rồi.
 
Cứ cho Bá Kiến là cha đẻ của Chí Phèo, vậy người phụ nữ sinh ra Chí là ai? Chẳng nhẽ, lại là con của mấy bà vợ già của cụ Bá. Không, cụ bá nổi tiếng là cái tính hám của lạ và trong cái làng Vũ Đại ấy chỉ có vợ của Binh Chức mới lọt vào “mắt xanh” của cụ. Binh Chức là thằng cù lần, hiền như cục đất vì bức quá mới bỏ đi lính. Trong khi đó “vợ ở nhà còn trẻ, mới hai con, cái mắt sắc như dao, lại hồng hồng đôi má…”. Cũng bởi vắng chồng nên vợ Binh Chức nghiễm nhiên trở thành con nhà thổ không phải trả tiền. Từ ông phó vào, anh trương tuần đến, anh hàng xóm sang, đến thằng hương điền đầu hai thứ tóc cũng gạ gẫm. Nhưng xét cho cùng thì những tay râu ria ấy chỉ “hưởng xái” của Bá Kiến mà thôi.
 
Bá Kiến “không nỡ bỏ hoài cái không dưng được trời cho” khi đã có ba bà vợ. Không những được “của trời cho” lại còn được lợi. Bởi những lần chị Binh đi lĩnh lương hay lĩnh măng đa của chồng phải mượn ông Lý đi nhận thực. Như thế đủ thấy so với Bá Kiến thì ông phó hay trương tuần không phải là đối thủ. Và, có thể lắm chứ trong những lần đi lĩnh lương “ngồi chung xe, ở lại tỉnh”  thì mới có Chí Phèo. Sợ chuyện đến tai thiên hạ nên vợ Binh Chức nổi tiếng lẳng lơ đã giấu giếm sinh con rồi bỏ ra lò gạch cũ.
 
Nếu là sự thật
 
Nếu những lập luận tình cờ trên là sự thật thì trước tiên phải công nhận cái tài của Nam Cao. Đã khá nhiều năm rồi những lập luận ấy vẫn là những suy đoán của giới văn nhân và người đọc. Nhưng nó khiến tác phẩm Chí Phèo hết sức thú vị.
 
Có người phản đối cho rằng, nếu Chí Phèo là con của Bá Kiến, cụ Bá biết điều đó sao vẫn đẩy Chí vào tù? Đấy là một tấn bi kịch. Nếu Bá Kiến không đẩy Chí vào tù thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra giữa bà Ba đang độ hồi xuân với chàng trai lực điền vạm vỡ như Chí Phèo. Đó có thể cũng là cách để cụ Bá răn đe bà vợ Ba như “miếng thịt bò” mà cụ Bá muốn cũng không nhai được nên cứ cảm thấy tưng tức trong người.
 
Có người thì bảo sao Nam Cao không nói thẳng ra mà phải đánh đố bằng văn chương. Nếu nói vậy thì thật khó cho Nam Cao. Ở một xã hội mà hệ thống chính trị rối ren, phức tạp như thời bấy giờ, chẳng ai dám nói lên sự thật dù có biết mười mươi. Hẳn như thời nay, muốn chứng minh điều đó còn phải trưng cầu giám định ADN. Đâu phải dễ dàng vài ba lời nói rồi gán Chí Phèo là con Bá Kiến được, chẳng khác nào tội vu khống. Không những không có Chí Phèo để hậu nhân chúng ta nghiền ngẫm mà tác giả còn bị bỏ tù chứ chẳng chơi.
 
Cứ nhìn vào sự thật lúc bấy giờ khi Nam Cao viết Chí Phèo, Lão Hạc,  nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến ngoài đời là Nghị Bính, tên thật là Trần Duy Bính, đã gọi ông Phó Huệ là cha đẻ của Nam Cao lên nạt rằng: “Nhà anh giỏi thật, đầu tư cho thằng Tri đi học để về nó chửi cả làng”. Sau đó là những lời hăm dọa thu ruộng, bỏ tù và vô số những rắc rối khác, đến độ Nam Cao suýt phải đưa cả nhà đi lánh nạn.
 
Giờ mọi chuyện đã khác, làng Vũ Đại, nguyên mẫu là Đại Hoàng đã đổi mới. Những cánh đồng màu mỡ, những con đường bê tông sạch sẽ, những mái nhà khang trang cao vút. Giữa không gian ấy, tôi vẫn muốn tìm cái gì đó của làng Vũ Đại ngày xưa. Cái lò gạch cũ, cái rặng chuối đẹp long lanh giữa ánh trăng đêm, cái hàng tạp hóa xác xơ như tàu lá chuối khô tất cả như chỉ còn trong sách. Thắp nén nhang đứng trước tiền nhân mới thấy lòng mình bình yên quá.
 
Biên Thùy