Cập nhật lúc 07:33, 01/01/2013
Lý Nhã Kỳ đã hoàn thành tốt vai trò ĐSDL
(Văn hóa) - Gần đây, thông tin về Bộ VH,TT&DL xúc tiến việc bổ nhiệm Đại sứ du lịch (ĐSDL) đã nhận được sự quan tâm theo dõi lớn từ phía công chúng. PV Đất Việt đã có cuộc phỏng vấn với ông Trần Nhất Hoàng, Giám đốc trung tâm xúc tiến Văn hóa, thể thao và du lịch thuộc Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) là đơn vị quản lý hoạt động của Đại sứ Du lịch Việt Nam để có đánh giá về 1 năm hoạt động của Đại sứ Du lịch nhiệm kỳ 2011-2012 - Lý Nhã Kỳ, đồng thời trả lời băn khoăn của dư luận về việc Lý Nhã Kỳ thông qua hoạt động quảng bá du lịch để quáng bá kim cương.
Lý Nhã Kỳ đã góp công lớn trong việc vận động đăng cai Á Vận Hội 2019
PV: - Xin ông cho biết những đánh giá của mình về một năm hoạt động của ĐSDL Lý Nhã Kỳ?
Ông Trần Nhất Hoàng: - Để đánh giá về ĐSDL, chúng tôi dựa vào các tiêu chí và những mục tiêu được đặt ra từ đầu đối với danh hiệu này. Có thể nói từng bước, từng bước Kỳ đã thực hiện rất tốt vai trò của mình.
Sau khi được bổ nhiệm ĐSDL, Lý Nhã Kỳ đã có ngay nhiệm vụ lớn trước mắt đó là vận động bầu chọn Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên mới thế giới. Có thể nói, Kỳ là một trong những nhân tố tích cực của cuộc vận động, đã thực hiện việc vận động cả nước ngoài lẫn trong nước. Rất nhiều hoạt động do chính Lý Nhã Kỳ tự lên kế hoạch và thực hiện thành công như hoạt động tại Philippines, Hồng Kông, Đài Loan. Kết quả như mọi người thấy, Vịnh Hạ Long đã thành công, chính thức trở thành Kỳ quan Thiên nhiên Mới Thế giới vào tháng 4/2012. Lý Nhã Kỳ đã đóng góp 1 phần mới mẻ và quan trọng trong thành công ấy.
Thứ 2, thực hiện chủ trương của Chính phủ về công tác xã hội hóa các hoạt động quảng bá, đặc biệt trong thời kỳ kinh tế khó khăn, nên một trong những mục tiêu Bộ mong muốn là ĐSDL tích cực xã hội hóa công tác quảng bá du lịch. Lý Nhã Kỳ cũng là người tích cực và hoàn thành tốt mục tiêu này. Cụ thể tháng 4/2012 Lý Nhã Kỳ đã tham gia vận động các doanh nghiệp Hồng Công và tư mình đài thọ 1 khoản chi phí lớn để phối hợp với Bộ thực hiện 1 chương trình quảng bá, xúc tiến đầu tư thương mại du lịch tại Hong Kong. Chương trình đã thành công tốt đẹp, được báo chí Hong Kong và trong nước đưa tin rộng rãi.
Thứ 3, với tiêu chí chọn Đại sứ du lịch là người của công chúng, Bộ kỳ vọng nhân vật này sẽ tận dụng tầm ảnh hưởng của mình để mở rộng phạm vi đưa hình ảnh của Việt Nam đến công chúng trong nước và quốc tế. Lý Nhã Kỳ tỏ ra là người tích cực, hiệu quả, tận dụng tốt vai trò truyền thông trong công tác quảng bá, cô đã nhiều lần đại diện của Bộ tham gia những buổi Lễ công nhận các kỳ quan thiên nhiên thế giới của các nước như tại Philippines, Nam Phi... gặp gỡ các nhân vật Lãnh đạo quốc tế, các ngôi sao quốc tế...
Bằng chứng gần đây nhất là sự hiện diện của cô trong vai trò Đại sứ Du lịch Việt Nam tham gia đoàn vận động đăng cai tổ chức Á Vận Hội 2019 cho thành phố Hà Nội. Bên cạnh các quan chức Nhà nước dẫn đầu đoàn vận động Việt Nam, Lý Nhã Kỳ đã tạo một điểm nhấn đẹp và duyên dáng trong chuyến công tác thành công ấy. Như chúng ta đều biết, Hà Nội đã thành công và trở thành Thành phố chủ nhà Á Vận Hội 2019 - một mốc son của thế thao nước nhà.
Cách đây vài ngày, Lý Nhã Kỳ trong vai trò diễn viên đã ra mắt cùng bộ phim mới và nhận được phản hồi tích cực về vai diễn. Có thể nói Kỳ đã xuất hiện hài hòa giữa hình ảnh 1 ĐSDL đẹp và thân thiện, 1 doanh nhân thành đạt và nghệ sĩ với những thành tựu cụ thể.
Tôi vừa chỉ điểm những thành quả tiêu biểu, ngoài ra cô còn thực hiện nhiều dự án từ thiện, tài trợ cho các chương trình xã hội ý nghĩa khác... Đó là lý do chúng tôi đánh giá Lý Nhã Kỳ - người đầu tiên thử nghiệm vai trò Đại sứ Du lịch mới mẻ và đầy cam go, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mở ra một con đường, một lối đi hiệu quả cho vai trò Đại sứ Du lịch Việt Nam.
Lý Nhã Kỳ đã hoàn thành nhiệm vụ Đại sứ Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 1. |
Cần xem lại khi nói Lý Nhã Kỳ xa hoa
PV: - Dư luận băn khoăn về hình ảnh xa hoa của Lý Nhã Kỳ trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như trong khi tham gia các sự kiện quảng bá. Ông nghĩ thế nào về phản ứng đó của dư luận?
Ông Trần Nhất Hoàng: - Thực ra việc đánh giá "sự xa hoa" hoặc nói "thông điệp về xa hoa" còn rất nhiều điều để bàn. Theo tôi nhìn nhận, đôi khi điều đó đó đến từ cách khai thác từ bên ngoài. Đôi khi ai đó đã quá tập trung khai thách khía cạnh đó nhiều hơn các vấn đề lớn lao khác.
Dưới góc độ của Bộ VH TT & DL, chúng tôi đặt ra những yêu cầu đối với Đại sứ về quảng bá giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước VN. Rất tiếc là trong nhiều trường hợp, người ta đã không để ý đến điều đó mà chỉ tập trung xem hôm nay cô ấy mặc gì, đeo trang sức gì, giá bao nhiêu, lãng phí thế nào? Thực tế, người đưa tin phản ánh thị hiếu xã hội, phải chăng đó là cái người đọc quan tâm hơn là cô ấy đã nói gì, làm gì trong 1 sự kiện.
Về cá nhân, tôi nghĩ, một người đẹp, thành đạt, họ cũng có thể rất thoải mái, tự hào để khoe kể với mọi người những thứ hay, thứ đẹp họ may mắn được sở hữu như quần áo, trang sức, nhất là nó quý và hiếm hoặc được làm bởi những nhân vật tinh hoa của nhân loại, đó là một cái quyền. Trong 1 số trường hợp người nhận thông điệp phiến diện và truyền đi một thông điệp sai, hoặc có chủ ý xoáy sâu vào điều mà lẽ ra chẳng phải là cái chính để khai thác.
Ví dụ như tháng 4 vừa qua, Kỳ tham gia 1 sự kiện quảng bá tại Hồng Kông, cô ấy đúng là mặc 1 bộ váy rất đẹp cùng những đồ trang sức quý. Trong khi báo chí nước ngoài nhận xét "ĐSDL VN mặc trang phục truyền thống cách tân duyên dáng, cở mở với bạn bè", còn chúng ta ở nhà thì chỉ tập trung viết về nhẫn và vòng.
PV: - Vậy có phải bộ chỉ quan tâm đến kết quả hoạt động của ĐSDL mà không quan tâm đến hình ảnh đại sứ mang đi quảng bá xa hoa hay không?
Ông Trần Nhất Hoàng: - Ăn vận quý phái và có ý thức tôn vẻ đẹp là sự tôn trọng với sự kiện, còn việc "có chủ ý truyền đi thông điệp về sự xa hoa" là việc khác đấy. heo tôi, khái niệm về xa hoa ở đây có lẽ cần nhìn lại. Tất nhiên vẫn nên hài hòa với hoàn cảnh, chúng tôi sẽ phản đối nếu đi từ thiện vì người nghèo mà đeo nhẫn kim cương. Theo tôi, khái niệm "xa hoa" vẫn là cách khai thác chủ quan, đôi khi là sự soi xét có chủ ý và cần xem lại. Trước khi đến 1 sự kiện quan trọng, người ta đã chủ động mua sắm 1 bộ quần áo rất đẹp, cũng có lúc rất VN, và lựa chọn những trang sức đẹp nhất. Khi được hỏi thông tin về trang sức, váy áo họ thường trả lời 1 cách rất thoải mái, thân thiện. Như vậy, theo bạn họ có ý "quảng bá sự xa hoa" không? Bạn nghĩ sao nếu bạn bè quốc tế nói rằng "Đại sứ Du lịch Việt Nam sang trọng, quý phái và ăn vận những thứ đồ có giá trị".
ĐSDL có kinh tế sẽ thuận lợi
PV: - Nhiều người cho rằng Lý Nhã Kỳ đã thông qua các hoạt động quảng bá du lịch để quảng cáo kim cương của cửa hàng, ông nghĩ sao về ý kiến này?
Ông Trần Nhất Hoàng: - Theo tôi, Kỳ đã hài hòa được các hiệu quả công việc chung với những hoạt động riêng của mình. Sẽ rất hiếm có ai sẵn sàng nhận nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nhiều năm trong điều kiện họ từ bỏ hoàn toàn cuộc sống và công việc của mình.
Lý Nhã Kỳ là một người rất thành đạt trong cả kinh doanh lẫn cuộc sống, có lẽ vì thế cô ấy thoải mái hơn, vô tư hơn khi cân nhắc quyền lợi ở vai trò này. Tôi không nhìn thấy Kỳ cân nhắc nhận nhiệm vụ vì lợi ích cá nhân, càng không thấy thái độ sẽ không tiếp tục nếu không đạt được mục tiêu nào đó.
PV: - Nghĩa là Bộ ủng hộ việc hài hòa các lợi ích của ĐSDL?
Ông Trần Nhất Hoàng: - Nói "lợi ích" là hơi to tát, hài hòa lợi ích lớn với những cái được - mất của mình. Làm sao hài hòa được lợi ích của cá nhân và lợi ích cho đất nước.
PV: - Trong tiêu chuẩn của Bộ có 1 điều quy định về việc ứng cử viên phải có tiềm lực kinh tế. Vậy theo ông tiềm lực kinh tế của Lý Nhã Kỳ đã giúp cho cô ấy thực hiện hoạt động quảng bá du lịch như thế nào?
Ông Trần Nhất Hoàng: "Có tiềm lực kinh tế" mà bạn nói và "Có khả năng vận động tài chính và tìm kiếm những nguồn lực xã hội để phục vụ cho công tác xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam" như trong Quy chế là hai khái niệm khác nhau. Tuy nhiên để vận động, tìm kiếm được các nguồn lực xã hội cần những người có điều kiện tốt để hoàn thành, người của công chúng khá mạnh ở điểm này.
Tuy nhiên, cần nói thêm, khi đi dự các sự kiện quốc tế trong vai trò Đại sứ Du lịch Việt Nam, hầu hết do Kỳ chủ động đề xuất tự chi trả kinh phí cho mình. Điều này cho thấy khả năng kinh tế cũng tạo điều kiện thuận lợi để ĐSDL thực hiện nhiệm vụ của mình. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, điều này rất đáng biểu dương.
PV: - Ông đánh giá khả năng tái đắc cử của Lý Nhã Kỳ có cao không?
Ông Trần Nhất Hoàng: - Tôi không phải là người quyết định và không bình luận về khả năng của ai cả, tôi thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định. Bất kỳ ai làm được điều tốt cho hình ảnh đất nước đều xứng đáng trở thành ĐSDL và đều đã là sứ giả du lịch Việt Nam rồi. Việc đánh giá và chọn lựa đã có Hội đồng dựa trên hoàn cảnh thực tế. Có những ứng cử viên tham gia vào phút chót nhưng vô cùng thuyết phục.
PV: Xin cảm ơn ông.
Lựa chọn ĐSDL 2013 cần có sự bình chọn, chứ không nên chỉ định dựa trên quan điểm của 1 số cá nhân. |
ĐSDL tự chi trả cho các hoạt động của mình không giải quyết được gì cả.
PV Đất Việt cũng đã xin ý kiến của TS Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Văn hóa Du lịch Đại học Văn hóa Hà Nội về việc bổ nhiệm ĐSDL 2013
PV: Thầy đánh giá như thế nào về vai trò của ĐSDL Việt Nam trong 1 năm qua?
TS Dương Văn Sáu: Bản thân tôi cũng không thường xuyên theo dõi hoạt động của nhân vật được gọi là ĐSDL này nên cũng không đưa ra bình luận gì. Tuy nhiên, cũng có thể nói thành công của ĐSDL được thể hiện 1 phần nào đó thông qua thành công của ngành DLVN năm nay.
Năm 2012, nền kinh tế thế giới đang ở trong giai đoạn khủng hoảng, suy thoái nên cũng ảnh hưởng khá lớn đến ngành du lịch. Tuy nhiên, DLVN vẫn có được sự ổn định về mặt hoạt động, củng cố vị thế về mặt thương hiệu trước bạn bè quốc tế và phát triển 1 cách chậm nhưng chắc.
Tôi không đánh giá quá cao việc Vịnh Hạ Long được bình chọn trở thành 1 trong 7 Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới theo tổ chức New7world . Tuy nhiên việc đầu tư và kết quả đạt được như vậy cũng giúp cho DLVN có thêm hình ảnh mới và cũng là cơ sở để những người làm du lịch tự tin phấn đấu nhiều hơn. Tự động viên mình là chính, còn bản chất của sự kiện này có lẽ sẽ khác đi nếu chúng ta nhìn nhận 1 cách khách quan và trung thực.
PV: Năm 2011, Lý Nhã Kỳ là đại sứ được Bộ VH,TT&DL bổ nhiệm sau khi Quy chế về Đại sứ Du lịch ban hành chỉ một ngày nên không có người khác tự ứng cử hoặc được một tổ chức đề cử. Theo thầy, việc lựa chọn đại sứ có nên tham khảo ý kiến hay theo sự bình chọn của các chuyên gia, những người làm du lịch?
TS Dương Văn Sáu: Bộ nên đưa ra rõ các vấn đề của ĐSDL như: tiêu chí lựa chọn, nhiệm vụ cũng như là quyền lợi, trách nhiệm... Sau đó thông báo rộng rãi đến trên các phương tiện truyền thông, đại chúng để những người thấy bản thân mình có khả năng đăng ký ứng cử.
Sau khi hoàn tất lựa chọn các ứng cử viên, Bộ nên thành lập một Hội đồng bình chọn để lựa chọn ra người xứng đáng nhất, tài năng nhất 1 cách công bằng. Thành viên hội đồng nên có những người hoạt động trong ngành du lịch, các cơ quan báo chí truyền thông để họ nói lên tiếng nói, quan điểm của họ. Vì hoạt động của ĐSDL có ảnh hưởng khá lớn đến những người làm trong ngành, nếu ĐS làm tốt công việc của mình thì ngành du lịch cũng sẽ gặp những thuận lợi nhất định.
Vì vậy lựa chọn ĐSDL cần có sự bình chọn, chứ không nên chỉ định dựa trên quan điểm của 1 số cá nhân.
Tôi không đồng ý quan điểm xem du lịch chỉ là 1 ngành giải trí nên lựa chọn đại sứ du lịch đóng khung trong những hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, giải trí. Đó có thể là tư duy 1 chiều, lấy hình thức bao trùm lên nội dung, trong khi nội dung mới là thứ cần phải được nhấn mạnh, giới thiệu, quảng bá. Du lịch cần phải được xác định rõ là 1 ngành kinh tế nên cần chọn người có những hoạt động nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho ngành.
PV: Việc Lý Nhã Kỳ tự chi trả cho các hoạt động của mình khi thực hiện công việc của 1 ĐSDL được rất nhiều người đánh giá cao. Thầy nghĩ sao về việc tự chi trả này?
TS Dương Văn Sáu: Tôi cho rằng hành động ấy rất tốt để góp 1 phần tiết kiệm cho ngân sách quốc gia, rất đáng được biểu dương. Tuy nhiên, nó thật sự không giải quyết được gì cả. Vì nếu ngân sách quốc gia mà không đủ chi trả cho hoạt động của 1 đại sứ du lịch thì đừng nói đến sự phát triển của ngành.
Chi phí này là lòng hảo tâm của 1 cá nhân nên cá nhân ấy sẽ đáng được tôn vinh và ghi nhận, nhưng xét dưới góc độ các chỉ số kinh tế thì đây không phải là điều giữ vai trò quyết định vì vấn đề quan trọng là việc mình đầu tư và thu lại lợi ích như thế nào.
Theo tôi, bên cạnh lòng hảo tâm, tự nguyện của các tổ chức, cá nhân cần được trân trọng và khuyến khích thì nhà nước cũng cần phải có nguồn kinh phí nhất định, nguồn kinh phí này thuộc chi phí đầu tư, xúc tiến du lịch để đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần như thế.
Vì vậy đấy không phải là điều quan trọng để lựa chọn đại sứ.
PV: Xin cảm ơn thầy.
|
- Ngọc Lê (Thực hiện)
;