(HN) - (TP.HCM)
RSS

Lào trước dự án đường sắt khổng lồ từ Trung Quốc

Ông Wang Quan, chủ nhân mới của một khách sạn tại Udom Xay, một thị trấn miền núi phía bắc Lào, đang ôm hy vọng rằng khi hàng chục nghìn nhân công Trung Quốc đến đây xây đường sắt, ông sẽ kiếm bộn tiền.
> Trung Quốc chi 7 tỷ USD xây đường sắt ở Lào
> Trung - Thái tăng hợp tác
> Vai trò của Trung Quốc ở Đông Nam Á

Dự án xây dựng đường sắt khổng lồ ở Lào, chạy từ miền nam Trung Quốc xuống, qua hàng loạt hầm đèo và cầu, sẽ qua thủ đô Vientian và cuối cùng nối với Bangkok, rồi sau đó vươn ra vịnh Bengal tại Myanmar, mở rộng giao thương của Trung Quốc xuống một vùng rộng lớn ở phía nam.

Một xe thi công chạy qua đường quốc lộ 13 ở tỉnh Udom Xay phía bắc Lào. Ảnh: NYT
Một xe thi công chạy qua đường quốc lộ 13 ở tỉnh Udom Xay phía bắc Lào. Ảnh: NYT

Các nhân công Trung Quốc dự kiến sẽ đổ bộ xuống thị trấn chỉ cách biên giới nước họ 80 km về phía bắc. Dù vấp phải một số sự phản đối của các tổ chức phát triển quốc tế, dự án này chắc chắn sẽ được thi hành. Dự án sẽ giúp Bắc Kinh kéo các nước ASEAN vào gần quỹ đạo của mình hơn nữa, và mở thêm cho Trung Quốc một con đường mới để tiếp cận vùng giàu dầu lửa Trung Đông.

Một trong các đoạn quan trọng của tuyến đường này sẽ nối thủ đô Vientian của Lào với Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Con đường sắt đó đi qua Udom Xay.

"Trung Quốc muốn có đường sắt cao tốc Côn Minh - Vientian", George Yeo, cựu ngoại trưởng Singapore phát biểu trong một diễn đàn doanh nghiệp mới đây ở Bangkok.

Ông Yeo, hiện là giám đốc Kerry Logistics Network, một hãng lớn trong ngành vận tải và phân phối ở châu Á, được cho là một trong các chuyên gia thạo tin nhất về các dự án giao thông mới ở khu vực. "Mục tiêu lớn chính là Bangkok. Đó là một thị trường khổng lồ, có vô số cơ hội. Rồi từ Bangkok, sẽ đến Dawei ở Myanmar, tuyến đường đó giúp Trung Quốc bỏ qua eo biển Malacca - một điểm có nguy cơ gây tắc nghẽn giữa Ấn Độ Dương với Thái bình dương.

Dự án dài 420 km có giá 7 tỷ USD, sẽ được thực hiện theo cách Trung Quốc cấp tín dụng cho Lào. Khoản tiền khổng lồ này không kém là bao so với tổng thu nhập quốc nội hàng năm 8 tỷ USD của Lào, quốc gia hiện chưa có hệ thống đường sắt trong khi mạng lưới đường bộ đã lạc hậu, chủ yếu gồm các con đường được xây dựng từ thời Pháp thuộc.

Hồi tháng 11, khi thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo sang Vientian dự hội nghị Á - Âu, ông được dự kiến sẽ dự lễ khởi công dự án đường sắt, nhưng lễ khởi công khi đó không diễn ra.

Các ống cống bằng bê tông tập kết ở Udom Xay, chuẩn bị cho việc xây dựng tuyến đường sắt. Ảnh: NYT
Các ống cống bằng bê tông tập kết ở Udom Xay, chuẩn bị cho việc xây dựng tuyến đường sắt. Ảnh: NYT

Một bản nghiên cứu đánh giá do LHQ tài trợ đi đến kết luận rằng khoản tín dụng hào phóng đến mức nó có thể khiến "sự ổn định kinh tế vĩ mô của Lào lâm nguy". Mặc khác, dự án có thể mang đến những bất lợi về tài nguyên và môi trường cho Lào, nếu theo đúng các điều kiện đề xuất, Lào sẽ cung cấp cho Trung Quốc quặng phốt pho và đồng, để đổi lấy việc được cấp tín dụng.

Các nhà tài trợ quốc tế khác như Ngân hàng phát triển châu Á, Ngân hàng thế giới và IMF ở Lào, cũng cho rằng nước này "cần thận trọng", một nhà ngoại giao cho biết.

Dù thế nào, quốc hội Lào đã thông qua dự án như một phần trong kế hoạch tổng thể về tuyến đường sắt liên Á được ký giữa gần 20 nước vào năm 2006.

Tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Đông Nam Á bùng nổ, lên mức 370 tỷ USD trong năm 2011, gấp đôi mức của Mỹ. Đến 2015, khi các nước ASEAN hình thành cộng đồng kinh tế như dự kiến, thì mức trao đổi thương mại với Trung Quốc ước tính lên 500 tỷ. Dù Trung Quốc xuất rất nhiều loại hàng hóa sang ASEAN, nước này phụ thuộc các láng giềng về nguồn tài nguyên và bán thành phẩm - những thứ phục vụ cho các ngành kinh tế hướng xuất khẩu của Trung Quốc.

"ASEAN ngày càng trở nên quan trọng về kinh tế và địa chính trị đối với Trung Quốc, ngày càng đóng vài trò quan trọng trong thương mại và đầu tư", Yolanda Fernandez Lommen, trưởng chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển Á châu ở Bắc Kinh, nhận xét.

Lào là xuất phát điểm lý tưởng cho các bước đi đầy tham vọng tiếp theo của Trung Quốc. Nước láng giềng phía bắc đã rót nhiều tiền đầu tư, trong đó có việc xây dựng hàng chục ngôi biệt thự bên bờ sông Mekong để phục vụ lưu trú cho các nhà lãnh đạo châu Âu và châu Á trong hội nghị thượng đỉnh tháng 11 vừa rồi. Một cung hội nghị sang trọng, là một phần của tổ hợp Vientiane New World, mang lại một sắc thái hiện đại cho thành phố Vientian trầm lặng. Tại cố đô Luang Prabang, điểm đến du lịch ưa thích ở Lào, Trung Quốc đã đầu tư xây dựng các bệnh viện và nâng cấp sân bay.

Trong khi đó, Mỹ cũng đang tìm cách tăng ảnh hưởng ở quốc gia này, sau nhiều chục năm dường như bỏ quên. Chuyến công du tới Lào của ngoại trưởng Hillary Clinton hồi tháng 7 là chuyến đi đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ kể từ những năm 1950.

Tại Udom Xay có một trường dạy tiếng Trung Quốc với 400 học sinh và 28 giáo viên, hoạt động nhờ tiền tài trợ của các doanh nhân Trung Quốc. Ông chủ khách sạn tên Wang tin tưởng rằng dự án đường sắt sẽ được khởi công trong vài tuần nữa. Kể từ khi đến Lào sinh sống cách đây ba năm, Wang đã mua được một nhà máy chế biến gỗ. Những người Trung Quốc di cư sang Lào ở quanh chỗ ông đã thuê đến một nửa diện tích đất nông nghiệp để canh tác, Wang cho biết.

Tuyến đường sắt này là dự án xây dựng hạ tầng cơ sở lớn nhất từ trước đến nay ở Lào. Công trình dự kiến kéo dài trong 5 năm và sử dụng công lao động của 50.000 công nhân Trung Quốc. Theo kế hoạch, tàu chở khách trên tuyến đường này sẽ chạy với tốc độ lên đến 160 km/h và dừng ở 31 ga sau khi công trình hoàn tất.

Ánh Dương (theo New York Times)