Tuy phải đến khoảng tháng 3 đại bàng mới sinh sản, nhưng việc mua bán chúng đang diễn ra khá sôi động. Sáng 3/1, ông Hai Ó, một người buôn đại bàng có tiếng ở khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân, TP.HCM), cho biết: "Ba năm trở lại đây tui bán đến cả trăm con đại bàng. Hàng về bao nhiêu bán hết bấy nhiêu".
Theo những đường dây
Theo đó, tùy vào vóc dáng, tình trạng sức khỏe, đặc điểm của từng con mà có giá khác nhau. Ông Hai Ó khẳng định: "Hiện chim đại bàng ưng đánh hàng từ Tây nguyên về có giá khá cao, bị kiểm tra rất gắt gao nên số lượng về không nhiều, giá 7 triệu đồng/con tầm 1,3kg, sải cánh cỡ 1m".
Theo ông Ó, đại bàng non hai ba năm trước chỉ 2 triệu đồng/con, nay giá đã vụt lên 4-7 triệu đồng, thậm chí hơn chục triệu đồng/con. Ông Ó cho hay hầu hết đại bàng được bán cho dân chơi huấn luyện các kỹ năng săn mồi hoặc nuôi nhốt trong lồng làm kiểng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có nhiều nguồn vận chuyển đại bàng về TP.HCM. Một đầu nậu chim đại bàng tên Dũng, hằng ngày có mặt tại ven đường Ba Tháng Hai - Quận 10 sẵn sàng dẫn khách về nhà coi chim đại bàng.
Chiều 4/1, ông Dũng nói: "Dạo này kiểm lâm "quần" dữ lắm nên chỉ dám trưng bán lề đường vào 11h - 13h nhằm tránh giờ làm việc của mấy ổng. Mấy người rao bán chim trên mạng đều lấy hàng của tui bán kiếm lời". Theo ông Dũng, nguồn hàng do người thân trực tiếp gửi từ Lâm Đồng về có khi đến hàng chục con/lần. Ông Dũng khuyến cáo: "Nhiều người mua đại bàng dễ bị lừa bởi một số loài khác có hình dáng tương tự đại bàng như ó biển, chim ưng...".
Một cách săn chim khác là người mua phải có quen biết với các tay chẻ hàng cỡ lớn (mỗi kiện hàng đến hàng chục con chim non). Qua nhiều dân chơi, chúng tôi tìm đến ông Dư, một "đầu nậu" động vật hoang dã các loại trên hương lộ 3 - Quận Bình Tân.
Chim đại bàng 9 tháng tuổi được đưa đi huấn luyện săn mồi
tại Quận 7, TP.HCM.
Ông này nói thẳng: "Hàng về không kịp phục vụ nhu cầu khách. Nhiều khi anh em phải ứng tiền trước cho tui săn hàng của cánh thợ săn trên đó". Theo tìm hiểu, ông Dư quê ở huyện Cư M'Gar, Đắk Lắk, có thâm niên hơn chục năm buôn bán hàng động vật hoang dã tại TP.HCM.
Nguồn hàng của ông khá phong phú, trong đó phần lớn có nguồn gốc từ mạn rừng Tây nguyên (chủ yếu Đắk Lắk). Hàng do các tay săn chuyên nghiệp đem từ khu rừng biên giới Campuchia về. Ông Dư khẳng định: "Sắp tới mùa sinh sản của đại bàng nhưng giá chim non không thể dưới 4 triệu đồng/con". Đại bàng của ông này được cho vào thùng xốp chuyển về chủ yếu bằng xe khách chung với các loại hàng "độc" khác như gấu, hổ con...
Một "trùm" mua bán chim vua khác là ông Dung, ngụ ở Tân Kiên (H.Bình Chánh), cho hay: "Hàng này tui đánh từ Tây nguyên, nhiều khi đánh từ khu vực miền núi phía Bắc". Ông Dung mời mọc mua đại bàng chỗ ông về nuôi không bao giờ lỗ, chơi không ưng thì cứ liên hệ cho ông, ông sẽ mua lại với giá hợp lý.
Ông Dung chỉ vào lồng có một con đại bàng ưng nặng 1,2kg nói giá "7 triệu đồng, không bớt". Theo ông Dung, đại bàng thường sống trong các khu rừng nguyên sinh, nơi có những ngọn núi cao chót vót, cánh thợ săn phải vắt sức bỏ hàng chục ngày mới săn lùng được. May mắn thì vào mùa sinh sản bẫy được cả chim bố mẹ và chim non.
Mốt chơi lấy uy!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại TP.HCM có đến hàng chục đầu mối chuyên cung cấp loài chim vua. Do số lượng dân chơi ngày càng tăng, cung không đủ cầu nên thường xuyên "khát hàng". Tuy chưa có số liệu thống kê ở TP.HCM có bao nhiêu chim đại bàng, bao nhiêu người nuôi, nhưng đại bàng vẫn là mốt chơi "độc" đang rất thịnh hành của nhiều người.
Ông Thái, chủ một quán cà phê trên đường Trần Văn Mười (H.Hóc Môn), có một con đại bàng oai vệ nhốt trong căn nhà được vây quanh bằng lưới sắt. Nhiều người ra vào trông thấy phải trầm trồ ngưỡng mộ uy thế của gia chủ. Còn ông Hùng - nhà ở Quận Tân Phú, mới tìm đến thú chơi đại bàng ưng hai tháng nay chia sẻ: "Đi dạo phố mang theo đại bàng thì còn gì bằng, nhiều người phải thán phục mình".
Theo giới chơi đại bàng ở TP.HCM, khoảng hai năm trở lại đây phong trào nuôi đại bàng tuy chưa được phép nhưng khá sôi động. Nếu bồ câu có thể huấn luyện để đưa thư, chó becgiê huấn luyện thành chó "thám tử"... thì đại bàng đang được một số tay chơi huấn luyện kỹ năng săn mồi. Chủ nhân sẽ điều khiển chim bay tự do và đậu trên tay mình.
Theo tìm hiểu, trước đây người nuôi đại bàng còn tập trung ở tầng lớp đại gia và khép kín, nay dân chơi đã đa dạng hơn khá nhiều về tuổi tác, điều kiện tài chính. Các "hội nhóm", "câu lạc bộ" huấn luyện đại bàng được thành lập, thậm chí một số diễn đàn, website cũng được thành lập để phục vụ thú chơi như tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm nuôi, mua bán trao đổi chim.
Ở khu vực H.Hóc Môn, hầu như giới chơi chim vua đều biết đến ông H.T.. Hiện ông T. đang sở hữu một con đại bàng ưng màu đen gần một năm tuổi. Thời gian gần đây, ông T. cùng một số thanh niên chơi chim săn mồi thường xuyên mang chim đi... gặp gỡ giao lưu.
Sáng 30/12/2012, ông T. cùng một số thanh niên cho chim săn mồi đậu trên tay đi xe máy đến quán cà phê trên đường Cao Thắng - Quận 10. Trong buổi giao lưu, hàng chục khán giả là khách đến quán cà phê gồm người lớn và trẻ em hào hứng nhìn chim đại bàng của ông T. đứng oai vệ trên thanh sắt cao hơn 2m. Sau đó, ông T. đeo bao da vào tay, ra hiệu cho chim sà xuống để ăn mồi.
Vài nét về đại bàng
Theo từ điển bách khoa mở Wikipedia, đại bàng là loài chim săn mồi cỡ lớn thuộc bộ ưng, lớp chim, họ Accipitridae. Chúng sinh sống ở nơi có núi cao và rừng nguyên sinh còn chưa bị con người chặt phá như bờ biển Úc, Indonesia, châu Phi... nhưng chủ yếu là lục địa Á - Âu với khoảng 60 loài, còn lại tìm thấy tại các lục địa khác bao gồm hai loài ở lục địa Bắc Mỹ, chín loài ở Trung và Nam Mỹ và ba loài ở Úc.
Ở Việt Nam, có ba loài đại bàng sinh sống. Hai loài sinh sống ở Tây nguyên và một loài ở Phú Quốc và Côn Đảo. Hai loài ở Tây nguyên gồm đại bàng đen và đại bàng xanh. Loài ở Phú Quốc và Côn Đảo là đại bàng biển bụng trắng.
Nuôi, mua bán đại bàng là phạm pháp
Theo ông Nguyễn Đình Cương - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, đại bàng có hai loại nằm trong phụ lục 1 và phụ lục 2 (sách đỏ) của danh mục các loài động, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp. Theo nghị định 32-CP, loài chim này nằm trong nhóm 2B thuộc loài động vật quý hiếm.
Đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt trái phép, không có nguồn gốc, giấy tờ loài chim này (kể cả vô tình nuôi làm cảnh) sẽ bị tịch thu và xử phạt theo nghị định 99-CP.
Thực tế tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung chưa có cơ quan thẩm quyền nào cấp phép săn bắt đại bàng để tạo con giống ban đầu, nên đại bàng chưa có nguồn gốc hợp pháp để gây nuôi theo quy định của Nhà nước. Đến nay, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM chưa cấp phép cho bất kỳ cá nhân nào mua bán hay nuôi nhốt chim.
Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM đã bắt được rất nhiều vụ buôn bán đại bàng. Tuy nhiên, do các đối tượng mua bán hoạt động lén lút, tinh vi nên việc phát hiện, xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Cương, người lỡ nuôi nên đến chi cục kiểm lâm để được hướng dẫn theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Tuổi Trẻ