Ngay cả khi giá vàng sụt giảm mạnh thì người dân vẫn phải chịu thiệt đủ đường. Ảnh: Giang Huy
Mua, bán vàng: Dân thiệt đủ đường
Dù có dấu hiệu hồi phục mạnh, giá vàng miếng đến chiều tối ngày 15.1 vẫn chỉ cao hơn giá vàng thế giới khoảng 2,35 triệu đồng. So với mức chênh 4-5 triệu đồng cách đây ít ngày, gánh chịu mức sụt giảm mạnh này không ai khác ngoài người dân vốn quen tích luỹ vàng và các nhà đầu tư.
Sụt giảm bất thường
Sau khi sụt giảm mạnh xuống 43,8-44,2 triệu đồng/lượng và là mức thấp nhất trong vòng gần nửa năm qua trong ngày 14.1, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ngày 15.1 hồi phục trở lại ở mức 44,85-45,10 triệu đồng/lượng. Mức hồi phục này là hoàn toàn bình thường khi giá vàng thế giới, tăng mạnh từ mức giá đóng cửa 1.667,8USD/oz cuối ngày 14.1 lên 1.681,0USD/oz vào chiều tối ngày 15.1. Song nếu so với giá vàng thế giới quy đổi ra tiền đồng, tương đương 42,75 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng tại thị trường trong nước hiện chỉ còn cao hơn khoảng 2,343 triệu đồng mỗi lượng. So với mức chênh phổ biến cách đây ít ngày khoảng 4,3-4,5 triệu đồng, mức sụt giảm tới gần 2 triệu đồng mỗi lượng là khá bất thường, đặc biệt trong bối cảnh giá vàng thế giới vẫn duy trì xu thế ổn định và thậm chí tăng giá.
Nhu cầu vàng miếng SJC giảm sút do người dân bắt đầu chuộng loại vàng nhẫn đóng vỉ có thể là lý do đầu tiên khiến giá vàng thương hiệu này liên tục giảm mạnh (dĩ nhiên vẫn cao hơn thế giới) trong thời gian qua. Chủ một cửa hàng vàng trên phố Đê La Thành (HN) cho biết, lượng người dân đến mua vàng nhẫn đóng vỉ ngày càng tăng do mặt hàng này dễ mua bán hơn so với vàng miếng và dễ dàng bán lại cho chính các cửa hàng. Cũng theo chủ cửa hàng này, giá vàng nhẫn có chất lượng tương đương thường rẻ hơn vàng miếng tới 1,5-2 triệu đồng mỗi lượng và người dân có thể dễ dàng mua bán tại các cửa hàng nhỏ lẻ thay vì phải chọn đúng đơn vị được phép kinh doanh vàng miếng.
Ngoài lý do mang tính “lách luật” này, rủi ro chênh lệch giá cao bất thường và thiếu kiểm soát của vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới như trên đây cũng là lý do khiến nhu cầu vàng miếng SJC giảm sút thời gian qua. Hơn nữa việc NHNN mới đây công bố sẽ mua vàng dự trữ và ấn định giá vàng cũng là yếu tố tác động đến tâm lý nghe ngóng và chờ đợi của người dân.
Người dân thất vọng
Biến động mạnh của giá vàng cũng tác động lớn đến tâm lý mua bán của người dân. Trong những ngày qua, tại Hội sở Cty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) TPHCM luôn đông nghịt người đến giao dịch vàng. Chỉ riêng trong buổi sáng ngày 15.1, lượng giao dịch của SJC đạt khoảng 1.000 lượng vàng. Con số giao dịch này bằng với cả ngày cuối tuần trước - theo ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh SJC. Cũng theo phòng kinh doanh của SJC, khác với các ngày trước khi người dân chủ yếu bán ra thì nay, thấy giá xuống nhiều người đã đi mua vào trong phiên chiều ngày 15.1.
Những người giữ vàng cũng đang thật sự cảm thấy mình thua thiệt đủ đường vì giữ vàng trong tay. Ông Hùng (quận 3, TPHCM) cho biết, kể từ khi Nhà nước “độc quyền” thương hiệu vàng SJC, người dân bị thiệt thòi vì sự chênh lệch quá cao so với giá thế giới. Đến khi NHNN siết lại chuyện bán mua, khoảng cách chênh lệch giảm nhưng giá vàng lại giảm mạnh khiến cho người dân lại thêm một lần thiệt. Thêm vào đó, chênh lệch mua - bán hiện nay được đẩy lên có lúc tới 500.000 đồng/lượng, buộc người dân phải chấp nhận bán giá thấp nếu muốn tránh rủi ro. Và với hàng trăm tấn vàng còn đang lưu trữ trong dân, sự biến động nêu trên sẽ làm người dân thiệt thòi rất lớn. Và với kiểu kinh doanh này, sẽ không có gì khó hiểu nếu nhu cầu vàng miếng SJC sẽ còn tiếp tục giảm trong những ngày tới. Bởi bị ép quá, người mua vàng sẽ chọn cho mình cách ứng xử khác với vàng.
Chủ một tiệm vàng lớn ở quận 1 cho biết, người dân đang lo sợ giá vàng trong nước sẽ còn giảm tiếp trong những ngày tới, độ chênh giữa giá thế giới và trong nước sẽ được thu hẹp lại nên cấp tập đi bán vàng. Một vị khách quen đã nhờ bán 50 lượng mà theo vị khách này thì chấp nhận bán ở thời điểm này là chấp nhận lỗ hơn 1 triệu đồng/lượng. Dù lỗ nhưng vẫn phải bán vì sợ giá vàng còn xuống nữa.
Chưa hết, nhiều người khi được hỏi ý kiến về câu chuyện mua bán vàng hiện nay đều thể hiện một sự “thất vọng”. Chị Hạnh, nhân viên một phòng kinh doanh quảng cáo ở quận Tân Bình -TPHCM cho biết, trong nhiều ngày qua gia đình chị cần tiền phải đi bán vàng nhưng để tìm được chỗ bán cũng quá mệt mỏi. Tuân thủ quy định Nhà nước chị không mua bán chui ở các tiệm vàng gần nhà, nhưng khi tìm đến các phòng giao dịch của các NH nằm trong danh sách được cấp phép thì không thể bán được. Theo như lời của các nhân viên ở đây, đó chỉ mới là chủ trương, còn NH chưa triển khai.
Thực tế, không ít người dân phải chạy lòng vòng tìm nơi bán vàng khi các điểm giao dịch mới tập trung ở các thành phố lớn. Nhiều chi nhánh NH chỉ xin cấp phép để giữ chỗ chứ chưa triển khai dịch vụ này, nên khách hàng phải mất cả buổi vẫn không bán được. Hơn nữa, người dân chưa có thói quen vào NH mua vàng bởi sự bất tiện, chỉ làm việc giờ hành chính và không phải chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng nào cũng có vàng để bán.
Nhiều tiệm vàng tại trung tâm TPHCM không được phép mua bán vàng miếng cũng vừa tháo bảng niêm yết giá vàng SJC xuống. Song “tháo biển xuống để ít bị để ý trong vài ngày đầu, nhưng nếu ai có nhu cầu mua bán, tiệm sẽ đáp ứng được, vì số lượng thường chỉ vài chỉ đến 1 lượng, cơ quan chức năng khó phát hiện” - chủ một tiệm vàng trong khu vực này cho biết. Các ví dụ trên đây cho thấy thực tế, Nhà nước chỉ có thể quản lý bề nổi của thị trường, còn phần chìm khó lòng kiểm soát được.