Thời gian qua, tại khu vực có thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra hàng chục trận động đất. |
Đại tá Lê Ngọc Thành, Phó tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Quảng Nam, cho biết thời gian qua, tại vùng này có 66 trận động đất lớn nhỏ, có trận mạnh đến 4,6 độ richter, 13 huyện, thành phố của tỉnh và một số huyện của Quảng Ngãi và TP.Đà Nẵng bị ảnh hưởng, làm hư hỏng hơn 1.000 nhà, gần 20 công trình công cộng.
Nếu trong thời gian tới, động đất tiếp tục xảy ra với cường độ mạnh, vượt qua ngưỡng 5,5 độ richter thì vùng tâm chấn là khu vực huyện Bắc Trà My, vùng ảnh hưởng là địa bàn toàn tỉnh, sẽ gây đổ công trình, nhà cửa. Đặc biệt có nguy cơ rạn nứt bờ đập, dẫn đến vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2. Khi đó số lượng dân cần sơ tán trên 62.000 người/145 thôn, khối phố của 51 xã, thị trấn của 8 huyện/thành phố Bắc Trà My, Tiên Phước, Đại Lộc, Duy Xuyên, Nông Sơn, Hiệp Đức, Điện Bàn và TP.Hội An.
Tính mạng của hơn 62.000 dân vùng hạ lưu bị đe dọa nếu đập thủy điện bị vỡ. |
Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, cho rằng nếu động đất xảy ra gây vỡ đập Thủy điện Sông Tranh 2 thì đây là thảm họa “đồng nhất” cuồng quét một lần, chứ không giống như bão, lũ xảy ra từ từ, người dân còn cách phòng chống được. “Theo tôi, cần phải dự báo, dự lượng để đề phòng, cảnh báo đến người dân sớm hơn. Ngoài ra, chúng ta cần tính đến điểm sơ tán cụ thể, chi tiết; phải lắp đặt còi hú cho các huyện, xã, thôn, xóm và quy định cách hú còi cho người dân được biết”, ông Tuấn nói.
Đại diện lãnh đạo huyện Hiệp Đức nói thêm, ngoài dùng còi hú, nếu cấp bách có thể dùng súng bắn cảnh báo. Mỗi thôn, khối phố cần có đội tìm kiếm cứu nạn từ 25 - 30 người; cấp xã, phường có một trung đội dân quân cơ động; cấp huyện cần một đại đội dự bị động viên… để kịp thời ứng cứu.
Bàn Thạch
Theo Infonet