Ebank Tin tức

Hành trình đi đến 'hôn nhân' của Eximbank và Sacombank

Hành trình này diễn ra hơn một năm, từ lúc những tin đồn đầu tiên về thâu tóm Sacombank loang ra, rồi Eximbank tiếp cận với tư cách nhà đầu tư, và cuối cùng là ngỏ ý sáp nhập. Đây cũng là giai đoạn thị trường nhiều biến cố nhất.
> Sacombank, Eximbank lên kế hoạch sáp nhập

Việc sáp nhập giữa Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu (Eximbank) và Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có thể phải diễn ra trong 3-5 năm tới, nhưng kế hoạch này ngay lập tức trở thành "sự kiện tất niên nóng nhất thị trường" - theo cách nói của một vị tổng giám đốc ngân hàng ở phía Nam.

Điều này có lý bởi từ khi hai bên tìm hiểu nhau đến nay có thể dài hơn một năm nhưng các tình tiết chính phần lớn diễn ra trong năm 2012 - năm sóng gió của thị trường tài chính, ngân hàng. Eximbank là một trong những nhân tố chính tạo nên sự kiện đổi chủ tại Sacombank năm 2012, khiến cổ đông sáng lập Đặng Văn Thành phải thoái vốn và mất quyền chi phối.

Từ một nhà đầu tư tài chính, Eximbank sắp trở thành người một nhà với Sacombank.
Từ một nhà đầu tư tài chính, Eximbank sắp trở thành người một nhà với Sacombank.

Ý tưởng hợp nhất Sacombank và Eximbank xuất phát từ buổi sơ kết hoạt động của Eximbank vào tháng 7/2011. Thời điểm này, Eximbank đã quyết định mua lại 9,73% vốn điều lệ của Sacombank từ Ngân hàng ANZ. Giá mua khi đó là 16.000 đồng một cổ phiếu mặc dù thị giá của STB lúc đó chỉ khoảng 12.000 đồng.

Từ cuối năm 2011 cũng xuất hiện thông tin một nhóm cổ đông lớn âm thầm mua vào cổ phiếu nhằm thâu tóm Sacombank. Tháng 2/2012, với tư cách là cổ đông lớn và đại diện cho nhóm cổ đông nắm 51% cổ phần Sacombank, Eximbank đòi bầu lại Hội đồng quản trị (HĐQT) của Sacombank.

Sau khi cuộc thâu tóm Sacombank hạ màn, kết quả là, vị trí tân Chủ tịch Sacombank được thay thế bởi cựu Phó chủ tịch Eximbank Phạm Hữu Phú. Sau đó, lần lượt lãnh đạo hai bên dần dần để ngỏ khả năng sáp nhập. Ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch HĐQT Eximbank - thì khẳng định với báo chí sẽ gắn bó lâu dài với Sacombank chứ không chỉ là nhà đầu tư đơn thuần như khi tiếp cận ban đầu. Về phần mình, ông Phạm Hữu Phú cũng từng thừa nhận với VnExpress.net, sáp nhập với Eximbank là "một ý tưởng hay".

Chủ tịch Eximbank: Chúng tôi không 'hù dọa' Sacombank

Lý giải về việc lãnh đạo các bên chỉ luôn "để ngỏ" khả năng sáp nhập sau thời gian dài tìm hiểu, một nguồn tin của VnExpress cho biết, đây là một cuộc sáp nhập thương mại tự nguyện nên việc hai ngân hàng thực hiện các bước đi có lộ trình, thận trọng là điều dễ hiểu. "Hai ngân hàng đã thuê một đối tác tư vấn tài chính nước ngoài rất có uy tín để thẩm định về giá trị cộng hưởng từ thị trường, mạng lưới, hoạt động cũng như con người nếu hai bên sáp nhập", nguồn tin này nói.

Nếu sáp nhập thành công, Eximbank và Sacombank sẽ tạo thành một định chế tài chính lớn nhất trong nhóm ngân hàng cổ phần với quy mô tài sản hơn 300.000 tỷ, vốn điều lệ hơn 23.000 tỷ đồng. Trong lĩnh vực ngân hàng, Eximbank và Sacombank được xem như 2 "ông lớn" trong khối các nhà băng tư nhân cổ phần với tổng tài sản hàng trăm nghìn tỷ. Eximbank có vốn điều lệ 12.355 tỷ đồng, tổng tài sản đến 30/9/2012 là hơn 160.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ chỉ 10.739 tỷ đồng, thấp hơn Eximbank một chút nhưng tổng tài sản ở thời điểm tương đương của Sacombank lại nhiều hơn (đạt 147.000 tỷ đồng). Trên sàn chứng khoán, Eximbank (mã EIB) và Sacombank (mã STB) đều là những blue-chip trong danh mục của các nhà đầu tư. Eximbank hiện là cổ đông lớn của Sacombank với tỷ lệ 9,73%. Giá cổ phiếu của Sacombank hiện khoảng 22.000 đồng - nhỉnh hơn Eximbank (có giá khoảng 17.000 đồng).

Sacombank, Eximbank có quy mô khá tương đồng nhau và sẽ tạo thành ngân hàng lớn nhất trong khối cổ phần nếu sáp nhập.
Sacombank, Eximbank có quy mô khá tương đồng nhau và sẽ tạo thành ngân hàng lớn nhất trong khối cổ phần nếu sáp nhập. Nguồn: BCTC quý III/2012.

Thông tin sáp nhập của Eximbank và Sacombank nhận được nhiều phản ứng tích cực từ thị trường và giới chuyên gia. Giá cổ phiếu EIB và STB thường xu hướng đi ngang hoặc chỉ tăng nhẹ nhưng ngay sau khi tin sáp nhập được phát đi, các cổ phiếu này tăng rất mạnh, thậm chí trước đó một ngày, EIB có phiên tăng trần. Ông Phan Dũng Khánh - Trưởng phòng Tư vấn Đầu tư Công ty chứng khoán MayBank KimEng cho rằng: "Điều này thể hiện nhà đầu tư xem đây là một tin tốt và kỳ vọng nhiều vào hai mã cổ phiếu này".

Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chính sách công Chương trình giảng dạy kinh tế FulBright - nhìn nhận: "Điểm tích cực đầu tiên đối với tình hình vĩ mô của thị trường là bản thân hai ngân hàng đang có cấu trúc sở hữu chéo. Do đó, việc sáp nhập sẽ giúp đơn giản hóa cơ cấu và tăng tính minh bạch cho hệ thống". Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý, những lợi thế từ thương vụ này muốn duy trì cần có sự định hướng tốt từ Ngân hàng Nhà nước.

Thống đốc trả lời vụ thâu tóm Sacombank

Ngược lại, theo nhìn nhận của một chuyên gia tài chính ngân hàng khác, nếu sau thương vụ này, vấn đề sở hữu chéo và những bất ổn của nó không được dọn dẹp "sạch sẽ" thì nên coi đây là một thất bại của cuộc "hôn nhân" - nếu nhìn từ yêu cầu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, để cuộc "hôn nhân" được trọn vẹn và sức mạnh của hai tổ chức tín dụng được nâng cao, theo các chuyên gia còn phụ thuộc vào sự khéo léo trong quản trị của ban lãnh đạo mới. "Khi bộ máy trở nên cồng kềnh, mô hình phức tạp hơn, nếu không quản lý được tốt thì sức mạnh cộng hưởng đáng lẽ ra có được từ việc sáp nhập sẽ trở thành con dao hai lưỡi", vị chuyên gia chứng khoán phân tích.

"Tôi đã thấy nhiều người giỏi lèo lái các doanh nghiệp quy mô nghìn tỷ nhưng đến khi nâng vốn lên hai, ba nghìn tỷ thì họ lại thể hiện sự lúng túng và thất bại vì chưa đủ tầm", ông Phan Khánh Dũng kể để lưu ý tầm quan trọng của việc quản trị ngân hàng Eximbank - Sacombank sau sáp nhập.

Thanh Thanh Lan

Ý kiến của bạn
Tờ báo có nhiều độc giả nhất Việt Nam

Thành lập ngày 26/02/2001.
Cơ quan chủ quản: Bộ Khoa học Công nghệ.
Giấy phép: Số 511/GP - BVHTT ngày 25/11/2002.
Tổng biên tập: Thang Đức Thắng.
 
Tòa soạn: Tầng 5, Tòa nhà FPT Cầu Giấy, phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Đường dây nóng: 0123 888 0123
Điện thoại: 04 7300 8899 - máy lẻ 4500
Fax: 04 822 3155

Văn phòng đại diện TP HCM: 408, Điện Biên Phủ, Phường 11, Quận 10.
Điện thoại: 08 7300 8899 - máy lẻ 8500
Fax: 08 933 0362
Liên hệ quảng cáo: 09 0436 1114 (HN) - 09 0810 7277 (TP HCM).