Cập nhật lúc 13:05, 08/02/2013

Đại tướng Trần Đại Quang xác định nhiệm vụ của Công an

Phòng ngừa, tấn công tội phạm để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân là nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân và được cả xã hội đặt niềm tin giao phó. Nhân dịp chào xuân mới Quý Tỵ 2013, Đại tướng, GS.TS Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có bài viết về vấn đề trên. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Năm 2012, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức; tình hình tội phạm có xu hướng gia tăng; những yếu tố tác động tiêu cực đến an ninh, trật tự còn nhiều phức tạp.

 
Chủ động tham mưu, tích cực tấn công tội phạm
 
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, công tác bảo vệ an ninh, trật tự đã được tăng cường chỉ đạo; các Bộ, các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân đã tích cực hưởng ứng tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Nghị quyết số 09/CP của Chính phủ và 3 Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy và phòng chống mua bán người.

 

Đại tướng Trần Đại Quang đến thăm CBCS Trung đoàn CSCĐ Tây Nam Bộ. Ảnh: CAND
Đại tướng Trần Đại Quang đến thăm CBCS Trung đoàn CSCĐ Tây Nam Bộ. Ảnh: CAND
 
Lực lượng Công an nhân dân đã chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành nhiều chương trình, kế hoạch phòng, chống tội phạm; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh phòng, chống tội phạm; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, qua đó đã kiềm chế được tốc độ gia tăng của tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, tội phạm cướp, cướp giật, tội phạm ma túy... góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.
 
Thực trạng còn nhức nhối
 
Tuy nhiên, tình hình tội phạm ở nước ta hiện nay vẫn diễn biến phức tạp. Cơ cấu thành phần tội phạm có những thay đổi, đối tượng phạm tội là người lao động, nhất là số không có việc làm, số người phạm tội là người chưa thành niên chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Hoạt động của tội phạm có tổ chức, đâm thuê, chém mướn, đòi nợ thuê, trộm cướp, có sử dụng “vũ khí nóng”; tội phạm sử dụng công nghệ cao, trộm cắp tiền trong tài khoản, sử dụng thẻ tín dụng giả; trộm cắp cước viễn thông, đánh bạc, cá độ qua Internet; tội phạm chống người thi hành công vụ, chủ yếu chống lại lực lượng Cảnh sát đang thi hành công vụ; tội phạm giết người do mẫu thuẫn trong nội bộ nhân dân, tranh chấp tài sản, đất đai, mâu thuẫn trong sinh hoạt, do nợ nần kinh tế gia tăng...
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng chủ yếu là do tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, lao động mất việc làm; sự xuống cấp về đạo đức xã hội, nhất là trong thanh, thiếu niên; tác động tiêu cực của văn hóa phẩm đồi trụy, trò chơi trực tuyến trên mạng Internet (game online) chưa có giải pháp ngăn chặn; phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm ở cơ sở chưa sâu rộng, nhiều nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa đồng đều....
 
Số vũ khí nóng được lực lượng 141 Hà Nội tịch thu
Số vũ khí nóng được lực lượng 141 Hà Nội tịch thu
 
Năm 2013 là năm có ý nghĩa bản lề trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Kinh tế nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, thậm chí khó khăn hơn năm 2012. Do tác động của những khó khăn về kinh tế - xã hội và những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài, tình trạng xuống cấp về đạo đức xã hội... tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật khác sẽ diễn biến phức tạp hơn, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng "vũ khí nóng", tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm tham nhũng, tội phạm kinh tế, tội phạm ma túy, tội phạm chống người thi hành công vụ, tội phạm là người nước ngoài, tội phạm môi trường... Thiên tai, dịch bệnh và các tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp vẫn sẽ là những vấn đề ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
 
Năm 2013, tạo chuyển biến mạnh mẽ
 
Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh phòng, chống có hiệu quả với các loại tội phạm, cần quán triệt phương châm: “Chủ động phòng ngừa, tích cực tấn công tội phạm”. Mục đích cao nhất và cũng là yêu cầu cơ bản của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm là bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.
 
Do đó, nếu để tội phạm xảy ra, gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và công dân, thì dù sau đó ta có phát hiện, bắt và trừng trị chúng, cũng không thể khắc phục được đầy đủ hậu quả về vật chất, thể chất và tinh thần. Vì vậy, tư tưởng chủ động phòng ngừa tội phạm phải được quán triệt thực hiện trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cũng như chiến lược phát triển của từng ngành, địa phương. Cần xây dựng và thực hiện cơ chế phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị, nâng cao trách nhiệm vai trò chủ động của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện đấu tranh các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Tăng cường phòng ngừa xã hội, kết hợp chặt chẽ với công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm chắc diễn biến tình hình các loại tội phạm; chủ động phối hợp với các cấp các ngành chủ động phòng ngừa, khắc phục các sơ hở thiếu sót trong các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, quản lý tài sản, tài chính.
 

 

Các chiến sĩ lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao Bộ Công an đang thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Dân trí
Các chiến sĩ lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao Bộ Công an đang thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Dân trí
 
Để chủ động phòng ngừa tội phạm, phải quán triệt tư tưởng tích cực tấn công, tấn công liên tục tội phạm. Tấn công và tấn công liên tục tội phạm là yêu cầu khách quan của sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự và phải được thể hiện trong các chủ trương, biện pháp công tác công an, trong việc phát động mạnh mẽ khí thế trấn áp tội phạm của nhân dân, phát huy hiệu lực của pháp chế xã hội chủ nghĩa. Tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm; tập trung đấu tranh với tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia; tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, các băng, nhóm lưu manh, côn đồ hoạt động bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuê, đâm thuê, chém mướn; tội phạm là người nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao, chống người thi hành công vụ, tội phạm sử dụng “vũ khí nóng”, vật liệu nổ gây án, cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản. Tăng cường công tác phát hiện, đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, quản lý sử dụng đất đai, vốn, tài sản của Nhà nước. Phối hợp với các cơ quan tư pháp đưa ra xét xử công khai một số vụ lớn để răn đe chung. Phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.
 
Đẩy mạnh công tác đấu tranh với tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, nhất là trên tuyến biên giới, các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy qua đường hàng không vào nội địa; triệt xóa các tụ điểm sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy dạng “đá” tại các nhà hàng, vũ trường, quán bar, karaoke.
 
Chung sức đồng lòng, toàn xã hội vào cuộc
 
Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 1/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; đổi mới hình thức, nội dung, biện pháp xây dựng phong trào để toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác và đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Tập trung củng cố lực lượng công an xã, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan doanh nghiệp, thường xuyên mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên đề về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cho lực lượng chuyên trách. Tổ chức tốt việc phân loại, đánh giá chất lượng phong trào từ cơ sở, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến ở từng địa phương và trên toàn quốc.
 
Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế phối hợp phòng ngừa tội phạm trong gia đình, nhà trường và xã hội; quản lý chặt chẽ số chấp hành xong án phạt tù, đặc xá, tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng; củng cố các tổ dân phố, lực lượng bảo vệ chuyên trách, bán chuyên trách, các tổ chức đoàn thể quần chúng ở cơ sở phường, xã tham gia bảo vệ an ninh, trật tự. Chỉ đạo quản lý, giáo dục, cảm hóa những người phạm tội tại cộng đồng dân cư. Nghiên cứu các giải pháp gắn việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy và phòng, chống buôn bán người với các chương trình kinh tế- xã hội khác như chương trình xóa đói, giảm nghèo, việc làm và dạy nghề, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư...
 
Lực lượng CSCĐ Thành phố Hồ Chí Minh lên đường làm nhiệm vụ
Lực lượng CSCĐ Thành phố Hồ Chí Minh lên đường làm nhiệm vụ
Thực hiện tốt công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài, quản lý cư trú. Thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về an ninh, trật tự. Triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm về quản lý, sử dụng pháo. Tổ chức tốt việc tiếp nhận, quản lý, giáo dục người được đặc xá, tha tù, người đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng trở về địa phương.
 
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; tăng cường kiểm tra và tổ chức vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với nhiều hình thức, biện pháp thiết thực, có hiệu quả. Nghiên cứu, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong Bộ luật Hình sự cho phù hợp với tình hình hiện nay.
 
Tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất và tổ chức, bộ máy cho các Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy mới được thành lập. Tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 44/QĐ-TTg, ngày 15/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo tốt công tác này tại các trung tâm thương mại, nhà cao tầng, khu chung cư; thường xuyên kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với các công trình đang xây dựng.
 
Tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông để kiềm chế, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, nhất là ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Chấn chỉnh việc tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
 
Phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ hết sức quan trọng, vừa cấp bách, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, cần có quyết tâm cao, sự kiên trì, bền bỉ, sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội.Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, lực lượng Công an nhân dân nhất định hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
 
Đại tướng Trần Đại Quang
 
(theo Chinhphu.vn)
;
.