Các hình ảnh từ vệ tinh cho thấy Triều Tiên đã hoàn tất công tác chuẩn bị cùng lúc tại 2 cơ sở hạt nhân ngầm.
Những ngày gần đây liên tiếp xuất hiện thông tin cho biết Triều Tiên đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần ba từ cách đây 10 ngày. Công tác này không chỉ được tiến hành tại một, mà là hai cơ sở ngầm, nên đã khiến phương Tây và một số nước trong khu vực thực sự quan ngại.
Mặc dù cho đến nay Triều Tiên vẫn chưa công bố cụ thể thời điểm dự định thử hạt nhân, song hầu hết các giả thuyết trong và ngoài khu vực đều cho rằng vụ thử sẽ được tiến hành trong dịp sinh nhật cố lãnh đạo Kim Jong-il (16/2) hay ngày nhậm chức của tân Tổng thống Hàn Quốc Pak Geun-hye (25/2). Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng có tin nói Bình Nhưỡng sẽ chưa thể "khai hỏa" vì chưa nhận được cái gật đầu từ Bắc Kinh.
Nhìn lại lịch sử, trong suốt nửa thế kỷ qua, Trung Quốc và Triều Tiên luôn cố gắng và cũng tự nhận có quan hệ liên minh chặt chẽ. Hầu như nhất cử, nhất động ở Triều Tiên đều có sự can dự ít nhiều từ phía Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, mối quan hệ đó không thực sự đơn giản và êm đềm như hai bên vẫn cố công tạo dựng. Thậm chí có những lúc tình hình biên giới hai nước còn tiến sát nguy cơ xung đột vũ trang, như khi Trung Quốc tiến hành Cách mạng Văn hóa vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước.
Hiện tại, sau nhiều nỗ lực của hai bên, quan hệ Trung-Triều đã được xây dựng khăng khít hơn nhiều nhưng vẫn chỉ dừng ở chỗ "nương tựa" hơn là cùng nhau chia sẻ mục tiêu chiến lược.
Bởi đối với Trung Quốc, sự tồn tại của nhà nước Triều Tiên sẽ giúp tạo vùng đệm địa chiến lược ở biên giới, đồng thời giúp Bắc Kinh tránh phải đối mặt với dòng người tị nạn hoặc các vấn đề nảy sinh một khi Bình Nhưỡng có chiến tranh hoặc mất kiểm soát vũ khí hóa học, hạt nhân. Thậm chí, vai trò kiến tạo của Trung Quốc trong việc tái khởi động các cuộc đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng chỉ là công cụ chính để Trung Quốc gây ảnh hưởng ngoại giao trong khu vực.
Vì vậy, bất luận các phát ngôn hoa mỹ của giới ngoại giao Trung Quốc về thống nhất hai miền, Bắc Kinh chưa bao giờ thực sự coi đây là điều mang lại lợi ích cho họ. Trước một Nhật Bản và Hàn Quốc cứng rắn, không ngại va chạm, Trung Quốc thà để con tàu Triều Tiên trôi nổi hơn là neo giữ nó với Seoul, để rồi sẽ phải đối mặt cùng lúc với nhiều chiến tuyến.
Ngược lại đối với Triều Tiên, sự chống đỡ về chính trị và hỗ trợ về kinh tế của Trung Quốc tuy có giá trị rất lớn, song vẫn không đủ để lấp đầy tham vọng hạt nhân và mong muốn khẳng định vị thế của nước này. Việc Triều Tiên phóng thành công tên lửa ngày 12/12/2012 đã giúp nâng cao đáng kể vị thế của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nhưng suy cho cùng hành động này và cả kế hoạch thử hạt nhân đang đẩy chính quyền hiện nay vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu tiếp tục theo đuổi kế hoạch thử hạt nhân, Bình Nhưỡng sẽ vấp phải sự phản ứng quyết liệt và đồng bộ của cộng đồng quốc tế, khiến Bắc Kinh dù muốn cũng khó có thể tiếp tục bảo bọc. Nhưng nếu dừng lại, ban lãnh đạo mới hiện nay sẽ khó lòng “thu phục nhân tâm” trong nước, vì xưa nay các thế hệ lãnh đạo Triều Tiên đều bám chặt đường lối đẩy mạnh giáo dục người dân về niềm tự hào sức mạnh quân sự. Đối với họ, sức mạnh quân sự vừa là tài sản, vốn liếng của đất nước, vừa là công cụ răn đe hữu hiệu để buộc quốc tế phải viện trợ và nhượng bộ.
Chính vì vậy, dù luôn “nương nhẹ” với Triều Tiên song Trung Quốc khó có thể không bất bình với một số khía cạnh chính sách của Bình Nhưỡng, đặc biệt là tham vọng hạt nhân. Có vẻ như trong sáu tháng qua, bất bình đã gia tăng. Loạt sự kiện gần đây buộc giới quan sát nghi ngờ rằng quan hệ Trung-Triều đang bước vào chu kỳ khủng hoảng.
Dấu hiệu đầu tiên là bê bối xung quanh việc các dự án đầu tư của một doanh nghiệp Trung Quốc lớn là Tập đoàn Tây Dương bị thất bại. Công ty này đã bỏ 50 triệu USD xây dựng mỏ ở Triều Tiên, nhưng sau đó lại bị phía Triều Tiên thu hồi. Những tình huống tương tự từng phát sinh trước đây, nhưng lần này Trung Quốc đã công khai tuyên bố ý kiến bất đồng.
Tiếp đó tháng 8/2012, ông Chang Song-thek, một cố vấn thân cận của Chủ tịch Kim Jong-un, đã đến Trung Quốc với hy vọng được nhận thêm viện trợ kinh tế nhưng rút cục phải trở về tay không.
Sang đầu năm 2013, Trung Quốc đã công khai ủng hộ nghị quyết mở rộng trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, động thái đã làm bất ngờ nhiều nhà quan sát. Gần đây nhất, vào vào cuối tháng 1, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc còn viết rằng nếu Triều Tiên thử hạt nhân, Bắc Kinh sẽ cắt giảm viện trợ dành cho Bình Nhưỡng. Mặc dù đây chỉ là phát ngôn của một tờ báo nhưng Bình Nhưỡng khó có thể bỏ qua bởi đây là tờ báo cân thận của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Dĩ nhiên, chính quyền Triều Tiên không tỏ ra quá lắng nghe quan điểm của các đồng minh, kể cả Trung Quốc. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, họ khó có thể dễ dàng bỏ ngoài tai những lời cảnh báo không hề mập mờ của Bắc Kinh khi mà sự phụ thuộc về kinh tế ngày càng lớn. Do vậy rất có thể, áp lực của Trung Quốc sẽ buộc được Triều Tiên phải cân nhắc kỹ càng theo hướng trì hoãn, hoặc hủy bỏ các cuộc thử nghiệm hạt nhân. Bởi dù ít dù nhiều, Bình Nhưỡng sẽ không thể dốc hết vốn liếng vào canh bạc hạt nhân khi mà điều này có thể sẽ khiến họ mất đi tất cả, ngay cả sự ủng hộ yếu ớt còn lại của Trung Quốc.
Nói cách khác, trong bối cảnh thực tế hiện nay, Triều Tiên có lý do chính đáng để buộc phải nghe lời nước đồng minh trụ cột và tỏ ra có thiện chí hòa hoãn với thế giới. Nếu điều này thực sự xảy ra, đây sẽ là một tin tốt lành. Tuy nhiên, cũng cần luôn nhớ rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ muốn đẩy Triều Tiên vào ngõ cụt, hay kích động một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Vì vậy, Trung Quốc sẽ để lại đường lùi cho Triều Tiên bằng cách đứng ra dàn xếp một lối thoát “đẹp mặt” cho tất cả các bên. Trong tương lai cũng vậy, Trung Quốc sẽ chỉ thể hiện sự bất bình một cách hạn chế trước một số động thái cứng rắn của Bình Nhưỡng.
Việt Giang