Thứ ba, 12/02/2013 00:26
11/02/2013 | 08:46

"Kỳ án vườn mít": Tử hình, trắng án rồi lại chung thân

(Dân Việt) - Đã hơn 8 năm trôi qua từ ngày luật sư Trịnh Thanh sát cánh cùng người chủ tốt bụng của bị cáo Lê Bá Mai, cứu Mai thoát khỏi án tử hình. Giờ đây, họ vẫn tiếp tục hành trình tìm công lý...

Đã hơn 8 năm trôi qua tính từ ngày luật sư Trịnh Thanh - Trưởng Văn phòng luật sư Người Nghèo - sát cánh cùng người chủ tốt bụng của bị cáo Lê Bá Mai, lăn lộn ngược xuôi cứu Mai thoát khỏi án tử hình. Giờ đây, họ vẫn tiếp tục hành trình tìm công lý...

Lê Bá Mai tại tòa.

…Ngày 16.11.2004, tại vườn mít của ông Tuân, tại xã An Khương, huyện Bình Long (Bình Phước), người dân phát hiện ra xác chết của bé gái Thị Út. Theo lời khai của Thị Hằng, một bé gái đi mót củ sắn cùng Út ngày cháu mất tích, rằng có thấy Út đi với một thanh niên. Cơ quan điều tra nghi vấn, khởi tố Mai về tội "giết người" và "hiếp dâm trẻ em". Ngày 16.3.2005, TAND tỉnh Bình Phước xét xử và tuyên án tử hình Lê Bá Mai về 2 tội trên. Ngày 4.8.2005, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM xử phúc thẩm, giữ nguyên án tử hình với Mai. Kể từ lúc đó, Mai có thể bị đem đi xử bắn bất cứ lúc nào...

Công bằng mà nói, người đầu tiên mở "đường sống" với tử tù Lê Bá Mai là bà Nguyễn Thị Hoài Thu - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Bà đặc biệt quan tâm đến vụ án này từ những ngày đầu tiếp cận hồ sơ. Dùng mọi khả năng để minh oan cho Mai, lá đơn khẩn cấp của bà được chuyển trực tiếp tới tay Chủ tịch nước. Những phân tích chính xác, công bằng, thấm đẫm tình người của bà đã thuyết phục được Chủ tịch nước chỉ đạo Viện KSND Tối cao dừng thi hành án tử hình, đưa ra quyết định kháng nghị hủy cả 2 bản án tử hình trước đó.

Luật sư (LS) Trịnh Thanh - Trưởng Văn phòng luật sư Người Nghèo - cũng là người đôn đáo chạy ngược xuôi không quản ngày đêm để tìm thêm chứng cứ, thực nghiệm lại hiện trường, vào thăm, động viên, đấu tranh để Mai kháng án, xin xử lại… Cùng với LS Trịnh Thanh, LS Phan Long Ẩn cũng nhận lời bào chữa hoàn toàn miễn phí. "Tôi thấy có nhiều dấu hiệu oan sai cần phải làm sáng tỏ trong vụ kỳ án này"- LS Trịnh Thanh tâm sự.

Sự can thiệp tích cực của 2 vị LS sau khi án phúc thẩm có hiệu lực đã tác động hữu hiệu đến các cơ quan thực thi pháp luật. Tháng 12.2006, Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) Tối cao đã kháng nghị, đề nghị hủy án sơ, phúc thẩm để điều tra, xét xử lại. Sau đó Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao đã xét xử Giám đốc thẩm, tuyên hủy cả 2 bản án trên. "Đó là một thắng lợi hết sức có ý nghĩa với chúng tôi"- LS Thanh hào hứng kể.

…Thế nhưng, ngày 5.1.2013, trong phiên xử sơ thẩm (lần 3), TAND tỉnh Bình Phước lại tuyên án chung thân với Lê Bá Mai khi mà nhiều người đều nghĩ rằng có lẽ một kết cục có hậu sắp đến với người phải 2 lần chịu án tử hình.Và Lê Bá Mai lại tiếp tục kháng án. Sắp tới, phiên phúc thẩm (lần 3) của TAND Tối cao sẽ được xử lại. Hành trình công lý vẫn chưa dừng lại đối với LS Thanh và đồng nghiệp.

Sở dĩ vụ kỳ án này kéo dài tới hơn 8 năm vẫn chưa có điểm dừng bởi trong quá trình thực hiện các biện pháp tố tụng, quan điểm của Viện KSND tỉnh Bình Phước vẫn còn nhiều điều đáng nói và đặc biệt trong quá trình thu thập chứng cứ, nhân chứng, cơ quan điều tra đã mắc phải nhiều thiếu sót nghiêm trọng. "Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ "cuộc chơi" giữa chừng. Mai còn được sống đến hôm nay để kêu oan là nhờ sự góp sức của những quan chức cấp cao có tâm và cả sự vào cuộc nhiệt tình của các cơ quan báo chí. Tôi sẽ theo đuổi đến cùng để tìm công lý, dù vụ án có kéo dài bao lâu đi chăng nữa"- LS Thanh khẳng định.

Luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư TP. Hà Nội): Không phải “cứ khởi tố là có tội”

Sở dĩ có sự "vênh" nhau của các cơ quan tiến hành tố tụng trong các kỳ án, trước tiên phải nói đến sự thiếu trách nhiệm của những người được phân công thụ lý vụ án. Khi tiến hành thu thập và đánh giá chứng cứ, họ đã không làm đúng trình tự, không xem xét một cách khách quan, khoa học.

Trong quá trình điều tra, sự nhận định chủ quan cũng là nguyên nhân dẫn đến sai sót. Có những vụ án có dấu hiệu sai sót từ giai đoạn điều tra, nhưng Viện Kiểm sát vẫn phê chuẩn và truy tố. Ở giai đoạn tiếp theo, khi ra tòa lại bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, hoặc nếu tòa "cả nể" xử gượng cho xong nhưng khi bị cáo, hay bị hại kháng án lên cấp cao hơn thì những sai sót cũng bị tòa cấp trên chỉ ra. Trong luật quy định quá trình các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải độc lập, tôn trọng quyền của bị can, bị cáo. Nếu đủ chứng cứ thì mới buộc tội, chứ không theo quan niệm "cứ khởi tố là có tội, không tội này thì áp tội khác".

Luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP. Hà Nội): Sai sót phải được phát hiện từ giai đoạn điều tra

Quá trình tố tụng của một vụ án hình sự có 4 giai đoạn, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Thông thường những sai sót, thiếu sót đều nằm ở giai đoạn điều tra. Trong giai đoạn này nếu cơ quan công an làm tốt, Viện Kiểm sát giám sát chặt chẽ theo đúng chức năng và trách nhiệm của mình tôi nghĩ việc sai sót sẽ ít xảy ra và nó tạo thuận lợi cho quá trình xét xử.

Những vụ án trở thành kỳ án là do cơ quan điều tra chưa làm sáng tỏ, Viện Kiểm sát vẫn truy tố, tòa án vẫn xử, hoặc nếu phát hiện sự thiếu sót thì tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Tuy nhiên, có nhiều vụ trả hồ sơ đi trả lại vẫn không bổ sung được gì, nếu cứ xét xử lại rơi vào bế tắc. Ở đây, nếu có sai sót phải được phát hiện từ giai đoạn điều tra, nếu không chứng minh được tội phạm thì vận dụng xử lý theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo. Đó chính là tinh thần của pháp luật Việt Nam.

  • Tin nổi bật
  • Tin đọc nhiều nhất