Thể thao VietNamNet
Cập nhật 17/02/2013 18:31:56 (GMT+7)
.
Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ: "Nhiều nơi mời tôi làm CEO"
(07:57 | 17/02/2013)
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ tiết lộ: “Nhiều đơn vị mời tôi về làm giám đốc điều hành sau khi rời cương vị chủ tịch VFF vào tháng 6 tới”.
Các tin liên quan |
ĐT Việt Nam sẽ có thay đổi nhân sự Thua UAE, ĐTVN vẫn số 1 Đông Nam Á Khởi động giấc mơ vàng SEA Games |
Ở Đại hội nhiệm kỳ VII của VFF diễn ra vào tháng 6-2013, ông Nguyễn Trọng Hỷ sẽ thôi giữ vị trí chủ tịch sau 2 nhiệm kỳ lãnh đạo tổ chức này. Đầu Xuân Quý Tỵ 2013, có dịp trò chuyện với người đứng đầu VFF, chúng tôi được biết ông đang có dự định “chuyển ngành” để giữ cương vị giám đốc điều hành hoặc giám đốc đối ngoại của một doanh nghiệp. Tuy vậy, ông vẫn phân vân: “Nhiều chỗ mời nhưng thật lòng tôi vẫn thích được tiếp tục cống hiến cho bóng đá nước nhà”.
Từ chuyện tiền...
Không chỉ chia sẻ về dự định sau khi rời VFF, ông Hỷ còn mở lòng với phóng viên Báo Người Lao Động về rất nhiều vấn đề của tổ chức này và bóng đá Việt Nam. Đầu tiên là chuyện sau một năm bóng đá nước nhà 2012 thất bại, VFF liền gặp khó trong vấn đề tài chính. Ông Hỷ tâm sự: “Chưa năm nào chúng tôi khó khăn như năm vừa rồi, mãi đến sát Tết mới huy động được nguồn để chia thưởng cho anh em”.
Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ vẫn còn nhiệt huyết với bóng đá |
Tiếp tục nhắc đến chuyện tiền, ông Hỷ khẳng định lãnh đạo VFF sẵn sàng giảm lương, cắt giảm chi phí và thưởng nhưng số tiền đầu tư cho bóng đá, cho các đội tuyển và đặc biệt là đào tạo trẻ thì luôn phải tăng. Theo chủ tịch VFF, năm 2012 có nhiều khó khăn nhưng năm 2013 sẽ mở đầu bằng nhiều dấu hiệu tích cực. Đầu tiên là việc Tổng cục TDTT quyết định hỗ trợ VFF 8 tỉ đồng để đầu tư cho các đội tuyển trẻ. Đây sẽ là khoản kinh phí thường niên và sẽ được giải ngân ngay từ đầu năm.
Theo ông Hỷ, thời điểm này, bóng đá Việt Nam khó kêu gọi tài trợ hơn, số lượng nhà tài trợ ít đi nhưng “chất lượng” có tăng lên. Chẳng hạn, Eximbank quyết định tài trợ toàn bộ các giải chuyên nghiệp với tổng kinh phí gần 50 tỉ đồng, Honda Việt Nam với gói tài trợ các đội tuyển quốc gia cũng giúp VFF giữ được sự ổn định tài chính cho đội tuyển. “Năm vừa rồi, có nhiều thời điểm tôi và Ban Vận động - Tiếp thị tài trợ của VFF phải đi “xin” tiền nhưng cũng còn may là “xin” được để bóng đá Việt Nam có kinh phí duy trì rất nhiều hoạt động” - ông Hỷ kể.
... đến chuyện “ghế”
Chia tay vị trí chủ tịch VFF sau 2 nhiệm kỳ, ông Nguyễn Trọng Hỷ nói về dự định tương lai: “Tôi thấy mình vẫn còn đủ sức khỏe và nhiệt huyết để làm việc. Có lẽ vì thế, một số doanh nghiệp ngỏ ý mời tôi về điều hành công ty cho họ. Có đơn vị còn làm cả công văn tới VFF đề nghị. Cũng chưa biết chừng khi chia tay vị trí chủ tịch VFF, tôi sẽ đi làm CEO cho một công ty”. Việc Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ Việt Nam đang được tổ chức với quy mô lớn hơn, khả năng ông về làm giám đốc trung tâm này cũng rất lớn, nếu có nguyện vọng tiếp tục gắn bó với bóng đá.
Về bộ máy VFF nhiệm kỳ mới, ông Hỷ cho rằng: “Sự thay đổi lớn nhất có lẽ chỉ diễn ra ở vị trí chủ tịch và tổng thư ký thôi, còn thường trực và bộ máy điều hành sẽ được bổ sung nhưng nòng cốt vẫn là những người hiện hữu”. Người đứng đầu VFF cho rằng trong nhiệm kỳ VII, VFF sẽ có một bộ máy lãnh đạo cũng như bộ máy điều hành trẻ hơn, nhiệt huyết và có tầm nhìn mới.
Chưa từng hối tiếc khi về VFF
Đầu năm 2006, khi đang là phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT, ông Nguyễn Trọng Hỷ được chỉ định, giới thiệu ứng cử và trở thành chủ tịch VFF. Sau khi Ủy ban TDTT được sáp nhập về Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ông Hỷ giữ hàm thứ trưởng vài tháng trước khi chính thức nghỉ hưu ở bộ và chuyển hẳn về VFF.
Ông Hỷ nói: “Tôi chưa bao giờ hối hận vì quyết định chuyển từ lãnh đạo ngành thể thao sang làm chủ tịch VFF. Dù còn nhiều việc chưa làm được nhưng tôi cảm thấy mình lúc nào cũng dồn toàn bộ trí tuệ và tâm sức cho VFF trong những năm làm chủ tịch”.
Phạm Ngọc (Người lao động)
.