Thứ bảy, 23/2/2013, 15:45 GMT+7 Nhiều công an 'dính chàm' sau vụ Dương Chí Dũng bỏ trốn
Ba tháng rời ghế Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) lên làm Cục trưởng Hàng hải, ông Dương Chí Dũng bị nhà chức trách phát hiện có nhiều sai phạm trong quản lý kinh tế khi điều hành Vinalines.
Tháng 5/2012, cơ quan điều tra khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam ông Dũng về tội Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, các quyết định tố tụng đã không thể tống đạt do thời điểm này ông Dũng đột nhiên "biến mất". Lệnh truy nã đặc biệt và lệnh truy nã quốc tế nghi can này được Bộ Công an phát đi.
|
Dương Chí Dũng trước khi bị bắt. Ảnh: Nhật Minh. |
Gần một tháng truy tìm cựu Cục trưởng Hàng hải không có kết quả, trả lời chất vấn tại Quốc hội vào trung tuần tháng 6/2012, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết đã yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ tại sao ông Dũng bỏ trốn, có lộ thông tin điều tra hay không? Thời điểm đó, trước báo giới, trung tướng Phan Văn Vĩnh (Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm) khẳng định: "Chưa có tài liệu phản ánh việc lộ thông tin hay việc ông Dũng mất nhiều tiền để được "phím" trước".
Đầu tháng 9/2012, Bộ Công an thông báo đã bắt được nghi can Dương Chí Dũng. Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, trả lời về vụ bắt Dương Chí Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết trong quá trình triển khai chuyên án, Bộ Công an làm chưa chặt nên để ông Dũng kịp bỏ trốn.
Theo tinh thần chỉ đạo "không có vùng đất cấm", "cá nhân nào vi phạm đều sẽ bị xử lý", cơ quan điều tra đã lần ra những người liên quan việc bỏ trốn của ông Dũng.
Đồng Xuân Phong (cựu cán bộ hải quan Hải Phòng), nghi can trốn truy nã trong vụ án buôn lậu từ nhiều năm trước, được coi là đầu mối quan trọng của quá trình điều tra. Nhà chức trách phát hiện Phong đã được ông Vũ Văn Sáu khi còn là Trưởng công an xã An Thọ, huyện An Lão, Hải Phòng viết đơn đề nghị cấp chứng minh nhân dân mang tên giả Hoàng Văn Linh, sinh ngày 16/7/1975, để làm thủ tục cấp hộ chiếu. Phong được cho là đã sử dụng hộ chiếu mang tên giả này để nhiều lần xuất nhập cảnh vào Việt Nam và tổ chức cho nguyên Cục trưởng Hàng hải bỏ trốn.
Một tháng sau, ông Phạm Đình Nghiêng (43 tuổi nguyên phó trưởng công an xã An Thọ) cũng bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi Giả mạo trong công tác. Như sếp của mình, ông Nghiêng được cho là đã gián tiếp giúp Dương Chí Dũng trốn truy nã trong nhiều tháng.
Trong tháng 12/2012 và tháng 1/2013, liên tiếp 3 cán bộ của Công an Hải Phòng bị phát hiện liên quan vụ việc. Với cáo buộc đã tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, họ bị tước quân tịch, bắt tạm giam. Hai người trong số này thuộc quân số của Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, nơi em trai Dương Chí Dũng là đại tá Dương Tự Trọng từng có thời gian dài làm lãnh đạo. Họ là nguyên thượng tá Vũ Tiến Sơn (47 tuổi, Phó phòng) và nguyên thiếu úy Nguyễn Trọng Ánh (28 tuổi).
Tuy nhiên, con số 5 công an "dính chàm" trong vụ Dương Chí Dũng chưa dừng ở đó. 5 ngày sau đợt nghỉ Tết nguyên đán Quý Tỵ, hôm 22/2, Bộ Công an thông báo thêm một cán bộ trong ngành bị bắt vì liên quan vụ án "tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài". Nhiều người bất ngờ khi vị công an thứ 6 trong vụ án lại là đại tá Dương Tự Trọng (52 tuổi) - em ruột ông Dương Chí Dũng. Thời gian này, ông Trọng không còn làm Phó giám đốc Công an Hải Phòng, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hải Phòng mà chuyển về Bộ làm Cục phó Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.
Hiện nhà chức trách chưa công bố cụ thể sai phạm của ông Trọng, nhưng với việc nhiều cán bộ dưới quyền của ông bị điều tra do giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn, nhiều người nghi ngờ vị đại tá hình sự nổi tiếng đất Cảng có thể là mắt xích không thể thiếu trong hành trình trốn truy nã quốc tế của anh trai mình.
Điều 275: Tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép
1. Người nào tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điều 91 của Bộ luật hình sự thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
2. Phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. |
Bích Ngọc