|
Tàu ngầm Hà Nội lớp Kilo do Nga chế tạo |
Tờ “China News” Trung Quốc vừa có bài viết mang tên “Tàu ngầm tiên tiến Việt Nam sẽ bàn giao, tàu ngầm cùng loại của Trung Quốc tham gia diễn tập săn ngầm”. Sau đây là nội dung của bài viết.
Bài viết tiết lộ, trong thời gian Tết Nguyên Đán vừa qua, Hải quân Trung Quốc vẫn không nghỉ ngơi, vẫn tiến hành “huấn luyện” cường độ lớn. Trong đó, Hạm đội Nam Hải đã tiến hành “cuộc diễn tập săn ngầm, quét mìn” sát với chiến đấu thực tế, hơn nữa báo chí đã công khai chi tiết về cuộc diễn tập này – đây là một điều ít thấy.
Đồng thời, báo chí nước này cũng dẫn lời truyền thông Nga cho biết, chiếc tàu ngầm lớp Kilo kiểu mới nhất thứ hai mà Nga chế tạo cho Việt Nam đang tiến hành chạy thử trên biển, trong năm sẽ bàn giao cho Hải quân Việt Nam. Hai thông tin này hầu như xuất hiện cùng lúc báo hiệu điều gì? - báo TQ đặt câu hỏi.
Theo bài viết, hợp đồng mua tàu ngầm Nga của Việt Nam được ký kết từ cuối năm 2009, được chính thức tuyên bố vào năm 2011, chiếc tàu ngầm đầu tiên được hạ thủy vào tháng 9/2012, và đến nay lại chuẩn bị chính thức bàn giao, sự kiện Việt Nam mua tàu ngầm lớp Kilo của Nga đã kéo dài mấy năm. Trong mấy năm qua, dư luận đã bàn luận nhiều về mục đích và tác động ảnh hưởng mua tàu ngầm của Việt Nam.
|
Tàu ngầm động cơ thông thường lớp Kilo hiện có của Hải quân Nga |
Bài viết nhận định, ở biển Đông, Việt Nam có mâu thuẫn sâu sắc nhất với Trung Quốc, thậm chí bài trắng trợn vu cáo Việt Nam cái gọi là “xâm chiếm nhiều đảo đá nhất của Trung Quốc” (trên thực tế là chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam) và do đó đạt được lợi ích kinh tế lớn nhất.
Bài báo tuyên truyền rằng Việt Nam đã hợp tác với các tập đoàn nước ngoài, giá trị sản lượng tài nguyên dầu khí mà Việt Nam khai thác được đã chiếm 30% GDP của Việt Nam, đưa Việt Nam từ nước nhập khẩu dầu mỏ trở thành một nước xuất khẩu dầu mỏ.
Theo bài viết thì do giành được lợi ích kinh tế to lớn như vậy, nên Việt Nam đã “không hợp tác với đề nghị ‘gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác’ của Trung Quốc”. Trên thực tế, những nơi Việt Nam khai thác là thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam. Trung Quốc đề nghị “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”, nhưng Trung Quốc luôn đòi hỏi tiền đề là “chủ quyền thuộc về Trung Quốc” (bất hợp pháp) thì không có nước nào chấp nhận.
Theo bài viết, những năm gần đây, Việt Nam tăng cường xây dựng quân đội, đặc biệt là xây dựng hải quân, thông qua sức mạnh quân sự để bảo vệ lợi ích của mình (báo Trung Quốc trắng trợn gọi là ‘lợi ích giành được bất hợp pháp’, vì họ tham lam muốn hiện thực hóa ‘đường lưỡi bò’).
|
Tàu ngầm lớp Kilo Type 636 |
Báo Trung Quốc đánh giá, sức mạnh tổng hợp của Hải quân Việt Nam “kém xa” Trung Quốc, và cho rằng, Việt Nam lấy lượng nhỏ tàu ngầm tiên tiến này làm lá chắn để “kiềm chế” Trung Quốc, coi đây là “quan điểm chủ yếu” của Hải quân Việt Nam.
Bài viết cho rằng, tàu ngầm động cơ thông thường lớp Kilo do Nga chế tạo là một trong những tàu ngầm chạy êm nhất thế giới, tuy ra đời đã hơn 30 năm, nhưng phiên bản cải tiến mới nhất của nó – Type 636M vẫn rất tiên tiến, phù hợp với yêu cầu của Việt Nam. Việt Nam mua tổng cộng 6 tàu ngầm lớp Kilo và Nga có kế hoạch bàn giao toàn bộ trước năm 2016.
Báo Trung Quốc không dẫn nguồn tin, xuyên tạc trắng trợn cho rằng, năm 2011, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, đại diện Quân đội Việt Nam nói là Việt Nam mua tàu ngầm lớp Kilo để “nhằm vào Hải quân Trung Quốc”.
Cũng báo chí Trung Quốc tuyên truyền sai lệch nói rằng truyền thông Nhật Bản đưa tin, Việt Nam có thể sử dụng tàu ngầm lớp Kilo để phục kích Hải quân Trung Quốc, thực hiện có hiệu quả chiến lược “chống can dự”.
“Chạy đua tàu ngầm ở biển Đông”
Theo bài viết, Việt Nam mua tàu ngầm tiên tiến, tăng cường khả năng của hải quân không chỉ ảnh hưởng tới Trung Quốc, mà còn tác động tới “tất cả các nước khác ở biển Đông”.
Bài viết rất có “ý đồ” khi tìm cách nhấn mạnh đến những “mâu thuẫn” còn tồn tại trong tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam với các nước ASEAN còn lại, và với Đài Loan; đồng thời cho rằng, việc Việt Nam sắm tàu ngầm tiên tiến đã “phá vỡ thế cân bằng sức mạnh” ở toàn bộ biển Đông, “đe dọa” các nước khác, đồng thời bài viết yêu cầu các nước khác phải phản ứng (có lẽ bài viết tìm cách “chia để trị”, hòng có lợi cho Trung Quốc).
|
Tàu ngầm AIP lớp Archer do Thụy Điển chế tạo |
Bài viết cho rằng, trong cùng thời gian Việt Nam mua tàu ngầm lớp Kilo của Nga, các nước Đông Nam Á khác cũng tới tấp mua sắm tàu ngầm tiên tiến, một “cuộc chạy đua tàu ngầm” đang lặng lẽ diễn ra ở biển Đông.
Theo bài viết, trong các nước Đông Nam Á, trong năm 2009 và 2010, Hải quân Singapore trước sau đã mua 2 tàu ngầm AIP lớp Archer của Thụy Điển, trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên sở hữu tàu ngầm AIP. Hải quân Malaysia đã biên chế 2 tàu ngầm lớp Scorpene mua của Pháp, thậm chí còn tiến hành phóng thử tên lửa chống hạm ở biển Đông vào tháng 7/2012.
Năm 2012, Hải quân Indonesia đã chính thức mua 3 tàu ngầm của Hàn Quốc. Quân đội Thái Lan có khả năng mua tàu ngầm từ Trung Quốc hoặc Đức. Còn Quân đội Philippines vừa công khai cho biết muốn mua chiếc tàu ngầm đầu tiên. Nếu những tàu ngầm này cuối cùng đều được được triển khai thì biển Đông sẽ trở thành nơi diễn ra “cuộc chiến tàu ngầm” giữa bên (?).
Hăm doạ
Theo bài báo, dư luận cho rằng, việc Việt Nam sở hữu tàu ngầm tiên tiến sẽ có khả năng ngăn chặn đối thủ. Nhưng, bài báo lại nhấn mạnh, Trung Quốc tiến hành diễn tập săn ngầm, quét mìn ngay trong Tết Nguyên Đán cho thấy là họ “đã có đối sách”.
|
Tàu ngầm lớp Kilo Type 636M của Hải quân Trung Quốc, mua của Nga |
Theo bài báo, Trung Quốc là nước có kinh nghiệm phong phú nhất trong việc sử dụng tàu ngầm lớp Kilo Type 636M. Năm 1998, Trung Quốc đã trang bị 2 tàu ngầm lớp Kilo loại này do Nga chế tạo, sau đó lần lượt mua 10 chiếc. Trải qua hơn 10 năm sử dụng, nên theo bài báo, Trung Quốc “hiểu rất rõ” tàu ngầm lớp Kilo mà Việt Nam mua của Nga.
Theo bài báo, trong cuộc diễn tập săn ngầm vừa qua ở biển Đông, Trung Quốc đã sử dụng tàu ngầm lớp Kilo, bắt đầu diễn tập chiến thuật săn ngầm mang tính đối đầu ngay từ khi Việt Nam còn chưa trang bị loại tàu này. Bài báo hăm dọa cho rằng, đây là hành động chuẩn bị sớm, sẵn sàng của phía Trung Quốc.
Báo Trung Quốc còn răn đe, trong những năm qua, nước này đã có sách lược đấu tranh quân sự mới, đã đẩy mạnh “minh bạch hóa” quân sự, thậm chí liên tục công khai các loại vũ khí trang bị mới, các cuộc diễn tập và huấn luyện. Đó là sự “tự tin” dựa trên sức mạnh quân sự của họ được tăng cường liên tục. Theo bài báo thì Trung Quốc “bộc lộ một cách thích hợp sức mạnh” của quân đội nước họ để tạo sự “đe dọa”, đạt mục đích “không đánh mà có thể khuất phục nước khác”.
Như vậy, rõ ràng, bài viết đã nhận thức sai lầm về đường lối quốc phòng tự vệ, tôn trọng và yên mến hoà bình của Việt Nam, đồng thời tiếp tục sử dụng “hỏa lực mồm” như nhiều người đã nói để hăm dọa nước khác.
Điều này chẳng có tác dụng gì đối với một dân tộc có lòng tự trọng, tự tôn và luôn giàu lòng yêu nước, luôn biết giữ vững chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc như Việt Nam.
>> Follow us on Facebook
|
Trung Quốc tìm cách có được khả năng săn ngầm, trong đó có một loại máy bay trực thăng săn ngầm đáng chú ý là Z-9EC. |