"Tôi yêu Việt Nam bằng cả trái tim mình"
(ĐVO)-Mùa đông năm 1972, khi giặc Mỹ điên cuồng mang bom B52 rải thảm Hà Nội thì cũng là lúc gần 100 “cô tú, cậu tú” yêu văn chương từ đất lửa Quảng Trị trở ra đã tìm về thôn Sát Thượng, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, Hà Bắc (nay là Bắc Ninh) để nhập học.
Họ là những tân sinh viên của K17, khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn). Điều đáng nói là trong số gần 100 tân sinh viên này có 6 sinh viên nước ngoài, trong đó có Valeriu Arteni, chàng trai chưa đầy 20 tuổi đến từ đất nước Rumani với khuôn mặt thông minh, nhân hậu.
Nhân Kỷ niệm 40 năm vào đại học và kỷ niệm 63 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Rumani, K17 đã có cuộc tụ họp và gặp lại người bạn “Tây” thân thiết năm ấy, hiện là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Rumani tại Việt Nam. Sau đây là những trải lòng của ông về đất nước và con người Việt Nam.
Tôi sang Việt Nam học đúng vào những ngày Hà Nội bị bom B52 của Mỹ tàn phá (năm 1972). Tôi nhớ rất rõ Hà Nội lúc đó rất vắng vì người già, trẻ em đi sơ tán hết, nhưng những người ở lại bảo vệ Thủ đô với khí phách rất hiên ngang, bình thản.
Ngồi trong đại sứ quán Rumani, tôi nghe rõ tiếng bom nổ, tiếng máy bay trên trời, tiếng pháo cao xạ chống trả của bộ đội, dân quân và cả tiếng reo hò khi máy bay Mỹ bị bắn rơi...
Các bạn sẽ rất ngạc nhiên, vì sao một thanh niên châu Âu lại đến Việt Nam, một đất nước đang bị chiến tranh ác liệt với nhiều mất mát, đau thương?
Trước hết đó là do cảm tình của tôi, cũng như của nhiều bạn trẻ Rumani lúc bấy giờ đối với phong trào giải phóng dân tộc, bảo vệ nhân quyền, đồng cảm với lý tưởng của Hồ Chí Minh, Martin Luther King, Nelson Mandela và nhiều người khác đấu tranh cho tự do và công lý.
Các bạn K17 tặng Veleriu Artoni cuốn kỷ yếu “Một thời và mãi mãi” |
Đất nước tôi cũng bị chia cắt sau Đại chiến thế giới lần thứ hai, với một miền của đất nước chịu sự chiếm đóng của nước ngoài. Lý do thứ hai khiến tôi đến Việt Nam, đó là sự cuốn hút đặc biệt của ngôn ngữ và văn hóa Việt qua những cuốn sách của nhà văn Rumani nổi tiếng, đồng thời là nhà Phương Đông học lỗi lạc, Mircea Elidae, người Rumani đầu tiên học tiếng Việt.
Càng học, tôi càng say mê vẻ đẹp, sự phong phú của ngôn ngữ và nó đã giúp tôi hiểu về nền văn hóa của đất nước có bề dày lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Tôi đã vượt bom đạn như vậy tìm về một làng quê êm đềm bên dòng sông Cầu ở Hà Bắc để học cùng các bạn K17. Chúng tôi học tại một ngôi chùa, ngày ngày được các thầy Nguyễn Văn Tu, Hoàng Trọng Phiến, Chu Xuân Diên…dạy về tu từ học, ngữ pháp tiếng Việt và văn học dân gian.
Những lúc rảnh rỗi, chúng tôi ra đồng trồng rau, nhổ cỏ với bà con nông dân và nghe tiếng mõ, tiếng cầu kinh yên bình nhưng vẫn phấp phỏng theo dõi Hội nghị Paris qua chiếc radio nhỏ.
Tình bạn, tình thầy trò nồng ấm đã giúp tôi rất nhiều trong học tập và họ gọi tôi bằng cái tên thân thương “Hùng” vì theo tiếng la tinh cổ Valeriu là hùng dũng, hùng mạnh. Đó là những tháng ngày đáng nhớ nhất của tôi ở Việt Nam.
Khi bom Mỹ dứt, chúng tôi về Hà Nội trong niềm vui vỡ òa. Hiệp định Paris chỉ là bước ngoặt quyết định tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam. Tôi nhìn thấy trong mắt những người bạn Việt Nam như có một chân trời mới, từ lý tưởng bảo vệ Tổ quốc, họ đã ánh lên những khát vọng dựng xây.
Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi được ăn ở rất chu đáo. So với sinh viên của nhiều trường đại học ngày ấy và cả bây giờ, sinh viên Khoa Ngữ văn được đào tạo chuyên sâu và toàn diện.
Đây là cơ sở đầu ngành đại học của cả nước giảng dạy, nghiên cứu về văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, hán nôm, ngôn ngữ, lý luận văn học với một hệ thống giáo trình, sách chuyên đề, chuyên luận có quy mô, chất lượng, uy tín khoa học trong nước cũng như quốc tế.
Đặc biệt chúng tôi được một đội ngũ nhà khoa học, thầy cô tâm huyết, yêu nghề và có tên tuổi giảng dạy và truyền đạt kiến thức. Tên tuổi của họ ngày nay đã vượt ra khỏi biên giới học thuật quốc gia, trở thành tinh hoa trí thức của thời đại như Đặng Thai Mai, Nguyễn Tài Cẩn, Đinh Gia Khánh, Bùi Ngọc Trác, Hoàng Như Mai, Đỗ Đức Hiểu, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ…
Chính vì vậy mà sau 5 năm học tập, sinh viên Khoa Ngữ văn không chỉ được trang bị kiến thức chuyên sâu và toàn diện với luận văn khá giỏi mà sau khi ra trường còn phát huy rất tốt, đóng góp hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.
Sau 5 năm học tập ở Việt Nam về, tôi làm việc trong ngành ngoại giao và làm đại sứ ở nhiều nước châu Á, nhưng Việt Nam vẫn là đất nước mà tôi gắn bó nhiều nhất.
Trải qua nhiều nhiệm kỳ ngoại giao khác nhau, tôi đã có 16 năm ở Việt Nam. Tôi thấy mình thật may mắn được chứng kiến một quá trình dài từ một Việt Nam anh hùng trong chiến tranh, đến một Việt Nam cần cù vươn lên trong xây dựng.
Hạnh phúc hơn nữa là sau 13 năm kể từ nhiệm kỳ trước là Đại sứ tại Việt Nam, năm ngoái tôi quay trở lại quê hương thứ hai của mình, bắt đầu một nhiệm kỳ mới.
Tôi vui mừng khi thấy một Việt Nam hiện đại hơn, hội nhập khu vực và thế giới mạnh mẽ, cuộc sống của nhân dân được cải thiện rất nhiều. Xã hội có nhiều đổi thay đáng kể nhưng tôi cũng thật sự xúc động khi thấy tình cảm của bạn bè, của người dân Việt Nam đối với Rumani và cá nhân tôi vẫn luôn nồng ấm, thân thiết như xưa.
Các bạn K17 học cùng tôi năm ấy đã tặng tôi cuốn kỷ yếu “Một thời và mãi mãi” trong đó có nhắc đến những kỷ niệm thời chúng tôi đi sơ tán. Tôi yêu Việt Nam bằng cả trái tim mình.
Sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, Rumani là nước thứ ba thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 3/2/1950. Rumani đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ chí tình, vô tư trong cuộc kháng chiến chính nghĩa bằng nhiều hình thức.
Đóng góp đáng chú ý nhất của Rumani là trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo với gần 4.000 cán bộ Việt Nam đã được đào tạo tại Rumani từ những năm 1950 cho đến nay.
Các ngành khác như vật liệu xây dựng, nông nghiệp, thủy lợi, đường sắt, thăm dò dầu khí, khai thác mỏ, vận tải, ...cũng ghi nhận đóng góp nổi bật của Rumani. Trong chính sách đối ngoại của Rumani, Việt Nam luôn giữ một vị trí quan trọng, tin cậy.
Trần Thị Sánh ghi