Thứ sáu, 1/3/2013, 16:13 GMT+7 Thụy Điển và Việt Nam chống tội phạm xuyên quốc gia
Bộ trưởng Tư pháp Thụy Điển vừa ký hiệp định về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia với Việt Nam và ra mắt trang Facebook riêng của đại sứ quán nước này, trong chuyến thăm lần đầu tiên tới Hà Nội.
|
Bà Beatrice Ask, Bộ trưởng Tư pháp Thụy Điển (trái) và thư ký riêng, trao đổi với phóng viên VnExpress. Ảnh: Trọng Giáp |
Bà Beatrice Ask và Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang hôm 27/2 ký kết hiệp định về hợp tác thực thi pháp luật trong phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, hoạt động chính trong chuyến thăm hai ngày của bà tới Việt Nam.
Hiệp định giúp lực lượng cảnh sát và hải quan hai nước có thể trao đổi thông tin trong những lĩnh vực như phòng chống buôn lậu ma tuý, buôn bán người, rửa tiền, tham nhũng và các loại hình tội phạm xuyên quốc gia khác ảnh hưởng đến Thuỵ Điển và Việt Nam.
Bà Beatrice Ask cho rằng hiệp định sẽ giúp cảnh sát hai nước làm việc trực tiếp hoặc nếu có vấn đề quốc gia cần đưa lên cấp độ cao, phía bên kia sẽ được tiếp cận thông tin nhanh chóng. "Càng sớm giải quyết một vấn đề, ví dụ như điều tra tội phạm, càng nhiều khả năng có một kết quả tốt", bà nói.
Việt Nam là nước đầu tiên ký hiệp định này với Thụy Điển và Thái Lan sẽ là nước thứ hai, dự kiến ký hiệp định tương tự vào tuần sau.
Thụy Điển nhiều năm liền được Tổ chức Minh bạch Quốc tế đánh giá một trong những nước có tỉ lệ tham nhũng thấp nhất thế giới. Stockholm cũng coi việc giúp chống tham nhũng ở Việt Nam là một ưu tiên. "Chúng ta không nên lo sợ về việc công khai. Tốt nhất là đặt mọi thứ lên bàn và thảo luận thay vì cố gắng giấu nó", Bộ trưởng Beatrice Ask nói về vai trò của sự minh bạch trong việc chống tham nhũng.
"Đồng xu là một ví dụ hay tôi học được từ bài học đa số/thiểu số của con tôi. Khi nói về quyền lực, chúng ta thường nói về một mặt của đồng xu, nhưng luôn có mặt trái của nó. Và sẽ rất tốt nếu có một thể chế hay chức năng tập trung vào riêng mặt trái này", bà cho biết.
Bà Beatrice cũng cho rằng khi đưa ra quyết định với tư cách là một công dân, sẽ tốt hơn khi có người đồng tình và phản đối. "Việc cho rằng mọi công dân đều nên có chung quan điểm là hoàn toàn không thể", bà nói và cho hay khi cởi mở để mọi người bày tỏ ý kiến, chính phủ Thụy Điển có sự tiến triển sáng tạo hơn và cuối cùng đưa ra được một quyết sách tốt hơn.
Trong nỗ lực tăng cường ngoại giao công chúng và đảm bảo sự công khai, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Carl Bildt, một "tín đồ" mạng xã hội, mới đây kêu gọi tất cả các Đại sứ quán và lãnh sự nước này lập trang Facebook và Twitter riêng trong tháng hai.
Bà Beatrice Ask hôm qua cũng chính thức ra mắt và "xông đất" cho trang Facebook của Đại sứ quán tại Việt Nam bằng dòng tin nhắn chào mừng đầu tiên. Trang mạng xã hội này được lập ra nhằm cập nhật các hoạt động của đại sứ quán, cũng như hy vọng giới thiệu văn hóa, giá trị và các khía cạnh trong đời sống Thụy Điển.
Đây là lần đầu tiên bà Ask đến Việt Nam, và cũng là chuyến thăm cấp bộ trưởng Thụy Điển tới Việt Nam thứ hai trong vòng 6 tháng qua.
|
Bà Ask trò chuyện với Ngoại trưởng Carl Bildt qua Skype (trên màn hình Ipad) tại đại sứ quán Thụy Điển ở Hà Nội, trước khi chính thức ra mắt trang Facebook đại sứ quán. Ảnh: Trọng Giáp |
Trọng Giáp