'Bóc tem' dịch vụ 3G ở Triều Tiên
"Trung tâm viễn thông Bình Nhưỡng gửi lời chào đến toàn thế giới", tôi nhấn nút "gửi" và lời chào đó đã trở thành dòng tweet đầu tiên được cập nhật qua điện thoại từ Triều Tiên, quốc gia bí ẩn nhất thế giới.
> Triều Tiên sắp cho phép dùng Internet di động
Bài viết được thực hiện bởi phóng viên Jean H. Lee, trưởng đại diện của hãng thông tấn AP tại Hàn Quốc và Triều Tiên. Anh đã thực hiện hơn 20 chuyến công tác tới Triều Tiên từ năm 2008. |
Sau đó, tôi cùng David Guttenfelder, phóng viên ảnh, đồng thời là chủ mục ảnh châu Á của hãng tin AP, dạo bước quanh thủ đô Bình Nhưỡng và ghi lại những hình ảnh đặc biệt của quốc gia có một không hai này. Trong khi tôi mải mê chụp lại tấm biểu ngữ in hình vụ thử hạt nhân gây tranh cãi hôm 12/2, thì anh bạn đồng nghiệp Guttenfelder đã nhanh tay đăng ảnh một ngôi chùa trong mưa tuyết lên Instagram, một ứng dụng chia sẻ ảnh trên điện thoại di động.
Trong thời đại công nghệ thông tin, những hành động đơn giản này quả thực lại là một cải cách đối với Triều Tiên, một quốc gia vốn nổi tiếng với các nguyên tắc cứng nhắc về việc quản lý dòng thông tin và hình ảnh ở cả trong và ngoài biên giới đất nước.
Một nữ y tá ở tâm chăm sóc sức khỏe ở Bình Nhưỡng hôm 21/2. Ảnh: AP |
Từ trước tới nay, du khách nước ngoài vẫn luôn phải tuân theo những luật lệ hà khắc khi đến với Triều Tiên. Trên chuyến xe buýt dọc Khu vực Phi quân sự tại thành phố giáp biên Kaesong hồi năm 2008, các hướng dẫn viên yêu cầu chúng tôi phải tuyệt đối tuân thủ những nguyên tắc: không điện thoại, không ống kính chuyên dụng, không chụp ảnh khi chưa được cho phép. Thậm chí, các tấm rèm cửa cũng bị kéo xuống, đề phòng trường hợp chúng tôi cố gắng chụp ảnh.
Qua những khe hở, tôi có thể nhìn thấy các binh sĩ đang làm nhiệm vụ, với những lá cờ đỏ trên tay. Hướng dẫn viên cảnh báo, xe buýt có thể bị dừng lại bất cứ lúc nào nếu một trong các binh sĩ nhận ra có người đang hướng máy ảnh về phía họ, bằng cách phất những lá cờ đó.
Ngày chúng tôi rời khỏi Triều Tiên, các nhân viên hải quan không bao giờ quên nhiệm vụ kiểm tra từng chiếc máy ảnh, để đảm bảo rằng không có bất cứ hình ảnh nào chưa qua kiểm duyệt được đem lên máy bay và ra khỏi biên giới đất nước.
Trong chuyến công tác hồi năm 2009, tôi từng cố gắng đem theo chiếc iPhone qua cửa hải quan, nhưng vô ích. Các nhân viên, bằng đôi mắt đại bàng, đã nhanh chóng nhận ra nơi tôi giấu chiếc điện thoại, tịch thu nó và đặt vào một chiếc túi nhỏ màu đen. Không điện thoại, không sổ liên lạc, không âm nhạc, tôi có cảm giác như mình vừa bỏ lại thế giới hiện đại ở sân bay Sunan và quay về thời tiền sử.
Sau nhiều phương án thất bại, cuối cùng tôi và Guttenfelder cũng tìm ra giải pháp, đó là mua một chiếc điện thoại mới của Triều Tiên và sử dụng sim của Koryolink, liên doanh dịch vụ di động của Triều Tiên - Ai Cập. Công ty này đã bắt đầu cung ứng mạng 3G từ năm 2008, nhưng lại thiếu chức năng kết nối dữ liệu. Ngoài ra, chúng tôi cũng có thể mua iPod và truy cập Internet băng thông rộng tại khách sạn chỉ dành riêng cho người nước ngoài.
Hồi tháng một, chúng tôi được thông báo về một sự thay đổi lớn sắp diễn ra. "Lần tới các anh hãy đem theo điện thoại nhé", nữ nhân viên của Koryolink nhắc chúng tôi trước giờ máy bay cất cánh. Chỉ vài ngày sau, các nguyên tắc yêu cầu khách du lịch không được đem điện thoại di động vào Triều Tiên đã chính thức được gỡ bỏ.
Khi được hỏi về dịch vụ Internet di động, cô nhân viên của Koryolink lại tiếp tục đảm bảo: "Sẽ không lâu nữa đâu".
Và một tuần sau đó, quả không sai, đại diện của Koryolink gọi cho tôi và thông báo: dịch vụ internet 3G sắp được đưa vào hoạt động", không quên nói thêm rằng, "nó chỉ dành riêng cho người nước ngoài".
Vậy là trong chuyến công tác mới đây tới Triều Tiên hồi tháng hai, chúng tôi chỉ phải xuất trình hộ chiếu, điền vào đơn đăng ký, cho biết số điện thoại và lắp sim của Koryolink vào máy. Có điều, chi phí cho dịch vụ này không hề rẻ. Chiếc sim nhỏ bé đáng giá tới 70 USD, và trong khi một cuộc gọi tới Thụy Sĩ chỉ mất khoảng 50 cent/phút, thì chúng tôi lại phải chi tới 8 USD cho một phút gọi về Mỹ.
Sau khi trả 98 USD tiền lệ phí và gửi một tin nhắn để kích hoạt dịch vụ, tất cả chúng tôi cùng hồi hộp chờ đợi biểu tượng 3G xuất hiện trên màn hình điện thoại.
Vài giây sau, dòng tweet đầu tiên của tôi tại Triều Tiên chính thức xuất hiện trên Internet. Một lễ ăn mừng nho nhỏ được diễn ra tại văn phòng Koryolink sáng hôm ấy, với sự tham gia của những chuyên gia Ai Cập và các đối tác của họ tại Bình Nhưỡng.
Tôi nhận thấy sự bất ngờ của các đồng nghiệp Triều Tiên khi chúng tôi chỉ cho họ cách lướt web bằng điện thoại. Hóa ra, nhân dân ở cả hai miền nam, bắc Triều đều thích Internet.
Đáng tiếc là không phải mọi người dân ở Triều Tiên đều có điện thoại di động. Những người có điều kiện sử dụng món đồ này thì dùng nó để lên lịch làm việc với đồng nghiệp, nhắn tin cho bạn bè để tổ chức các cuộc hẹn hay gọi về nhà để hỏi thăm tình hình con cái. Họ cũng chụp ảnh và nghe nhạc mp3, cũng đọc sách và báo mạng trên điện thoại di động, giống như tất cả chúng ta.
Nhưng họ vẫn không thể dùng điện thoại di động truy cập "internet quốc tế", thứ còn rất xa lạ với phần lớn người dân Triều Tiên. Mỗi trường đại học lại có một hệ thống mạng nội bộ đầy phức tạp của riêng họ, với kiểm soát chặt chẽ của các quan chức. Sinh viên cho biết họ có thể trao đổi thư điện tử với nhau, nhưng lại không thể đưa chúng vượt biên giới quốc gia.
Một góc phố ở Bình Nhưỡng được nhiếp ảnh gia David Guttenfelder chụp lại bằng iPhone và đăng tải lên trang Instagram của anh hôm 25/2. Ảnh: AP |
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un coi việc phát triển khoa học và công nghệ như một chính sách lớn, còn chúng tôi bắt đầu nhìn thấy nhiều hơn những chiếc máy tính xách tay ở Triều Tiên. Dòng máy tính bảng Samjiyon, sản xuất tại Trung Quốc và dành riêng cho thị trường Triều Tiên, đã được bán sạch trong lần cuối tôi ghé qua một cửa hàng máy tính ở Bình Nhưỡng.
Cá nhân tôi vẫn thường xuyên chụp và đăng tải các bức ảnh về cuộc sống thường nhật tại Triều Tiên. Đó có thể là một thợ hớt tóc, vài anh cảnh sát giao thông hay các nữ nhân công trẻ tuổi. Có đôi lần tôi bị thu hút bởi những hình ảnh kỳ lạ, như một cây thông noel nhấp nháy vào giữa tháng hai hay một bánh mỳ que kiểu Pháp trong siêu thị.
Tôi cũng không quên ghi lại những hình ảnh mang hơi hướng chính trị, như con đường cao tốc vắng bóng xe cộ ở Bình Nhưỡng, trong khi người dân di chuyển bằng cách ngồi chật cứng trên những chiếc xe tải, các tấm bưu thiếp in hình cuộc chiến giữa binh sĩ Triều Tiên và người Mỹ, cùng những bức ảnh cổ động ca ngợi công lao của các nhà khoa học đã góp sức đưa vệ tinh vào không gian. Bất chấp những cố gắng trong việc xây dựng, phát triển các tiện ích và sản phẩm mới, đất nước này vẫn đang mắc kẹt trong những khó khăn về kinh tế. Đây là một xã hội bị chi phối bởi mạng lưới những nguyên tắc và luật lệ cứng nhắc.
Thông thường, những hình ảnh, video và các thông tin không được công bố trên truyền thông nước ngoài mới chính là những nhân tố tạo nên một đất nước Triều Tiên thực sự, khác xa với những gì chúng ta thường được thấy trên kênh truyền hình quốc gia KCNA.
Trưa thứ hai, trong khi thảo luận về cách ghi lại những hình ảnh của ngôi sao bóng rổ Dennis Rodman với Guttenfelder, chúng tôi đã làm một việc chưa từng có trong quá khứ: gõ tên của anh ấy lên google tại một nhà hàng ở Bình Nhưỡng.
24 giờ sau, một dòng tweet của chính Rodman xuất hiện, có nội dung liên quan tới đất nước nơi anh vừa đặt chân tới.
"Tôi đến trong hòa bình. Tôi yêu người dân Triều Tiên!", Rodman viết.
Quỳnh Hoa (theo AP)