Cập nhật lúc 15:53, 03/03/2013
Đánh thuế tiền tiết kiệm:Một kiến nghị vô đạo đức
(ĐVO) – “Trước đây các DN bất động sản lãi đậm từ chênh lệch giá các dự án, bây giờ thị trường trầm lắng, họ phải chấp nhận trả giá. Kiến nghị đánh thuế tiền gửi sẽ khiến thị trường NH xáo trộn, người dân đua nhau rút tiền, hệ thống sẽ bất ổn…”
Bất tri lý
“Kiến nghị này tác động trực tiếp đến người gửi tiết kiệm là vô lý. Vì nó là loại vốn quyết định sự tồn tại của hệ thống ngân hàng (NH) thương mại. Nếu đánh may ra chỉ đánh thuế lợi nhuận của tiền gửi tiết kiệm chứ không ai đánh thuế trực tiếp vào tiền gửi tiết kiệm cả. Nhưng trong điều kiện của Việt Nam thì ngay cả việc đánh vào lợi nhuận tiền gửi tiết kiệm cũng chưa nên. Nhà nước đã đánh thuế vào lợi nhuận của doanh nghiệp (DN) rồi thì hà tất gì đánh thuế vào lợi nhuận tiền gửi tiết kiệm vào lúc này.
Dân chúng có toàn quyền lựa chọn lĩnh vực mà họ đầu tư. Trong trường hợp không lựa chọn được họ gửi vào NH coi như NH lựa chọn đầu tư cho họ. NH cho vay như thế nào vào loại DN nào là việc của NH. NH là người phân bổ tài chính hiệu quả nhất. Nên chuyện đánh thuế tiền gửi tiết kiệm không nên làm và không thể làm.
Để không khuyến khích người gửi tiết kiệm có nhiều cách như hạ lãi suất tiền gửi xuống. Chứ đánh thuế tiền gửi tiết kiệm lại là hình thức tăng lãi suất tiền gửi, làm tăng chi phí vốn và từ đó làm tăng lãi suất cho vay. Cuối cùng DN chả làm được gì. Vì toàn bộ chi phí đánh thuế đó sẽ được cộng vào chi phí vốn của DN.” - TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy bán Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết.
Làm áp lực lên Chính phủ kiếm chác lợi ích
“Hiện nay bất động sản đang bờ vực phá sản nên họ phải tìm mọi cách để nói này nói kia. Tuy nhiên, việc thu thuế tiền gửi tiết kiệm là không thực tế. Vì trong thời buổi kinh tế khó khăn này, tăng thuế này thế kia chỉ làm cho nền kinh tế co cụm lại hơn là phát triển. Chính bởi vậy, đề xuất này chẳng qua là để làm áp lực lên Chính phủ kiếm chút lợi ích về mình.
Trên thế giới họ đánh thuế trên lợi tức. Nghĩa là anh thu nhập cao anh sẽ bị đánh thuế cao. Thu nhập ít hơn sẽ đánh thuế thấp hơn. Đã là thuế thì phải bằng nhau chứ không có chuyện anh này đóng anh kia không đóng. Người gửi tiền tiết kiệm 1 tỉ chẳng hạn được lãi 10 triệu, cộng toàn bộ thu nhập một tháng người đó sẽ phải chịu thuế chứ không phải gửi tiết kiệm sẽ bị đánh thuế. Tuy nhiên, mấy người giàu có tiền tỉ họ cũng không dễ dàng gửi tiền ở ngân hàng để mà chịu đánh thuế cả.” - TS Alan Phan, nguyên Chủ tịch Quỹ Đầu tư Viasa Fund tại Hong Kong:
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó chủ tịch Ủy bán giám sát tài chính Quốc gia, chuyện đánh thuế tiền gửi tiết kiệm không nên làm và không thể làm. |
Chưa hiểu về thuế thu nhập cá nhân!
"Nguyên tắc nếu tính thuế TNCN đối với người gửi tiền tiết kiệm là tính trên số lãi tiền gửi mà người gửi được hưởng chứ không phải trên số tiền gửi, chẳng hạn như với lãi suất tương ứng, số lãi hằng tháng nhận được 5 triệu đồng, 10 triệu đồng,…thì dựa vào đó mới tính được mức thuế. Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề xuất mức tiền gửi từ 500 triệu đồng trở lên phải chịu thuế là chưa có cơ sở, thiếu căn cứ và chưa hiểu gì về thuế TNCN. Hay nói đúng hơn là không có đạo lý tính thuế.
Trước đây khi soạn thảo Dự thảo Luật Thuế TNCN, ban soạn thảo cũng đã đưa ra việc tính thuế TNCN đối với người gửi tiền tiết kiệm. Thời điểm đó, mức chịu thuế đang ở mức 4 triệu đồng/tháng, giảm trừ gia cảnh 1,6 triệu đồng/tháng, ban soạn thảo đã đưa ra mức chịu thuế áp dụng với trường hợp lãi là trên 5 triệu đồng/tháng, một năm 60 triệu đồng. Tuy vậy sau khi cân nhắc, lấy ý kiến các bộ, ngành, chuyên gia và các đối tượng chịu thuế thì thấy cách làm này không hợp lý và không biết sẽ tiến hành thu ra sao. Tiền gửi tiết kiệm mang đặc thù riêng, được chia nhiều loại sổ từng thời điểm, việc xác định, tổng hợp lại bình quân năm rất khó khăn, phức tạp. Sau khi lấy ý kiến từ NH Nhà nước và các NH thương mại cho thấy không thể thu lãi từ khoản tiền tiết kiệm người gửi và gây khó cho hoạt động NH. Do đó, nội dung tính thuế TNCN đối với loại hình gửi tiết kiệm cá nhân được loại ra khỏi Luật Thuế TNCN.
Kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM không chỉ không phù hợp mà còn thiếu cả thực tế, không khả thi. Nếu đưa ra mức 500 triệu đồng thì người gửi sẽ xé lẻ ra mức 499 triệu đồng thì làm sao kiểm soát được. Bên cạnh đó nếu kiến nghị vì mục đích đưa dòng vốn vào kinh doanh sản xuất, nhất là để xóa băng bất động sản thì càng khó. Người dân có thể chuyển từ tiền gửi VND sang USD hoặc đầu tư vàng. “ - Bà Nguyễn Thị Thu Cúc, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam.
Đã ăn dày thì phải chấp nhận trả giá
“Xét thực trạng đời sống hiện nay của các đối tượng hưu trí, công nhân,… họ chỉ sống dựa vào đồng lương tích góp tiết kiệm, xem phần lãi tiền gửi là thu nhập, nếu tính thuế thì không hay, có thể lợi về thuế cho Nhà nước nhưng đánh đổi an sinh xã hội. Ngoài ra, việc kiến nghị đánh thuế với mục đích đưa dòng tiền vào sản xuất kinh doanh là thiếu căn cứ, trước đây các DN bất động sản lãi đậm từ chênh lệch giá các dự án, bây giờ thị trường trầm lắng, họ phải chấp nhận trả giá. Kiến nghị đánh thuế tiền gửi sẽ khiến thị trường NH xáo trộn, người dân đua nhau rút tiền, hệ thống sẽ bất ổn.” - TS Lê Đăng Doanh.
Cách đây bảy năm, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XI diễn ra vào tháng 10, 11-2006, các đại biểu dân cử đã “mổ xẻ” và thống nhất bác đề xuất đánh thuế tiền lãi tiết kiệm (nằm trong dự thảo Luật Thuế TNCN) của Bộ Tài chính.
Đại biểu Dương Thu Hương - tỉnh Hà Nam (nguyên Phó Thống đốc NHNN, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng) đưa ra ba lý do mà Nhà nước chưa thể đánh thuế vào lãi tiết kiệm:
Thứ nhất là yêu cầu vốn cho xã hội mà ngân hàng là một kênh huy động vốn mạnh mẽ và chủ yếu của nền kinh tế. Hoạt động của các doanh nghiệp dựa vào vốn ngân hàng đến 80%-90%. Nếu người dân không gửi nữa thì ngân hàng làm gì có tiền để cho doanh nghiệp vay để đầu tư? Nếu ngân hàng muốn huy động sẽ lại phải tăng lãi suất huy động, đồng thời cũng phải tăng lãi suất tiền vay. Như vậy thì rõ ràng là lợi bất cập hại.
Thứ hai là bản chất tiền gửi tiết kiệm của Việt Nam với các nước khác là hoàn toàn khác nhau. Ở Việt Nam, tiền tiết kiệm là nhằm đảm bảo cuộc sống khi về già chứ không phải là tiền đầu tư như nhiều quốc gia khác. Ở Việt Nam, do hệ thống an sinh xã hội chưa tốt nên nhiều người phải dành dụm chi tiêu để phòng lúc ốm đau, để chi tiêu khi về hưu hay không còn đủ sức lao động. Còn ở các nước phát triển, an sinh xã hội của người ta rất tuyệt vời, ốm đau vào bệnh viện không phải mất một xu nào dù là bệnh nặng, về hưu lương hưu đủ sống, còn thừa tiền tôi gửi tiết kiệm thì mới là tôi đầu tư. Khi đó, bị đánh thuế là đúng. Nhưng ở Việt Nam tiết kiệm chúng ta chưa phải là như vậy, tôi cũng tha thiết mong rằng đây là nguyện vọng của rất nhiều người, chúng ta cần cân nhắc kỹ việc này.
Thứ ba là lạm phát của chúng ta còn rất cao, người gửi cũng chẳng được là mấy. Ví dụ lãi suất được gửi 9%/năm nhưng lạm phát là 8,4%/năm rồi, lãi thực đến tay người nhận còn đáng là bao nhiêu nữa mà phải chịu thuế.
Chúng ta khuyến khích, động viên mãi người dân mới tin vào ngân hàng để người ta gửi tiền. Bây giờ có chuyện này thì người ta sẽ không gửi nữa. Như thế sẽ rất là bất lợi.
|
Theo PLTPHCM
;