“TS rùa” Hà Đình Đức đề nghị Hà Nội làm hồ sơ cho rùa hồ Gươm trở thành bảo vật quốc gia. Còn theo luật Di sản văn hóa, khả năng này khó thành sự thật.
Hành lang rộng của giảng đường Trường ĐH Khoa học tự nhiên (thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội) tại Lê Thánh Tông (Hà Nội) không chỉ sừng sững một bộ xương voi khổng lồ mà tầng hai của nó còn có một “đại bản doanh” bí mật của rùa. Ở đó, dưới đôi tay của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Thành, nhiều tiêu bản rùa đã được thực hiện. Đúng dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long, ở đây cũng có một tiêu bản rùa được làm. Một tiêu bản đặc biệt, vì nó làm từ một xác rùa khổng lồ ở hồ Gươm. “Tôi đã phải bê xác rùa về hồi tháng 4.2010 để làm tiêu bản. Rùa nặng 52 cân, dài chừng 1,2 m. Đó là một con ba ba Nam bộ, và đương nhiên không thuộc loại rùa Hoàn Kiếm”, ông Thành cho biết.
Rùa có đủ 3 điều kiện ?
Tuy không thuộc loại rùa Hoàn Kiếm, việc có một con rùa khổng lồ ở hồ này chết vẫn được giữ kín để tránh những đồn đại không hay. Điều đó cho thấy rùa hồ Gươm phần nào đã trở thành một biểu tượng. Đến mức, mới đây, một trong những người “sùng bái” biểu tượng rùa hồ Gươm nhất - PGS-TS Hà Đình Đức đã đề nghị “phải làm hồ sơ để rùa hồ Gươm trở thành bảo vật quốc gia”. Rùa hồ Gươm, theo giải thích của ông Đức, gồm cả “cụ” rùa sống ở dưới nước vừa mới được trị bệnh và cả tiêu bản rùa hiện đang ở đền Ngọc Sơn.
Tiêu bản rùa hồ Gươm tại đền Ngọc Sơn - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Muốn vậy, một hồ sơ về rùa hồ Gươm sẽ phải được thực hiện. Trong đó, phải có căn cứ khoa học chứng minh rùa có đủ 3 điều kiện cần có của một bảo vật quốc gia, quy định trong luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Di sản năm 2009. Thứ nhất, rùa hồ Gươm phải là hiện vật gốc độc bản. Thứ hai, rùa hồ Gươm là hiện vật có hình thức độc đáo. Thứ ba, rùa phải là hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu; hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên.
|
|
|
Rùa trong hồ đang thực thể sống. Tiêu bản rùa cũng chưa thấy có thể ăn theo tiêu chí gì. Mình cũng không có cớ gì bảo từ thời ông Lê Lợi. Nếu nó là giống quan trọng thì nó phải vào sách đỏ động vật quý hiếm chứ không phải đưa vào bảo vật quốc gia
|
|
|
Một ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia
|
|
|
Tuy nhiên, rùa hồ Gươm có vẻ không đáp ứng đủ được những điều kiện trên. Có thể tạm coi tiêu bản rùa tại đền Ngọc Sơn là hiện vật độc bản, nhưng rùa đang sống trong hồ lại là thực thể sống. Rùa hồ Gươm cũng không phải hiện vật có hình thức độc đáo. Trong khi đó sự độc đáo này lại thể hiện rất rõ trong các cổ vật vừa được công nhận bảo vật quốc gia đợt 1 như chiếc lọ gốm hình thiên nga, cửu đỉnh Huế... Cuối cùng, hiện cũng chưa có cơ sở khoa học gì để chứng tỏ rùa hồ Gươm là hiện vật đặc biệt có liên quan đến một sự kiện quan trọng, anh hùng dân tộc như quy định.
“Rùa trong hồ đang thực thể sống. Tiêu bản rùa cũng chưa thấy có thể ăn theo tiêu chí gì. Mình cũng không có cớ gì bảo từ thời ông Lê Lợi. Nếu nó là giống quan trọng thì nó phải vào sách đỏ động vật quý hiếm chứ không phải đưa vào bảo vật quốc gia”, một ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, đề nghị không nêu tên, nói.
Trong khi đó, một PGS-TS đã từng là thành viên Hội đồng Khoa học xét duyệt bảo vật quốc gia đợt 1 cho rằng: “Để được công nhận là bảo vật quốc gia thì phải có hồ sơ kèm theo, cho dù rùa là sinh vật đáng quý, đáng trân trọng. Việc xem xét hồ sơ phải căn cứ vào luật”.
“Quá xác đáng chứ có gì đâu”
Về “độ vênh” này, PGS Hà Đình Đức nói: “Rùa hồ Gươm phải nói là quá xứng đáng chứ có gì đâu. Trong luật Di sản quy định tiêu chí, mình chọn các cái này ra thì xem nó chạm vào cái nào. Nó là hiện vật gốc độc bản. Nó liên quan đến truyền thuyết “Hoàn Kiếm” của vua Lê sau khi đánh đuổi giặc ngoại xâm giành độc lập cho cho giang sơn Đại Việt vào thế kỷ 15. Nó là truyền thuyết nhưng nó lại mang tính chất văn hóa tâm linh. Cái này phải nói là quá độc đáo, chứ không phải độc đáo. Không thể quá cứng nhắc”.
Cũng theo ông Đức, tiêu chí hình thức độc đáo mà luật quy định không thể hiểu độc đáo là nó vuông hay nó tròn nó méo mà phải hiểu rộng ra. “Hình thức độc đáo của rùa hồ Gươm là liên quan đến vấn đề lịch sử dân tộc. Mà không phải liên quan đến anh hùng dân tộc là cứ phải anh hùng A, anh hùng B”, ông phân tích.
Tuy nhiên, khi được hỏi chi tiết để chứng minh rùa hồ Gươm là bảo vật quốc gia, ông Đức nói: “Tôi đề xuất như thế nhưng phải có người đầu tư nghiên cứu mới được. Thực ra, tôi thấy người ta đưa ra một số tiêu chí công nhận báu vật quốc gia tôi thấy rùa hồ Gươm quá xứng đáng. Bây giờ muốn làm thì phải có đầu tư nghiên cứu. Các nhà khoa học, các nhà di sản văn hóa phân tích một cách thận trọng và đưa ra kết luận khoa học thuyết phục chứ không phải đối chiếu một cách cơ học máy móc”.
Trinh Nguyễn
>> Đề xuất rùa Hồ Gươm làm báu vật quốc gia
>> Cụ" rùa Mỹ qua đời
>> Thả rùa luýt quý hiếm về biển
>> Trao tặng rùa quý hiếm cho Campuchia
>> Rùa biển đẻ trên 200 trứng
>> Bị “ném đá” vì ngồi trên đầu rùa
>> Dự án khu du lịch “rùa”
>> Rùa ly hôn