Nhờ có sự khác nhau, cọ xát tranh luận ở nghị trường, chân lý sẽ sáng tỏ và Quốc hội sẽ có những quyết sách đúng đắn
Trong Blog tuần trước, tôi có bàn về một ông Tây và một ông ta. Đó là Giáo sư Joel Brinkley và Nghị sĩ Quốc hội Hoàng Hữu Phước. Cả hai ông giống nhau đến kỳ lạ: Đều phải hứng chịu những trận mưa đá của đông đảo công chúng và cộng đồng mạng. Đều ngỡ ngàng, kinh ngạc vì không ngờ bài viết của mình lại bị dư luận phản ứng dữ dội đến thế.
Và khủng khiếp hơn, đều bị công chúng đề nghị sa thải, đuổi khỏi trường Đại học và phế truất khỏi Nghị trường. Những người nổi giận, đòi sa thải hai ông, đều không phải là những đối tượng bị các ông chỉ trích, lăng mạ, mà toàn là những người ngoài cuộc.
|
ĐB Hoàng Hữu Phước |
Ông Tây là khách vãng lai, không hiểu thấu đáo người Việt, nên đã nói càn, ta chả chấp làm gì. Chỉ tiếc ông Nghị Hoàng Hữu Phước, một người có trình độ Thạc sĩ, đại diện cho Dân, ở một cơ quan quyền lực cao nhất, sang trọng vào bậc nhất, lại làm những việc dưới tầm văn hóa, mà ta không thể hình dung đấy lại là một Nghị sĩ Quốc hội.
Câu chuyện bắt đầu từ cuộc tranh luận ở Nghị trường, có sự khác biệt về quan điểm giữa ông Dương Trung Quốc với ông Hoàng Hữu Phước. Sự khác nhau là bình thường. Thậm chí rất hay. Nếu các Nghị sĩ Quốc hội đều đồng thuận, có cái nhìn giống nhau, quan điểm y hệt nhau, thì chỉ cần một người là đủ, hà cớ chi lại phải có đến mấy trăm người? Nhờ sự khác nhau, thậm chí trái ngược nhau mới có những cuộc tranh luận. Và rồi qua các cuộc cọ xát tranh luận ấy, chân lý sẽ dần sáng tỏ. Do đó, chúng ta mới có những quyết sách đúng đắn. Tránh được sự thiển cận và sai lầm.
Tranh luận ở Nghị trường, dù quyết liệt, gay gắt hay ôn hòa thì cũng đều rất tốt. Nếu thời gian ở nghị trường không đủ thì có thể tiếp tục trong các trang báo hay trên Blog cá nhân. Việc ông Phước viết bài về ông Quốc trên Blog của mình cũng không có gì sai, nếu ông chỉ tranh luận theo đúng nghĩa, để tìm ra chân lý vì lợi ích chung. Nhưng điều đáng bàn, và cũng chính là lý do khiến công chúng nổi giận, là ông không tranh luận mà lợi dụng tranh luận để bôi nhọ và hạ nhục một Đại biểu Quốc hội khác. Có lẽ cũng vì điều này mà nhiều Luật sư đã lên tiếng. Họ lên tiếng không phải vì “bệnh nghề nghiệp”, mà là sự tinh thông mẫn cảm, họ nhìn thấy trong việc làm rất không bình thường của ông Phước có dấu hiệu của tội làm nhục người khác.
Tranh luận không phải là cãi vã. Tranh luận khác cãi vã ở chỗ, tranh luận có nghĩa là đối thoại, và đối thoại là cùng nghe nhau để cùng điều chỉnh mình, dẫn đến sự đồng thuận, nhằm tiếp cận chân lý vì mục đích chung. Còn cãi vã là tranh giành thắng thua, là chỉ nhăm nhăm tìm sơ hở của đối phương để ra đòn hạ gục, nhằm thỏa mãn mục đích cá nhân. Đối tượng chính mà ông Phước cần thuyết phục không phải ông Quốc, mà là các Đại biểu Quốc hội, và cao hơn nữa là đông đảo quần chúng nhân dân. Làm sao ông Phước có thể thuyết phục được ông Quốc, một người hoàn toàn khác biệt với ông cả ở sự hiểu biết, trình độ kiến thức và tầm vóc văn hóa? Nếu ông Quốc cũng như ông thì đã chẳng có sự khác biệt dẫn đến cuộc tranh luận.
Điều quan trọng ông phải thuyết phục trước hết là các Đại biểu Quốc hội, sau nữa là đông đảo nhân dân, để mọi người cùng ủng hộ, đứng về phía ông. Nhưng do tính hiếu thắng, tiểu khí tỉnh lẻ, lại cả giận mất khôn, nên ông chẳng còn nhìn thấy ai, ngoài ông Quốc và ông chỉ tìm mọi cách hạ nhục, đổ hết mọi rác rưởi lên đầu ông Quốc .
Và rồi cuối cùng, nói như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, cựu Đại biểu Quốc hội nhiều khóa, thì Đại biểu Phước đã “hành xử một cách lỗ mãng, không phù hợp với tiêu chuẩn văn hóa thông thường chứ chưa nói đến văn hóa nghị trường. Trong cuộc sống, mọi người đều có thể có những ý kiến khác nhau, thậm chí nảy sinh mâu thuẫn. Nhưng chỉ những người kém văn hóa mới dùng những lời lẽ nặng nề phản cảm, chợ búa để phỉ báng nhau”.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Thuyết, “sự hiểu biết của Đại biểu Phước về pháp luật rất hạn chế. Khi công kích Đại biểu Dương Trung Quốc về chuyện chất vấn tại kỳ họp vừa qua, ông Phước đã làm trái quy định tại điều 49 Luật Tổ chức Quốc hội. Bên cạnh đó, ông Phước còn quên rằng, điều 46 Luật Tổ chức QH đã quy định Đại biểu phải “gương mẫu” trong việc chấp hành hiến pháp và pháp luật, có cuộc sống lành mạnh và “tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng”.
Ngoài ra, khi miệt thị, xúc phạm nhân phẩm người khác, nhất là phỉ báng một Đại biểu Quốc hội vì những ý kiến của Đại biểu đó trong lúc thi hành công vụ, ông Hoàng Hữu Phước còn có thể vi phạm cả quy định của Bộ luật Hình sự…”
Cũng vì những việc làm động trời này, mà ta lại có dịp bình tĩnh ngắm kỹ gương mặt của hai Đại biểu Quốc hội, khi giới truyền thông liệt kê lại tất cả những ý kiến mà họ đã phát biểu.
Không phải ngẫu nhiên, giới truyền thông đã định vị bốn ông Nghị có những đóng góp tích cực trên Nghị trường: “Nhất Thước, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc”. Đó là Tướng Nguyễn Quốc Thước, ông Nguyễn Ngọc Trân, ông Nguyễn Lân Dũng và ông Dương Trung Quốc. Tất nhiên, những Đại biểu Quốc hội xuất sắc, gây được ấn tượng mạnh trong công chúng, không phải chỉ có bốn ông Nghị này, mà còn nhiều vị khác, như Đỗ Trọng Ngoạn, Nguyễn Minh Thuyết… Ông Dương Trung Quốc, nói như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, là “người sắc sảo và lịch duyệt”.
|
Nhà thơ Trần Đăng Khoa |
Tôi cũng đồng ý với ông Thuyết: “Không phải ý kiến nào của ông Dương Trung Quốc cũng được mọi người đồng tình nhưng những vấn đề ông Quốc nêu lên đều là những vấn đề cử tri rất quan tâm. Về phương pháp tư duy, ông Quốc thường có cách nhìn độc đáo, mới mẻ, đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ”. Còn với ông Phước, thú thật, dù không hề ác cảm với ông, tôi vẫn không tìm thấy trong ý kiến của ông có một chút ánh sáng nào của trí tuệ. Thậm chí, tôi còn thấy ông không được bình thường khi khoe với các phóng viên báo chí, rằng ông vẫn còn giữ các hóa đơn của bưu điện tiền gửi thư qua Iraq cho Tổng thống Saddam Husein, đề nghị Tổng thống Saddam cử ông làm đặc sứ để ông đi công du các nước, nhằm giữ gìn hòa bình thế giới (!)
Và nói như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: “Ông Phước không có tiến bộ nào trong nhận thức và hành động kể từ khi làm Đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIII, khi phát biểu về xây dựng Luật Biểu tình, Đại biểu Phước có những nhận thức lệch lạc và lời lẽ xúc phạm cử tri. Bởi vậy, khi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, ông Phước đã bị cử tri chất vấn. Lúc đó ông Phước đã phải nói với cử tri hãy coi mình là con cháu và bỏ qua cho những sai sót đó.
Đáng lẽ biết sai phải sửa, nhưng đến giờ ông Phước vẫn nói lại những chuyện đó như thể mình đúng”. Tôi cũng muốn nói thêm với ông Phước rằng, có đến trên 70% khiếu kiện của dân, nhiều vụ dẫn đến biểu tình liên quan đến đất đai. Đừng nghĩ đơn giản và nông cạn rằng người biểu tình chống lại Nhà nước hay Chính phủ. Họ tìm đến Chính quyền khi những nỗi oan ức ở cơ sở không giải tỏa được. Bởi chính quyền là “Chính quyền của Dân, Do Dân và vì Dân”. Họ chỉ mong Chính quyền giúp họ lấy lại sự công bằng. Điều này cần minh bạch.
Chính người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mong sớm có Luật biểu tình, mà ông Phước lại “bảo hoàng hơn Vua”, muốn loại Luật biểu tình ra khỏỉ bàn Nghị sự, không bàn đến trong cả khóa Quốc hội vì “dân trí thấp”. Ngay cả đến khi bàn về chuyện Mại dâm, một hiện trạng nhức nhối trong xã hội, ông Phước cũng lại mạt sát ông Quốc và gia đình ông bằng những lời lẽ rất thô bỉ mà với sự trang nhã của blog này, tôi không tiện dẫn ra đây.
Không thể tưởng tượng được đấy lại là ngôn ngữ của một Ông Nghị. Xúc phạm một Đại biểu Quốc hội, xúc phạm đến cả dòng tộc người ta là một điều tối kỵ đối với người Việt. Chả lẽ sự tha hóa về đạo đức đã lan đến cả chốn linh thiêng, sang trọng vào bậc nhất của Quốc gia sao? Thật có lý khi nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Khoa Điềm, Cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Cựu Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương đã phải ngỡ ngàng trong một câu thơ viết về ông Hoàng Hữu Phước: “Tại sao người ta lại bầu ông vào Quốc Hội?”.
Chúng ta bầu là bầu Đại biểu Quốc hội, đại diện ưu tú nhất cho chúng ta vào cơ quan Quyền lực cao nhất, sang trọng nhất, để quyết sách những việc quan trong, chứ đâu có bầu một người với văn hoá thấp kém đến như thế.
Thật hết chịu nổi!/.