Sân khấu của các cuộc cạnh tranh và xung đột quân sự đã mở rộng một cách nguy hiểm trong mấy thập niên gần đây. Chiến tranh trước đây được tiến hành trong phạm vi tương đối nhỏ trên đất liền hoặc trên biển. Đại chiến thế giới thứ nhất, diễn ra chủ yếu tại Tây Âu, lần đầu tiên liên quan đến máy bay chiến đấu và vùng trời.
Đại chiến thế giới thứ hai, kết thúc năm 1945, bắt đầu tại châu Âu, rồi lan sang châu Á và trở thành cuộc chiến toàn cầu về ảnh hưởng và tác động. Ảnh hưởng sâu rộng của chiến tranh càng tăng lên trong chiến tranh lạnh với vũ khí hạt nhân. Không gian trở thành mặt trận xung đột tiềm tàng giữa các nhà nước sau khi Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên vào năm 1957, rồi cả Liên Xô và Mỹ sau đó thử nghiệm các loại vũ khí có thể phá hủy hoặc làm tê liệt các vệ tinh phục vụ thông tin liên lạc và các mục đích quan trọng khác.
Lĩnh vực mới nhất cho hoạt động gián điệp và "giải phóng" các loại vũ khí mới là không gian mạng, chủ yếu là mạng lưới vô hình các máy tính và mạng thông tin kết nối với nhau, hình thành những sợi dây kết nối hữu hiệu giữa các nền kinh tế hiện đại với lực lượng quốc phòng của họ. Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ cùng các đồng minh vốn bế tắc bởi những cuộc đối đầu quân sự và tranh chấp biển đảo tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng đang xấu dần trong không gian mạng.
Chính quyền Obama lập tức phản ứng sau báo cáo ngày 19/2 của Mandiant, một công ty an ninh internet, nêu ra bằng chứng rằng một đơn vị của lực lượng vũ trang Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải đã chủ mưu cho hoạt động gián điệp máy tính đối với 141 công ty thuộc 20 ngành công nghiệp lớn trên khắp thế giới kể từ năm 2006, bao gồm nhiều vụ tấn công mạng vào các công ty và cơ quan chính phủ Mỹ.
Người phát ngôn Nhà Trắng bày tỏ: "Nước Mỹ đặc biệt ngày càng quan ngại về những mối đe dọa đối với an ninh kinh tế và quốc gia bởi hoạt động xâm nhập vào các mạng thông tin và máy tính Mỹ, bao gồm cả hành vi đánh cắp thông tin thương mại". Ông nói thêm, Mỹ "liên tục bày tỏ lo ngại ở mức độ cao nhất về hành vi trộm cắp trên không gian mạng với các quan chức cấp cao Trung Quốc, bao gồm cả trong giới quân sự, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy".
Ảnh minh họa MSC. |
Lực lượng vũ trang Trung Quốc phản hồi rằng báo cáo của Mandiant thiếu cơ sở và máy tính quân sự của Trung Quốc cũng phải gánh chịu vô số các vụ tấn công từ bên ngoài, với phần rất lớn trong đó là từ Mỹ.
Tháng 9/2010, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ khi đó, William Lynn, cho biết, Lầu Năm Góc chính thức xác định không gian mạng là một phạm vi chiến đấu mới. "Đánh giá của chúng tôi là tấn công mạng sẽ là một bộ phận quan trọng trong các cuộc xung đột tương lai", ông nêu rõ trong một bài viết cách đây một năm. "Hơn 30 quốc gia đang thành lập các đơn vị mạng trong lực lượng quân sự của mình".
Ông Lynnn nói, rất thiếu thực tế nếu tin rằng tất cả các nước này sẽ chỉ giới hạn hoạt động mạng của mình trong phạm vi phòng thủ. "Vai trò trung tâm của công nghệ thông tin đối với quân đội và xã hội Mỹ gần như khẳng định chắc chắn rằng tương lai của các cuộc đối đầu sẽ nhằm vào đó". Ông lưu ý, có nhiều vụ tấn công phá nhiễu không gian mạng của Estonia trong năm 2007 và Gruzia trong năm 2008, cả hai đều bị cho là bắt nguồn từ Nga. "Với tầm quan trọng đặc biệt, công nghệ mạng đang tồn tại có khả năng phá hủy các mạng lưới quan trọng, gây ra những thiệt hại vật chất, hay làm thay đổi hoạt động của các hệ thống thiết yếu. Trong thế kỷ 21, mỗi bit hay byte có sức đe dọa ngang với mỗi viên đạn hay quả bom..."
Mỹ có những hiểu biết thực tế về tiềm năng của vũ khí mạng. Hồi giữa năm 2010, hàng nghìn máy li tâm, làm giàu uranium tại các nhà máy hạt nhân của Iran, bị mất kiểm soát. Các công cụ, có thể tập trung uranium thành nguyên liệu phân hạch cho vũ khí hạt nhân, bị lập trình lại một cách bí mật để chạy nhanh hơn bình thường, đẩy chúng đến điểm phá vỡ.
Hệ thống máy tính của Iran dù vậy vẫn thể hiện một cách khó giải thích rằng các máy ly tâm vẫn đang hoạt động tốt. Sự cố này sau đó được tiết lộ là bị gây ra bởi một loại virus máy tính có tên Stuxnet. Theo nhiều nhận định đó là sản phẩm của Mỹ và Israel và là một trong những vũ khí mạng tinh vi nhất từng xuất hiện cho tới nay.
Cuộc xâm nhập này ban đầu được cho là đã kéo lùi chương trình nghi ngờ vũ khí hạt nhân của Iran 3-5 năm. Nhưng các ước tính thiệt hại hiện nay cho thấy con số trên chỉ là từ vài tháng đến 2 năm.
Tư lệnh mạng của Lầu Năm Góc đi vào hoạt động hoàn chỉnh từ năm 2011 - một diễn biến mà Trung Quốc cho là đã vũ trang hóa không gian mạng. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết, tư lệnh được thành lập chỉ sau khi xuất hiện một loạt các vụ tin tặc nước ngoài tấn công vào máy tính và các mạng lưu trữ dữ liệu của quân đội và các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và viện nghiên cứu Mỹ, phần lớn trong số đó bị nghi ngờ tiến hành từ Trung Quốc.
Cơ quan an ninh Anh, Pháp, Đức, Canada, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đều cảnh báo các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu trong nước về nguy cơ đến từ Trung Quốc.
Nhiều quan chức Mỹ thừa nhận còn nhiều yếu kém trong hệ thống phòng thủ không gian mạng của nền kinh tế và lực lượng quân sự lớn nhất thế giới này. Ngày 20/2, Nhà Trắng đã công bố một chiến lược mới nhằm tăng cường khả năng phòng thủ không gian mạng. Chiến lược này được đưa ra sau sắc lệnh do Tổng thống Barack Obama ký hồi đầu tháng này về việc thành lập các tiêu chuẩn an ninh mạng tự nguyện cho các công ty vận hành các cơ sở hạ tầng quan trọng như mạng lưới điện.
Văn bản chiến lược của Nhà Trắng có nêu nhiều ví dụ về các vụ đánh cắp bí quyết kinh doanh mà Trung Quốc bị cáo buộc là thủ phạm để tạo điều kiệu cho quân đội và các công ty nhà nước nước này bắt kịp các đối tác phương Tây. Trong quá khứ, hoạt động đánh cắp này chủ yếu được thực hiện bằng cách tuyển mộ gián điệp. Ngày nay, điều này phần lớn được tiến hành từ xa bằng cách xâm nhập vào mạng lưới máy tính của các cơ quan chính phủ hoặc công ty mục tiêu.
Văn bản chiến lược này nêu rõ: "Hành vi trộm cắp cắp bí quyết thương mại đe dọa các doanh nghiệp Mỹ, phá hoại an ninh quốc gia, và đặt sự an toàn của nền kinh tế Mỹ trong tình trạng nguy hiểm. Hoạt động này cũng làm giảm triển vọng xuất khẩu của Mỹ ra thế giới và gây ra nhiều nguy cơ đối với việc làm tại Mỹ".
Tờ Washington Post mới đây đưa tin, một báo cáo tình báo mới kết luận Mỹ đang là mục tiêu của một chiến dịch gián điệp mạng lớn và liên tục. Báo cáo viết, bản Đánh giá tình báo quốc gia (NIE) xác định, Trung Quốc là quốc gia tích cực xâm nhập vào hệ thống máy tính Mỹ nhất, mặc dù trong 5 năm qua, 3 quốc gia khác - gồm Nga, Israel và Pháp - cũng bị nêu tên là tham gia vào không ít vụ tấn công mạng để lấy thông tin tình báo kinh tế.
Ước tính thiệt hại hằng năm của nền kinh tế Mỹ dao động từ 25 - 100 tỷ USD. James Lewis, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện đang là chuyên gia ang ninh mạng tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) cho rằng Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất sử dụng gián điệp kinh tế, nhưng là quốc tia tích cực nhất trong hoạt động này.
Ông nói, trong các ngành quan trọng, bao gồm viễn thông, hàng không, năng lượng và quốc phòng, việc thu thập và từng bước áp dụng thiết kế và bí quyết công nghệ bên ngoài đã đạt đến điểm mà "thời gian để biến một công nghệ ăn cắp được thành sản phẩm đang giảm xuống nhanh khi khả năng hấp thụ và áp dụng công nghệ của Trung Quốc tăng lên".
Đến khi Trung Quốc bắt kịp phương Tây về công nghệ và an ninh kinh tế và quân sự của họ phụ thuộc tương đương vào không gian mạng, họ có thể sẽ có lợi ích chung trong việc đàm phán giảm bớt căng thẳng không gian mạng. Nhưng cho đến khi điều đó xảy ra, khả năng phòng thủ và tấn công mạng sẽ còn tiếp tục được "mài giũa" tại Nhật Bản và các nền kinh tế lớn khác.
Trâm Anh theo JapanTimes
* Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt