06:32 | 06/03/2013

CSGT bụng phệ, thô lỗ không được ra đường

> “Doạ” cảnh sát giao thông sẽ bị phạt tới 5 triệu đồng
> Hối lộ 10 triệu đồng cho CSGT bất thành

TP - Những cảnh sát giao thông (CSGT) Thủ đô bụng phệ, hình thức thấp bé nhẹ cân, nói năng không đúng mực sẽ bị điều chuyển sang ngồi bàn giấy, tránh tiếp xúc với dân.

CSGT Hà Nội giúp đỡ người già sang đường. Ảnh: Hoàng Anh
CSGT Hà Nội giúp đỡ người già sang đường. Ảnh: Hoàng Anh.

Lỗi ứng xử, đội trưởng CSGT bị chuyển việc

Ngoài việc mỗi lúc đi làm, CSGT Hà Nội luôn phải đút túi một cuốn cẩm nang về cách hành xử với người dân, tới đây Công an Hà Nội còn có nhiều quy định nhằm từng bước cải thiện hình ảnh lực lượng này trên từng tuyến phố.

Theo đại tá Đào Vịnh Thắng-Trưởng phòng CSGT Hà Nội: “Những cán bộ có ngoại hình thấp bé, vòng bụng quá to sẽ được chuyển vào xử lý các công việc văn phòng thay vì hướng dẫn và xử lý vi phạm. Tới đây, chúng tôi bố trí, sắp xếp lại đội ngũ”.

Một lãnh đạo Công an Hà Nội cho biết, theo lộ trình sẽ có khoảng 8 bước để thay đổi hình ảnh CSGT Thủ đô. Việc bổ sung các nữ CSGT, điều chuyển nam CSGT béo bụng nhằm giảm bớt áp lực trong quá trình giao tiếp giữa người thực thi công vụ với người dân chỉ là bước 1. Lý giải việc này, đại tá Thắng nói: “Việc này một số nước đã làm như Thái Lan, Ấn Độ”...

Riêng câu chuyện CSGT núp gốc cây để rình người vi phạm, đại tá Thắng cho biết: “Hiện nay, tất cả các lực lượng làm nhiệm vụ trên đường phải công khai kiểm tra, xử lý phát hiện vi phạm không được núp, đứng chỗ khuất. Chúng tôi vừa tăng cường 5 tổ thanh kiểm tra để giám sát tác phong của CSGT, nếu phát hiện trường hợp nào, tùy mức độ kỷ luật để rút khỏi vị trí đó, đưa về làm trực ban. Thực tế, chúng tôi đã xử lý 23 trường hợp, trong đó có 3 đồng chí phải về trực ban. Thậm chí, có 2 đồng chí chỉ huy (trong đó có người là đội trưởng CSGT) cũng bị rút về làm tại văn phòng do có thái độ chưa đúng mực hoặc không làm đúng quy trình”.

Lập danh sách thống kê CSGT bụng bự

Chiều 5-3, một đội trưởng CSGT ở Hà Nội khi được hỏi về quy định loại CSGT bụng phệ, ứng xử thô lỗ, đã thông tin thêm: Ngay ở đơn vị ông, những cán bộ chiến sĩ có thái độ không đúng mực bị lực lượng chức năng phát hiện sẽ chuyển sang làm công tác hành chính, trực ban, lái xe, chở xe vi phạm... Còn những ai chiều cao thấp quá, bụng phệ to trông thiếu thiện cảm sẽ được bố trí việc khác.

“Đơn vị tôi còn được cấp trên quán triệt hạn chế tối đa việc kiểm tra phụ nữ, người lớn tuổi và người ngoại tỉnh. Tất nhiên trừ những trường hợp cố tình vi phạm, còn như nếu người dân vô tình dừng đèn đỏ lấn vạch một chút, thiếu gương chiếu hậu... chỉ nhắc nhở hướng dẫn, thay vì chăm chăm xử phạt. Chúng tôi cố gắng để người vi phạm tâm phục, khẩu phục”, vị đội trưởng nói.

Đội trưởng CSGT số 14 (nằm tại cửa ngõ phía Nam Thủ đô)-trung tá Nguyễn Trọng Thái nói: “Với tư cách chỉ huy đội, tôi ủng hộ chủ trương này của cấp trên. CSGT khi thực thi nhiệm vụ trên đường phải tạo uy thế; phải đứng công khai xử lý vi phạm. Ngoài việc tăng cường rèn luyện trí tuệ, nghiệp vụ, CSGT cũng cần rèn luyện thể chất”. Ông Thái cũng cho biết, Đội CSGT số 14 không có trường hợp nào bụng quá béo.

Hiện, các đội CSGT trên địa bàn Hà Nội đang rà soát những trường hợp bụng quá to để gửi lên Phòng CSGT. Được biết, trong danh sách, có những trường hợp tuy còn trẻ, nhưng vòng bụng quá to và đã được chuyển vị trí công tác.

Theo đại tá Thắng, Phòng CSGT Hà Nội cũng vừa tăng cường phương tiện, công cụ hỗ trợ và trang phục cho lực lượng cảnh sát giao thông, tổ chức tập huấn 2 đợt (mỗi đợt 5 ngày) chuyên đề thực hiện quy trình công tác của Bộ Công an; chuyên đề và công tác xây dựng lực lượng, chấp hành điều lệnh, xây dựng văn hóa với tinh thần vì nhân dân phục vụ, xây dựng tư thế, tác phong, tận tụy với công việc. Được biết, hiện các Đội 141 sẽ tiến hành tuần tra kiểm soát cả khu vực ngoại thành Hà Nội.

Đình Thắng

Tôi thấy cảnh sát ở một số nước (tôi từng công tác ở đó) khi làm nhiệm vụ họ rất nghiêm túc: Rất nghiêm với những người vi phạm, nhưng rất lịch sự với dân và người nước ngoài. Họ không hút thuốc lá, không ngồi uống nước ven đường, không đứng tán chuyện với các cô gái. Thiết nghĩ các chiến sĩ cảnh sát của ta cũng nên có tác phong như vậy. Bụng phệ tôi nghĩ không quan trọng. Ở các nước cảnh sát bụng phệ vẫn làm nhiệm vụ trên đường. Riêng phần thấp bé nhẹ cân thì phải loại ngay từ lúc thi tuyển, đừng nhận họ vào rồi lại phân biệt đối xử sẽ phạm luật. Cảnh sát phải to cao mới có uy khi làm nhiệm vụ.
Dân Bình
Hàng ngày tôi phải đi làm qua ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã. Đoạn rẽ phải từ Nguyễn Chí Thanh sang Kim Mã (theo hướng lên Nguyễn Thái Học) luôn bị ùn tắc, vì dù được phép rẽ phải khi có đèn đỏ thì những người đi thẳng thiếu ý thức cũng đứng chờ sang hết phần đường cho người rẽ phải. Vì thế nhiều người trèo lên vỉa hè để đi, và vì thế thỉnh thoảng lại có một tổ công an với dân phòng đứng ngay đầu đường đón lõng những kẻ chỉ thích đi tắt chặn đầu người khác. Tuy nhiên, cái làm cho mọi người bức xúc là các bác ấy chỉ chăm chăm quan sát để xử phạt người đã leo vỉa hè còn cận mắt ko nhìn thấy cảnh sát từ xa, còn mặc kệ cho dân tình chen chúc lúc nhúc ngay dưới lòng đường. Vì thế có khi cả chục bác đứng đó, người theo dõi xe leo vỉa hè, người chặn thằng vi phạm, người ghi biên bản phạt... nhưng tuyệt nhiên ko có một ai ra hướng dẫn, chỉ huy phân làn hết!
Vậy xin có vài lời thô lậu rằng:
Tắc đường là việc của mày
Phạt đường là việc thằng này thích lo!
Lê Văn Yên
Một văn bản đầy cảm tính, bất khả thi. Thứ nhất, tiêu chí nào để xác định bụng béo hay không? Thứ hai, làm thế nào để xác định hành vi ứng xử thô lỗ?
Theo thiển ý của tôi, cần xây dựng một bộ tiêu chuẩn về tác phong giao tiếp của cảnh sát giao thông. Phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thứ hai, phát hiện hành vi tiêu cực thì phải xử lý nghiêm. mà muốn bắt cảnh sát giao thông tiêu cực thì quá dễ. Lập một tổ đặc nhiệm chuyên đóng vai người vi phạm, sẽ phát hiện được hết. Vấn đề là có quyết tâm làm thật không mà thôi.
Tất cả các ý kiến trên chi là giải pháp tạm thời. Còn về lâu dài vẫn là ý thức của người dân là thượng tôn luật pháp. người tham gia giao thông khi đó ra đường họ sợ và chấp hành luật pháp, chứ không sợ ông cảnh sát giao thông như hiện nay.
Tôi ở Úc mấy năm chỉ nhìn thấy cảnh sát giao thông có vài lần mà người dân nào cũng chấp hành luật. Ở mình thì cứ ra đường là thấy vô số các loại cảnh sát. TẠI SAO LẠI THẾ NHỈ?
buc xuc
Cái gốc của nhân cách là cái tâm phụng sự tổ quốc và phục vụ nhân dân. Cái tâm do giáo dục đạo đức cách mạng mà thành... đầy tớ trung thành hay không? Bụng phệ... không được ra đường tiếp sức với dân chỉ là giải pháp tình thế tạm thời. Về lâu dài, muốn có đội ngũ tốt thì phải thường xuyên giáo dục chính trị kết hợp với làm tốt công tác kỷ luật. Không đào tạo được đội ngũ tốt mà cứ trung thành với giải pháp trên thì chỉ một NGÀY sau khi được vào THẨM MỸ VIỆN: " BỤNG PHỆ, BỤNG TO... lại thành BỤNG NHỎ là thường". Rồi vẫn được ra đứng đường như ai.
Nguyễn Trường
Theo tôi, đại tá Thắng đã dùng lời lẽ có phần xúc phạm quyền con người.
VINH
Theo tôi CSGT không cần phải đút quyển cẩm nanh ứng xử vào túi quần đâu. Quy định thế thì quả là hài hước. Không lẽ khi nào tiếp dân thì lấy ra đọc hả? Không còn cách nào hay hơn để nó trở thành một kỹ năng cần thiết cho một CSGT ư???
Trần Khôi
Ra đứng đường điều tiết Giao thông là một công việc vất vả nặng nhọc, lẽ ra là dành cho nam cảnh sát chứ không phải do nữ Cảnh sát,Việc phân biệt nam nữ trong công việc là một vi phạm Luật pháp Phân biệt giới tính. Nam Cảnh sát cũng điều tiết Giao thông được, tại sao chỉ lấy Nữ Cảnh sát làm việc này.Vô số nam Cảnh sát mừng rỡ vì không bị điều ra đứng đường chai mặt nhìn thiên hạ.Thứ nữa là.Những Cảnh sát bụng bự thâp bé nhẹ cân cũng sướng rên người vì suốt ngày làm việc ung dung nhàn hạ trong văn phòng .Thiệt là một quy đinh kỳ quái.
Trần văn Tiết
Thật là lạ khi nghe anh nào " Bụng Phệ" cho ngồi bàn giấy, ngồi máy lạnh làm việc. Vậy xưa nay ai cũng biết Nông Dân làm quần quật cả ngày ngoài đồng ruộng có sướng đâu, mồ hôi nhễ nhãi, quần áo thì lấm lem dơ bẩn. Nuế các bác mà nói như thế với Nông Dân thì vài chục triệu Nông Dân VN vui mừng không tả nổi vi họ được ngồi mát mà vẫn có tiền. Ấy vậy mà Bác CSGT lại đề cao chuyện này. thật nực cười nếu không có lủa làm sao có khói. Ý tôi nói ở đây là tại sao các CSGT thích 'ĐỨNG ĐƯỜNG"? Phải chăng đứng đường như người ta nói trắng ra là dễ kiếm tiền hơn ngồi văn Phòng?
Thanh
Hong Thanh
CSGT chịu mưa nắng, khói bụi (lời của 1 chỉ huy CSGT khi đòi tăng lương) mà sao bụng vẫn cứ "phệ" nhỉ ? Mà sao vẫn cứ thích ra đứng đường hít bụi nhỉ ? Thấy thiên hạ đồn phải chạy chọt mới được ra đấy, mà cũng chỉ có 1 thời gian thôi, muốn ra đứng tiếp lại phải chạy, chẳng biết có đúng không?
na 9
Giải pháp quét vôi, bôi sơn này chẳng giúp cải thiện nhiều hình ảnh của CSGT trong suy nghĩ của người dân đâu, nếu không cải thiện về bản chất hành vi trong tác nghiệp hàng ngày.
mai man
Hoan nghênh chủ trương này của tân giám đốc công an Hà Nội, nếu điều này được thực hiện nghiêm thì các anh sẽ từng bước lấy được lòng tin nơi nhân dân. Tôi là dân ngoại tỉnh, khá nhiều lần về Hà Nội công tác hay có việc gia đình và cũng nhiều lần bị xử phạt do vi phạm (100% đưa tiền mặt cho CSGT và hình như toàn đưa cho các bác béo ị - tôi còn nhớ 1 bác béo, đen và hơi gù bắt tôi ở đầu đường Láng Hòa Lạc phía Hòa Lạc/vụ đó tôi mất 1 triệu sau khi mặc cả, do lỗi quá tốc độ 70/60/do biển báo 60 km rất khó quan sát).Có điều CSGT hầu như chỉ bắt những xe biển ngoại tỉnh như tôi, xe taxi hoặc xe biển HN nhất là xe đẹp thì rất ít bắt. Một điều phi lý là ở những tỉnh lẻ hầu như không có phân làn, hay những biển báo LẠ nên chúng tôi rất dễ vi phạm.Một lần nữa xin cổ vũ nhiệt tình và mong các anh lãnh đạo công an HN chỉ đạo nghiêm túc, quyết liệt để thủ đô của chúng ta sứng đáng là thủ dô vì hòa bình và đích thực là thủ đô của đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Trần Tú - Hòa Bình
Trần Tú
Tôi thấy chưa phù hợp lắm, có những người mập tự nhiên thì sao. vấn đề là giáo dục người cảnh sát nhân dân, nếu họ sống với người dân và họ hiểu được câu nói "Công bộc của dân". Đó là điều cần.

Công khai lương người cảnh sát thì sẽ biết được anh nào nên rời khỏi ngành thôi.

Thanh-Nguyễn
Nguyễn Viết Thanh
Lạ nhỉ, bây giờ không ai muốn ngồi bàn giấy. Ngoài đường và tiếp xúc với dân có gì thích thế?
Nguyễn Đức Cường
Trong xử lý vphc đều có cảnh cáo trước tiên, sau đó mới đến phạt tiền. Vphc là vi phạm chưa tới mức truy cứu tnhs, về nguyên tắc thì pháp luật ở phương diện nào đều mang tính răn đe là chính, do vậy csgt nên nhắc nhở răn đe(đói với những lỗi đơn giản) thay vì cứ vi phạm là lập bb phạt tiền. Không đúng tinh thần pháp luật
Quangvong
Các tin khác
THĂM DÒ Ý KIẾN
Ý kiến của bạn về việc phạt phương tiện không chính chủ?
  Nên áp dụng
  Cần thêm thời gian và giảm phí sang tên đổi chủ
  Ý kiến khác
Kết quả