Sự việc xảy ra ở xã Bình Triều (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) vào năm 2010. Lúc đó, cô bé H.T.D.Th. mới 14 tuổi, đang học lớp 9 Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (huyện Thăng Bình).
Những “con yêu râu xanh”
Vì gia cảnh khó khăn, mẹ D.Th. (bà Nguyễn Thị Liễu) phải đi làm thuê ngoài Đà Nẵng, lâu lâu mới về nhà một lần. Trong thời gian đó, D.Th. thường lên chơi nhà ông Phạm Hồng S. (72 tuổi). Theo lời kể của D.Th., ông S. nhiều lần rủ em ra khu vực tượng đài chơi.
Lần đầu D.Th. không đi, nhưng vài ngày sau ông S. lại rủ tiếp và hứa cho nhiều tiền nên tối hôm đó D.Th. đến tượng đài chiến thắng của xã để gặp ông S.. Tại đây, ông S. đã thực hiện hành vi giao cấu với D.Th., sau đó cho em 20 ngàn đồng và dặn không được nói với ai.
Trước khi để D.Th. về, ông S. còn dặn: “Lần sau mi thấy ta “gục” cái đầu là lên tượng đài ta cho tiền”. Sau đó nhiều lần, mỗi khi D.Th. đi học về ngang qua nhà, thấy ông S. “gục” cái đầu là tối đó cô bé đến chỗ tượng đài. D.Th. cũng không nhớ là mình đã bị ông S. giao cấu bao nhiêu lần nữa.
Không chỉ có ông S., D.Th. còn bị ông Đoàn Công Hương (70 tuổi, còn gọi là Ba Đống) có hành vi giao cấu. D.Th. thường gọi ông Hương là ông nội. Một hôm, D.Th. cùng bố qua nhà ông Hương xem tivi, sau đó bố em về trước. Ông Hương đóng hết cửa lại và có hành vi giao cấu với D.Th. rồi cho tiền và bánh. Vì sợ bố mẹ biết và bị ông Hương hăm dọa nên D.Th. không dám nói với ai. Sau đó, ông Hương tiếp tục nhiều lần giao cấu với D.Th. rồi cho tiền.
Đến giữa tháng 12.2010, gia đình D.Th. thấy con mình hay đau ốm và bụng ngày càng to ra thì đưa đến bác sĩ siêu âm. Kết quả, cô bé đã mang thai khoảng 6 tháng. Đến lúc này, D.Th. mới trình bày đầu đuôi sự việc mình đã bị ông S. và ông Hương giao cấu 2 năm nay.
Ông Hồ Văn Phụng bên đứa cháu ngoại.
Ngày 16.12, sau khi gia đình D.Th. làm đơn gửi xã Bình Triều và huyện Thăng Bình nhờ can thiệp thì ngày 20.12, ông S. uống thuốc độc tự tử nhưng được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nên thoát chết. Ngày 5.7.2011, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an công bố kết quả giám định mẫu tóc và máu của cháu bé mới sinh đã trùng khớp 99,99% so với mẫu của ông Đoàn Công Hương.
Ngày 15.11.2011, ông Đoàn Công Hương bị bắt tạm giam. Trong vụ án này, ngoài bị cáo Hương ra, D.Th. còn tố cáo ông Phạm Hồng S. nhiều lần có hành vi giao cấu với mình, tuy nhiên cơ quan điều tra không đủ chứng cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông S..
Ngày 6.6.2012, TAND tỉnh Quảng Nam đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử và tuyên phạt bị cáo Đoàn Công Hương (70 tuổi, trú thôn 3, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) 5 năm tù giam về tội “Giao cấu với trẻ em”. Ngoài mức án 5 năm tù, HĐXX còn buộc bị cáo Hương bồi thường cho gia đình bị hại 81 triệu đồng và có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con nhỏ 1 triệu đồng/tháng.
Sống trong tủi nhục
Sau khi bản án được tuyên, tưởng chừng như cuộc sống của D.Th. bớt phần vất vả vì có được một số tiền trợ cấp từ phía gia đình ông Hương. Thế nhưng, chỉ được thời gian đầu, sau đó số tiền ấy chậm dần, ít dần rồi mất hẳn. D.Th. phải nghỉ học ở nhà chăm nuôi con nhỏ. Đứa bé sinh ra lại hay đau ốm vặt nên nhiều lúc hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc. Mới hơn 15 tuổi, bà mẹ trẻ con này vẫn còn “ăn chưa no, lo chưa tới” nên chuyện chăm sóc con cái chỉ trông vào một tay bà Liễu.
Ông Hồ Văn Phụng (cha của D.Th.), nét mặt hằn in những nét khắc khổ vì những tháng ngày phụ hồ, đẩy xe bò mưu sinh, chua chát nói: “Bữa ni nó đi đâu mất rồi chú ơi. Nghe nói nó đi vào trong Nam làm công nhân mà mấy tháng ni không thấy tin tức gì. Mà nó đi cũng phải thôi vì ở đây làm sao sống nổi với những điều tiếng của xóm giềng...”.
Mới 54 tuổi nhưng trông ông Phụng như ông lão 70. Ông không còn đủ sức làm lụng công việc đồng áng cũng như đi biển nữa. Ngày ngày, ông lân la với các đám thợ xây nhà để làm những việc vặt kiếm mấy chục ngàn nuôi gia đình.
“Nhiều khi thấy khổ tâm lắm, cầu trời khấn phật cho tôi khỏe thêm mấy năm nữa để đi làm nuôi cháu lớn thêm, chứ chừ nó mới gần 2 tuổi. Mỗi ngày tôi chỉ dám tiêu 20 ngàn, vì còn chắt bóp đề phòng lúc ốm đau!” - ông Phụng nói.
Còn bà Liễu thì khóc rấm rứt. Làm bà ngoại ở tuổi 42, bà Liễu héo hắt vì giờ không chỉ nuôi con mà còn phải nuôi cả cháu ngoại đang ẵm ngửa.
“Tám tháng nay rồi, tôi cứ vay mượn để mua sữa cho cháu. Nhiều người bảo tôi mang cho cháu đi nhưng đứa trẻ này vô tội. Rủi tôi cho cháu đi, sau này lỡ có việc gì thì đến chết tôi vẫn không khỏi ân hận! Thôi thì nó có cha đấy mà cũng như trẻ mồ côi. Mẹ nó thì bỏ đi mất rồi. Tui và ông ngoại nó cố chăm cho nó được chừng mô hay chừng ấy trong sức của mình thôi.” - bà Liễu nghẹn ngào.
Gia đình không có người lao động chính nên bà Liễu phải đi nhặt rác kiếm ăn từng bữa. Những hôm trời mưa, rét cũng đồng nghĩa với cái đói đe dọa. Khó khăn là thế nhưng vẫn chưa thấm gì với nỗi tủi nhục mà ông bà phải gánh chịu trước dư luận xóm làng. Mỗi lần ra đường, ông bà đều cúi mặt không dám nhìn ai. Bà Liễu nói: “Thôi thì con dại cái mang. Phận làm cha, làm mẹ, chúng tôi chỉ biết nén nỗi đau vào trong lòng mà chăm cháu cho chúng bớt phần thiệt thòi…”.
Cám cảnh với cuộc sống hiện tại của ông bà Liễu, chúng tôi lại càng thương đứa trẻ vô tình phải hứng chịu búa rìu dư luận ngay khi vừa mới chào đời. Và biết đâu ở nơi nào đó, cuộc sống vẫn có thêm những bi kịch đắng lòng khi "những con yêu râu xanh" vẫn náu mình trong làng, trong xóm.
Nhặt phân bò nuôi cháu
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công - Chủ tịch UBND xã Bình Triều (Thăng Bình, Quảng Nam) - cho biết: “Hoàn cảnh của ông Phụng, bà Liễu rất khó khăn.
Bà Liễu thì bệnh tật liên miên, còn ông Phụng thì ngày ngày đi phụ hồ, hết việc thì đi nhặt phân bò về bán lấy tiền.
Từ khi cháu D.Th. sinh con rồi bỏ đi, hai ông bà phải thay nhau chăm sóc đứa bé. Chính quyền địa phương cũng thường xuyên đến động viên, thăm hỏi nhưng cũng chỉ giúp đỡ được một phần để ông bà bớt vất vả”.