* Phóng viên:Tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng về trữ lượng bauxite của Việt Nam là 10-11 tỉ tấn có chính xác không, thưa ông?
- TS Nguyễn Khắc Vinh:
Tôi rất ngạc nhiên và phản đối kịch liệt việc Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng trữ lượng bauxite Việt Nam là 10-11 tỉ tấn và cũng không hiểu bộ trưởng căn cứ vào tài liệu nào.
Ở đây, phải phân biệt giữa tài nguyên và trữ lượng. Trữ lượng bauxite mà bộ trưởng nói đến chỉ là tài nguyên, còn muốn mở ra ngành công nghiệp bauxite - nhôm thì phải khoan thăm dò chi tiết, tính toán nhiều yếu tố chứ không thể căn cứ vào dự báo tài nguyên để làm luận chứng kinh tế cho dự án bauxite Tây Nguyên.
Hơn nữa, cho đến nay, trên các tài liệu đã công bố, Việt Nam chỉ có 6,9 tỉ tấn tài nguyên bauxite, còn Mỹ nhận định trữ lượng bauxite của Việt Nam chỉ có 2,1 tỉ tấn. Tuy nhiên, khi thăm dò chi tiết, trữ lượng có thể thấp hơn nữa. Trong khi trữ lượng bauxite của cả thế giới chỉ có 38 tỉ tấn. Lâu nay, Việt Nam hay dùng khái niệm trữ lượng là không chính xác, thậm chí còn nói “vống” trữ lượng lên để gây phấn khởi.
Đoàn chuyên gia khảo sát khu vực xây dựng Nhà máy Bauxite Nhân Cơ (Đắk Nông)
Ảnh: THU SƯƠNG
* Về mặt kinh tế, ông nhìn nhận thế nào về tiềm năng bauxite Việt Nam?
- Về bauxite, nếu nhìn ở góc độ kinh tế và khoa học thì lỗ nặng vì thị trường thế giới không lớn. Đây lại là lĩnh vực mới, phải đầu tư số tiền khổng lồ, trong khi giá bauxite rất rẻ (khoảng 35 USD/tấn) nên không phải là sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Mỗi năm, thế giới chỉ sử dụng 200 triệu tấn và với trữ lượng 38 tỉ tấn thì 100 năm nữa, thế giới mới sử dụng hết, điều này cho thấy nhu cầu về bauxite của toàn cầu là không nhiều. Vì vậy, nếu ta khai thác nhiều cũng chẳng bán được cho ai. Hiện nay, Trung Quốc gần như là khách hàng mua bauxite duy nhất của Việt Nam vì nhu cầu họ lớn nhưng trữ lượng có hạn.
Theo đánh giá của thế giới, trữ lượng bauxite của Trung Quốc chỉ có 700 triệu tấn và là loại mỏ bauxite Diaspore giống như Cao Bằng, Hà Giang, Hải Dương… chủ yếu trong hang đá, trữ lượng ít, không phải là loại Gibbsite như ở Tây Nguyên nên việc khai thác khó khăn, chi phí rất lớn.
Chính vì thị trường nhỏ, giá rẻ nên Guinea là quốc gia có trữ lượng bauxite đứng đầu thế giới, khoảng 8 tỉ tấn nhưng họ vẫn không tập trung khai thác. Thị trường bauxite thế giới đã ổn định. Châu Mỹ có Guinea, Jamaica, Brazil cung ứng; châu Âu có Ấn Độ và nhiều nước khác; Úc có trữ lượng 7 tỉ tấn, đứng thứ hai nên là nhà cung cấp chiến lược.
Ngoài ra, sản xuất nhôm từ bauxite phải cần nguồn điện dồi dào và giá rẻ nên thế giới cũng không mặn mà. Vì thế, đừng viển vông nghĩ bauxite là cứu cánh của Việt Nam hay Tây Nguyên.
Tính toán các yếu tố, nhất là trữ lượng bauxite thế giới và nhu cầu thực tế đã khẳng định khai thác bauxite Tây Nguyên không có lợi trong thời điểm này. Còn nếu tính đúng, tính đủ chi phí làm đường vận chuyển, cảng… thì lỗ nặng, chưa kể yếu tố hủy hoại môi trường.
* Vậy theo ông, đối với dự án bauxite Tây Nguyên, cần làm gì vào lúc này?
- Việc đã rồi thì phải tìm giải pháp để giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất nhưng giải pháp nào cũng phải đặt hiệu quả kinh tế của dự án lên trên hết.
Bao giờ thế giới tiêu thụ hết nhôm do Việt Nam sản xuất?
PGS-TS Nguyễn Khắc Vinh nhấn mạnh: “Một lần nữa, tôi không đồng tình với tuyên bố của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và nguyên bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên khi tuyên bố: Việt Nam là nước giàu khoáng sản, với trữ lượng 11 tỉ tấn bauxite có thể sản xuất ra 1 tỉ tấn nhôm để mang lại nhiều tỉ USD.
Cả thế giới mỗi năm tiêu thụ 40 triệu tấn nhôm thì đến bao giờ mới sử dụng hết 1 tỉ tấn nhôm Việt Nam dự định sản xuất?”.
|