Cập nhật lúc 16:43, 14/03/2013

Rút quy định phạt người đội mũ bảo hiểm ’rởm’

(ĐVO) - Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho hay, đến thời điểm hiện tại, thông tư số 06 chưa được ban hành và do đó không thể có hiệu lực vào ngày 15/4 tới như dự kiến.


Dừng phát hành

Chiều 13/3, Bộ Tư pháp đã chủ trì cuộc họp với đại diện Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông - Vận tải, Văn phòng Chính phủ, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (vắng đại diện Bộ Công an) và một số đơn vị liên quan của Bộ Tư pháp để trao đổi, thảo luận về tính hợp pháp của thông tư 06.

Bộ Tư pháp nhận thấy, một trong những quy định tại Thông tư 06 không được dư luận đồng tình là việc người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy, xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm và mũ phải đáp ứng được 10 tiêu chí. Mức phạt với người đội mũ không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng như đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách, từ 100.000 đến 200.000 đồng.

Thông tư số 06 được lãnh đạo của 4 Bộ ký, đã lấy số Thông tư, ngày, tháng, năm nhưng chưa được phát hành. Sau khi có ý kiến nhiều chiều từ dư luận, các bộ ký thông tư 06 đã thống nhất dừng việc phát hành để xem xét sửa đổi cho phù hợp với quy định của pháp luật.

 

Quy định phạt người đội mũ bảo hiểm giả chưa thể thực hiện. Ảnh Internet
Quy định phạt người đội mũ bảo hiểm giả chưa thể thực hiện. Ảnh Internet


Trước đó, TS Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp cho rằng: Theo quy định tại Điều 4 của Thông tư 06, rất khó khăn để xác định một chiếc MBH đạt chuẩn hay không. Ngay chiếc mũ do UB ATGT tặng cũng chưa biết có đạt chuẩn hay không.

Nếu dựa vào bộ quy chuẩn này, để bắt người đội mũ cũng như công an, cảnh sát nắm được, đối chiếu kiểm tra xác định hợp chuẩn hay không hợp chuẩn là một sự đánh đố.

Do đó, quy định buộc người dân phải biết mũ thật, mũ giả và là căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính là thiếu thuyết phục.

Dấu ấn Bộ trưởng Thăng

Trước đó, tại cuộc họp Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định Xử phạt Vi phạm Hành chính trong lĩnh vực giao thông Đường bộ-Đường sắt (với đầy đủ thành phần đại diện Bộ GTVT, Bộ Công an, Tư Pháp...), chiều 11/3, đã làm nóng 3 vấn đề: Phạt hay không phạt phương tiện chưa sang tên đổi chủ đúng quy định; phạt không đóng phí bảo trì đường bộ và đội mũ bảo hiểm ra sao.

Lần đầu tiên, Bộ GTVT công khai bày tỏ không đồng tình phạt xe chưa sang tên đổi chủ, cần tham khảo kỹ người dân. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công an lại bảo vệ quan điểm xử phạt. Thậm chí, một đại biểu Bộ Công an còn nói, báo chí bị thiểu năng vì tuyên truyền không đúng kết luận của cơ quan chức năng...

Một thành viên soạn thảo dự thảo thuộc Bộ Công an còn hàm ý: Bộ GTVT không nên chùn tay trước dư luận.

Chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng kết luận: “Bộ GTVT không chùn tay, mà thấy cần thiết phải dừng lại để lắng nghe ý kiến người dân, nếu không thì tham khảo người dân để làm gì. Điều gì không phù hợp và được đại đa số người dân ủng hộ thì nên thay đổi. Mục tiêu làm luật không phải để xử phạt, tránh khuynh hướng không quản được thì phạt”.

Ông Thăng cũng đề nghị Ban soạn thảo Dự thảo tiếp tục lấy ý kiến người dân từng việc cụ thể. Nếu các bộ, ngành có ý kiến khác nhau thì trình Chính phủ lấy ý kiến biểu quyết.
 

Mũ bảo hiểm thật bán ra tăng 500-600%

Tin từ Cục QLTT (ngày 13.3) cho biết, sau chiến dịch truy quét các địa điểm buôn bán MBH giả, MBH nhái... cùng với thông tin lực lượng CSGT và các cơ quan chức năng sẽ xử phạt người đi xe máy đội MBH giả, MBH không đạt tiêu chuẩn... mức tiêu thụ của các cửa hàng bán MBH đúng tiêu chuẩn tại thời điểm này đã tăng từ 500 – 600%.

Những điều mà người dân khi mua MBH hỏi cửa hàng bán sản phẩm đều rất giống nhau: Đội MBH này có bị công an phạt không? MBH này có đủ tiêu chuẩn mà nhà nước quy định không? Nếu bị ngã, loại mũ này có bảo vệ được người đi xe máy không bị thương tích không... Vậy là cho đến bây giờ, người dân đội MBH mới bắt đầu quan tâm đến giá trị đích thực của MBH.

  • Hiếu Lam (tổng hợp từ VNN, LĐ, TPO)
;
.