Xã hội

3/14/2013 06:01

'Không lo lạm quyền, vì nổ súng bắn người đâu dễ!'

- "Việc nổ súng bắn người đâu có dễ, từng có cán bộ thi hành án bắn trượt do quá run... nên không lo việc xảy ra lạm quyền" - Thiếu tướng Trần Văn Vệ nói.

>> Nỗi khổ 'được phát súng nhưng không dám bắn'

Xung quanh dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ của Bộ Công an, đến nay có nhiều ý kiến trái chiều.

Để giải thích rõ hơn về nội dung dự thảo cũng như những lo lắng của người dân xung quanh việc có thể lạm quyền, một số lãnh đạo Bộ Công an đã lên tiếng.

Cần thiết và không chồng chéo

Gần đây, đã có nhiều ý kiến cho rằng dự thảo trên của Bộ Công an là không cần thiết khi Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 đã quy định chi tiết trường hợp nào được nổ súng, được sử dụng vũ khí.

Và việc liên tiếp bổ sung, sửa đổi, chỉnh sửa bằng các văn bản dưới luật sẽ dễ gây rối loạn, người dân khó nắm bắt.

Thiếu tướng Trần Văn Vệ - (Ảnh: Tiền phong)

Trả lời rõ vấn đề này trên Tiền phong, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Hành chính về TTXH - Bộ Công an cho biết, Pháp lệnh 16 mới chỉ quy định một số trường hợp mang tính chất chung, chưa đáp ứng được hết những tình huống dẫn đến nổ súng.

Cũng trên báo này, Đại tá Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Công an giải thích thêm, đây không phải quy định mới, cũng không phải 'mở rộng quyền sử dụng vũ khí' cho lực lượng thi hành công vụ.

Nó chỉ làm rõ quyền đã được quy định trong Pháp lệnh 16, cũng như các quy định khác liên quan đến vấn đề này.

Đồng quan điểm, trên báo Giáo dục VN, Đại tá, PGS, TS. Trần Vi Dân – Vụ Phó Vụ Pháp chế, Bộ Công an cũng khẳng định các trường hợp nổ súng được quy định trong Pháp lệnh 16 còn rộng và mang tính bao quát, chưa cụ thể để có thể áp dụng được ngay.

Đại tá Dân cho biết, trước khi trình dự thảo, ban soạn thảo đã nghiên cứu kỹ các quy định liên quan trong Luật Hình sự, Pháp lệnh cũng như pháp luật của nhiều nước khác.

"Dự thảo Nghị định trên thống nhất, phù hợp với các văn bản pháp luật, đặc biệt là Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và các quy định pháp luật về phòng vệ chính đáng", Đại tá Dân khẳng định.

Ngoài ra, theo Đại tá Trần Vi Dân, người thi hành công vụ ở đây không chỉ là công an mà còn là các lực lượng khác như biên phòng, hải quan, cảnh sát biển...

Do vậy, việc quy định thêm trách nhiệm của quân đội trong dự thảo hoàn toàn hợp hiến.

Từ thực tế có hàng nghìn vụ chống người thi hành công vụ nhưng các cán bộ chiến sĩ có tâm lý “ngại” sử dụng súng, vì khi viên đạn ra khỏi nòng sẽ gắn với trách nhiệm giải trình rất khắt khe; nổ súng trong trường hợp không cần thiết sẽ phải chịu kỷ luật hoặc xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng, Đại tá Trương Quang Hưng, Trưởng phòng Pháp luật hình sự và cải cách hành chính, Vụ Pháp Chế (Bộ Công an) cho rằng, việc cho phép người thi hành công vụ được nổ súng là hoàn toàn phù hợp.

"Hiện nay, trước khi nổ súng ngay vào đối tượng thì người thi hành công vụ phải bắn chỉ thiên trước, nhưng nhiều khi lại bị đối tượng bắn hoặc tấn công trước nên người thi hành công vụ sẽ không bảo vệ được mình và bảo vệ được người khác... Do vậy, việc cho phép người thi hành công vụ được nổ súng là cần thiết", Đại tá Hưng nêu quan điểm trên báo điện tử Chính phủ.

Trước đó, khi được hỏi ý kiến xung quanh dự thảo của Bộ Công an, lãnh đạo Cục Kiểm lâm đều đồng ý tán thành.

Giải thích lý do, trên Tuổi trẻ, ông Trương Tất Bạt, Trưởng phòng tuyên truyền - xây dựng lực lượng (Cục Kiểm lâm) cho biết, lực lượng kiểm lâm mỏng, công cụ hỗ trợ hạn chế trong khi phải thi hành công vụ nơi hẻo lánh, trong rừng.

Trong khi đó, lâm tặc thì đông, rất manh động, táo tợn, ngang nhiên chống đối, thách thức và đánh trả kiểm lâm rất quyết liệt.

Đã có những trường hợp kiểm lâm nổ súng nhưng sau đó lại bị xử lý hình sự, nên tâm lý chung là kiểm lâm viên ngại dùng công cụ hỗ trợ.

Và chính vì những nguyên nhân này nên lâm tặc ngày càng lộng hành.

Không lo bị lạm quyền!?

Vấn đề lớn nhất xung quanh dự thảo của Bộ Công an là có thể dẫn tới tình trạng lạm quyền mà trên thực tế đã có không ít vụ việc được báo chí phản ánh.

Trả lời vấn đề này, trên Giáo dục Việt Nam, Đại tá Trần Vi Dân khẳng định không phải mọi trường hợp chống người thi hành công vụ đều được nổ súng.

Chỉ trong những trường hợp rất đặc biệt, không còn cách nào khác để bảo vệ tính mạng của mình thì người thi hành công vụ mới được phép nổ súng.

Công an TP.HCM buộc phải nổ súng trấn áp một tên cướp khi tên này lao lên xe bỏ chạy (Ảnh: Đàm Đệ)

"Nếu như hành vi chống người thi hành công vụ chỉ dừng ở lời nói, hành vi chửi bới, không có nguy cơ gây thương tích thì chắc chắn là không được nổ súng", ông Dân nói thêm.

Trao đổi với Tiền phong, Đại tá Trần Thế Quân cũng nhấn mạnh: "Chỉ có những hành động chống đối gây nguy hại cho tính mạng của người thi hành công vụ mới được phép sử dụng súng. Đó là loại tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như tổ chức buôn bán ma túy, điều khiển phương tiện lao thẳng vào xe, thậm chí dùng súng bắn người thi hành công vụ…

Lúc đó, lực lượng thi hành công vụ phải dùng súng bắn vào phương tiện hoặc vào đối tượng chống người thi hành công vụ để phòng vệ một cách tương xứng như quy định trong Bộ Luật Hình sự”.

Xung quanh những lo ngại của dư luận về tình trạng lạm quyền, cũng trên báo này, Thiếu tướng Trần Văn Vệ thừa nhận những trường hợp này là có, nhưng chỉ là hy hữu.

Thiếu tướng Vệ cho biết, khi quyết định nổ súng vào tội phạm còn phải cân nhắc nhiều điều, ngoài quy định còn là lương tâm con người với nhau…

"Nếu người thi hành công vụ cố tình vi phạm thì dù có quy định chặt chẽ đến mấy cũng vẫn xảy ra việc lạm quyền", ông Vệ nói.

Ông này cũng nói thêm: "Việc nổ súng bắn người đâu có dễ, từng có cán bộ thi hành án bắn trượt do quá run... nên không lo việc xảy ra lạm quyền".

Đề cập đến nội dung này, Đại tá Trương Quang Hưng cũng nói rõ khi trao đổi với báo điện tử Chính Phủ, Điều 18 của dự thảo đã quy định rất rõ những trường hợp thực tế nào người thi hành công vụ mới được nổ súng.

Mặt khác, không phải người thi hành công vụ nào cũng được trang bị vũ khí. Đối tượng nào được sử dụng súng đã được quy định trong Pháp lệnh 16.

Súng ở đây có thể là súng bắn đạn thật hoặc súng bắn đạn cao su.

"Vả lại, từ trước tới nay, các cơ quan chức năng luôn huấn luyện, tập huấn kỹ càng đối với người thi hành công vụ trước khi giao súng theo quy định của pháp luật sẽ nhận biết được các căn cứ thực tế để nổ súng", Đại tá Hưng cho biết.

Đ.Tâm (tổng hợp)

FMS Share This
Đánh giá:

Tin mới nhất


Các tin khác


Giới công sở TP.HCM “trẩy” chùa, cầu phúc đầu năm

Độc đáo phiên chợ chỉ dành cho… trẻ em

Dâng hương ở Đền Hùng trước giao thừa

Ngắm vườn 'kỳ hoa dị thảo' giữa Thủ đô

TP.HCM: Nữ CSGT xinh đẹp dẫn đoàn chính khách

Thêm địa phương điều nữ CSGT xuống phố

Nữ CSGT Sài Gòn cũng xuống phố

"Quán nước cờ tướng" đặc biệt ở Hà Nội

.
 
 
vietnamnet.vn
© 1997-2013 Báo VietNamNet. All rights reserved. Thông tin Tòa soạn - Liên hệ Tòa soạn - Nhận tin RSS
® Chỉ được phát hành lại thông tin từ website này khi có sự đồng ý bằng văn bản của báo VietNamNet.