07:14 | 14/03/2013

Đại sứ du lịch Việt Nam: Lại loay hoay quanh Lý Nhã Kỳ

> Lý Nhã Kỳ và 'nước cờ' đại sứ du lịch
> Lý Nhã Kỳ: Kẻ thù lớn nhất của tôi là tính đố kỵ

TP - Sáng 13-3, Bộ VHTTDL có một cuộc “Họp lấy ý kiến báo chí về đại sứ du lịch Việt Nam 2013-2014”.

Ông Trần Nhất Hoàng: “Lý Nhã Kỳ có ảnh hưởng trong nước và quốc tế”
Ông Trần Nhất Hoàng: “Lý Nhã Kỳ có ảnh hưởng trong nước và quốc tế”.

Có ủng hộ Lý Nhã Kỳ không?

Chủ tọa tuyên bố lý do xong, báo Công an Nhân dân nêu câu hỏi về tiêu chí, nhưng không phải là tiêu chí chọn đại sứ du lịch mà là “tiêu chí để Bộ mời tham khảo ý kiến? Vì tôi thấy có báo được mời có báo không được mời dù họ đều theo dõi văn hóa, du lịch”. Chỉ khoảng hai chục báo có tên trong danh sách mời, nhưng số kéo đến gần gấp đôi.

Ông Trần Nhất Hoàng- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thể thao và Du lịch của Bộ trả lời: “Chúng tôi mời dựa trên tần suất quan tâm của nhà báo về việc bổ nhiệm đại sứ du lịch, và có hiểu biết về vấn đề này”. Nhà báo vặn tiếp: “Vậy những người không được mời là những người không hiểu biết?”.

Ông Nguyễn Văn Tình: “Chưa ai thay thế được Lý Nhã Kỳ trong vai trò đại sứ du lịch”
Ông Nguyễn Văn Tình: “Chưa ai thay thế được Lý Nhã Kỳ trong vai trò đại sứ du lịch”.

Trước đó, một số báo chủ động tìm hiểu về cuộc trưng cầu thì được người của Bộ ướm hỏi: Có ủng hộ Lý Nhã Kỳ không?, và khi không thể đáp ngay rằng “có”, liền không có tên trong danh sách mời.

Người dự họp được phát một lá phiếu. Trên phiếu ghi ba cái tên để mọi người tích vào: Huỳnh Thị Ngọc Hân (đại sứ du lịch sinh viên, Australia), Lý Nhã Kỳ, Đỗ Thị Hồng Thanh (giáo viên tiếng Anh, Hà Nội). Có phóng viên phát hiện ứng viên thứ ba thực ra tên là Thuận, thế là một nhân viên hành chính đi thu lại từng lá phiếu, sửa thành Đỗ Thị Hồng Thuận!

Uy tín và ảnh hưởng của Lý Nhã Kỳ?

Bức ảnh do Lý Nhã Kỳ cung cấp cho PV báo điện tử, với chú thích đại ý: các em bé ở Cape Town (Nam Phi) nghĩ đại sứ du lịch Việt Nam là một cô công chúa
Bức ảnh do Lý Nhã Kỳ cung cấp cho PV báo điện tử, với chú thích đại ý: các em bé ở Cape Town (Nam Phi) nghĩ đại sứ du lịch Việt Nam là một cô công chúa.

 

Tại cuộc họp sáng 13-3, phóng viên Tiền Phong nêu hai câu hỏi với đại diện Bộ VHTTDL chủ tọa cuộc trưng cầu:

Đọc 8 tiêu chí chọn đại sứ du lịch Việt Nam, thấy có 2 tiêu chí như sau: 1/Có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực hoạt động của mình, có thành tựu nổi bật trong hoạt động nghề nghiệp và xã hội: 2/Có uy tín và có ảnh hưởng tích cực đối với xã hội.

Vậy ứng viên tiềm năng Lý Nhã Kỳ như các vị thuyết trình - đáp ứng hai tiêu chí này như thế nào? Ví dụ thành tựu nổi bật trong hoạt động nghề nghiệp của Lý Nhã Kỳ là gì, ngoài kinh doanh còn nổi bật trong nghề gì nữa? Và xin nêu quan điểm Lý Nhã Kỳ “có uy tín và ảnh hưởng tích cực đối với xã hội” như thế nào?

Thứ hai: Thời gian qua, đại diện lãnh đạo Bộ khen ngợi Lý Nhã Kỳ trên báo chí như một gương mặt đại sứ không thể thay thế được. Bộ cũng tặng bằng khen cho cô về thành tích nổi bật nhiệm kỳ năm qua. Nhưng một đại sứ du lịch Việt Nam đầu tiên mà gần như không được xuất hiện trên truyền hình quốc gia và các báo chính trị xã hội lớn với tư cách đại sứ đi quảng bá du lịch, lại chủ yếu xuất hiện trên một số báo mạng để kể chuyện đời tư, tiện thể nói về chuyện làm du lịch, thì có phải là một nhiệm kỳ thành công? Và sau đây nếu Bộ bổ nhiệm tiếp mà tình hình vẫn như vậy thì sao?

Ông Trần Nhất Hoàng giải đáp. Lý Nhã Kỳ có uy tín, ảnh hưởng trong giới điện ảnh. Đóng góp từ thiện tích cực, là ngôi sao được nhiều báo mạng quan tâm, còn “không biết muốn lên báo chính thống thì phải làm cách nào?”. Tóm lại, khẳng định Lý Nhã Kỳ đáp ứng tiêu chí “có uy tín và ảnh hưởng tích cực đối với xã hội”, luận chứng của ông chủ yếu xoay quanh việc cô làm từ thiện.

Ông Hoàng không quên cám ơn một báo điện tử đã làm cuộc trưng cầu độc giả để rồi Lý Nhã Kỳ được tới 71% số người ủng hộ! Ông đọc một số bình luận của độc giả “Tôi rất tâm đắc”, “Tôi ủng hộ” (Lý Nhã Kỳ).

Báo này còn đưa những cuộc trưng cầu kiểu như: Theo bạn, Lý Nhã Kỳ nên mặc váy hồng hay váy xanh đến dự giải Cánh Diều (9-3-2013). Bởi tứ của bài là: Lý Nhã Kỳ phân vân không biết nên lựa váy nào để đi hội. Kết quả 34% độc giả khuyên chọn váy hồng, 4% váy xanh. 62% độc giả phán: cả hai bộ đều không ổn!

Ông Tình Cục trưởng Cục hợp tác Quốc tế cho biết ngoài báo chí, sẽ tham khảo một số công ty lữ hành rồi mới chốt vấn đề đại sứ du lịch. Kết thúc, phóng viên Sài Gòn giải phóng nêu lại một vấn đề khiến chị không thỏa mãn từ cuộc họp cách nay một năm ở Bộ, xung quanh mảnh bằng của Lý Nhã Kỳ. Số là vì có lời đồn về bằng cấp của Lý Nhã Kỳ, năm ngoái báo chí đã đề nghị Bộ trình ra nhưng không được. Nay ông Tình nói: “Tôi mệt với chuyện này lắm rồi, thôi anh Hoàng đưa bằng ra đi”…

 Đại sứ du lịch ở các nước

Hình thức đại sứ du lịch chủ yếu chỉ được ưa thích ở châu Á. Như Philippines, đại sứ du lịch là Hoa hậu Du lịch Philippines.

Nhật Bản có nhiều đại sứ du lịch người Nhật và người nước ngoài. Năm 2008, Bộ trưởng Du lịch nước này chọn mèo Hello Kitty là đại sứ du lịch của Nhật Bản tại Trung Quốc và Hongkong, nơi hình tượng mèo Kitty hấp dẫn trẻ em và phụ nữ.

Nhiều quốc gia phát triển không quan tâm bầu đại sứ du lịch, mà chú tâm vào các hoạt động thiết thực. Chẳng hạn, ở Pháp nhiều vùng và thành phố: Grasse, Côte d’Azur, Loiret... cấp các Thẻ Đại sứ Du lịch của thành phố, kèm một số ưu đãi người dân trong vùng, với điều kiện đưa thêm khách tham quan trả tiền đầy đủ đến các điểm tham quan.

Ngoài ra, cơ quan du lịch của thành phố tổ chức các khóa đào tạo miễn phí cho tất cả dân chúng có kiến thức cơ bản, và cho những ai có nhu cầu hiểu biết sâu về lịch sử, văn hóa của thành phố đó.

Châm ngôn của họ là: “Người ta sẽ nói tốt hơn về điều họ hiểu rõ”, khuyến khích người dân trở thành các đại sứ đón tiếp, cung cấp thông tin hữu ích cho du khách. Hình thức này cũng tương tự một số thành phố ở Mỹ.

Toan Toan

Dương Phương Vinh

Tôi thấy ta nên học tập các nước, như nội dung nêu trong khung ở cuối bài báo.

Đại sứ du lịch là phải thể hiện được sự đặc sắc của hoạt động du lịch nước nhà, chứ không phải chỉ để khoe hình thể. Những người nông dân đội nón mê, mặc áo nâu, bên ngoài khoác áo tơi (chả biết có còn nhiều người biết cái áo tơi là gì không?), cần cù chăm chỉ trên đồng ruộng thanh bình với con trâu, búi tre ... sẽ thu hút được nhiều khách đến VN hơn là các cô nàng chưa đủ đẹp và lịch thiệp bằng những cô gái đẹp của quốc tế.
PVDH
Các tin khác