Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội Lê Việt Trường nêu quan điểm.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Việt Trường, cho biết, băn khoăn của người dân về đề xuất cho phép lực lượng thi hành công vụ nổ súng trực tiếp vào người chống người thi hành công vụ (trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng)… là đúng. Ngay cả việc người dân cầm súng, theo ông Trường lực lượng thi hành công vụ cũng không thể nổ súng ngay vì chưa biết súng của dân là thật hay giả.
Ông Lê Việt Trường - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội (ảnh TTO)
Đề xuất cho phép lực lượng thi hành công vụ nổ súng trực tiếp vào người chống đối (trường hợp có thể gây hậu quả nghiêm trọng) khiến người dân có những lo ngại. Những lo ngại đó của người dân là có cơ sở, thưa ông?
Tôi cho rằng lo ngại đó của người dân là đúng. Người thi hành công vụ không thể thấy người dân cầm súng là nổ súng ngay vào họ vì lúc đó anh chưa biết súng của người dân là thật hay giả. Hơn nữa, người dân không phải là kẻ thù nên nổ súng trực tiếp vào người dân là không được. Thực tế chúng ta vẫn chứng kiến người thi hành công vụ hi sinh khi làm nhiệm vụ nhưng cũng không phải vì thế mà có thể xem nhẹ mạng sống của người khác.
Thời kỳ tôi ở Úc đã từng chứng kiến trường hợp một cảnh sát trẻ bị bọn cướp bắn trực tiếp vào người mà không kịp phản xạ. Sau vụ việc người ta cũng thảo luận rất gay cấn về việc cho phép cảnh sát dùng súng như thế nào. Tuy nhiên, mọi việc sau đó vẫn không thể khác, người thi hành công vụ ở Úc vẫn phải tuân thủ quy trình sử dụng súng rất nghiêm ngặt.
Thực tế người thi hành công vụ gặp phải hàng ngàn tình huống chống đối khác nhau. Do vậy, nếu cho phép nổ súng thì trường hợp nào được bắn, trường hợp nào không cũng là điều rất dễ nhầm lẫn khi tác nghiệp tại hiện trường?
Đúng vậy! Thực tế hoạt động công vụ gặp phải hàng nghìn trường hợp chống đối khác nhau, trong đó cũng không có trường hợp nào giống trường hợp nào. Do vậy, phải xem xét lại cái quyền của người thi hành công vụ được bắn người chống đối gây hậu quả nghiêm trọng vì nếu phán đoán, đánh giá không chuẩn xác thì hậu quả cũng khó lường.
Nếu cho phép nổ súng chống người thi hành công vụ, trong trường hợp cụ thể, việc bắn hay không bắn vẫn phụ thuộc rất lớn vào kinh nghiệm và bản lĩnh của người thi hành công vụ?
Nổ súng hay không, theo tôi nó chỉ là sự phán đoán và đánh giá tình huống của người thi hành công vụ. Phán đoán đánh giá tình huống của một anh dày dạn kinh nghiệm trận mạc khác hẳn với một anh mới vào nghề. Quyết định nổ súng còn gắn với trách nhiệm của người thi hành công vụ.
Lực lượng cảnh sát 141 Hà Nội luôn đối mặt với hiểm nguy
Không chỉ e ngại người thi hành công vụ “nhầm lẫn” các tình huống nổ súng, nhiều người còn lo ngại khi có thêm quyền một số chiến sĩ có thể lạm dụng quyền bắn trong những trường hợp không cần thiết?
Đây không còn là lo ngại nữa vì thực tế nó đã diễn ra rồi. Trường hợp ở Thái Nguyên trước đây là một ví dụ mà báo chí đang nhắc lại. Có hai người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, không dừng xe theo hiệu lệnh của cảnh sát giao thông. Trường hợp đó đâu có phải người ta dùng hung khí chống lại. Đó cũng không phải là trường hợp gây nguy hại đến tính mạng người thi hành công vụ thế mà lại dùng súng bắn vào đùi người ta.
Trước những lo ngại của người dân, tới đây Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội có xem xét và cho ý kiến về đề xuất của Bộ Công an không, thưa ông?
Chúng tôi đang tính toán. Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội và nhất là tiểu ban về trật tự an toàn xã hội có lẽ sớm xem xét vấn đề này và phải có ý kiến cụ thể.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong