- Dự thảo luật Tiếp công dân quy định, bộ trưởng phải trực tiếp tiếp dân ít nhất 1 ngày trong tháng, trừ trường hợp đột xuất. Lãnh đạo cấp tỉnh phải tiếp dân 2 ngày/tháng.
Ủy ban Pháp luật sáng nay đã chủ trì phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án luật Tiếp công dân, do Thanh tra Chính phủ soạn thảo. Dự án luật đã được Chính phủ thông qua tại phiên họp đầu năm và sẽ trình Ủy ban Thường vụ QH vào tuần tới.
Việc thu hồi, giải tỏa, đền bù đất đai cho các dự án là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất hiện nhiều đoàn khiếu nại, tố cáo. Ảnh minh họa: Minh Thăng |
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, công tác tiếp dân vừa qua vẫn còn nhiều tồn tại. Đó là việc lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tiếp công dân. Do đó, việc tiếp dân vừa qua còn làm hình thức, có tình trạng khoán trắng cho công chức tiếp dân. Thậm chí, có nơi còn có biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, thái độ không đúng mực với người dân đến khiếu nại, tố cáo hoặc thậm chí là nêu kiến nghị. Vẫn xảy ra tình trạng né tránh trách nhiệm, hướng dẫn dân không đúng quy định.
Trong hoạt động tiếp công dân, chưa phân định rõ việc tiếp dân của người đứng đầu với việc tiếp của công chức, đặc biệt, chưa có quy định rõ giữa việc tiếp dân định kỳ với tiếp dân theo yêu cầu khẩn thiết với những vụ việc phức tạp, có nhiều người tham gia.
Để khắc phục những hạn chế nói trên, dự thảo luật đã được thiết kế gồm 10 chương với 71 điều.
Theo đó, dự thảo quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc tiếp công dân. Người đứng đầu các cơ quan phải trực tiếp đứng ra tiếp dân theo định kỳ, có kế hoạch đi thực tế, tiếp xúc với nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng quần chúng, giải trình về những ý kiến thắc mắc của nhân dân. Người đứng đầu cũng có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời xem xét, giải quyết các vướng mắc, khiếu nại.
Dự thảo luật cũng quy định, bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ phải trực tiếp đứng ra tiếp dân ít nhất 1 ngày trong tháng, trừ trường hợp đột xuất. Lãnh đạo cấp tỉnh phải tiếp dân 2 ngày/tháng.
Trường hợp người đứng đầu không giải quyết kịp thời các khiếu nại tố cáo thi chánh thanh tra có quyền để nghị xử lý vi phạm, hoặc có thể thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Khiếu nại tập thể phải cử đại diện
Cũng theo dự thảo, trong trường hợp người dân đi khiếu nại tập thể thì phải cử đại diện. Trường hợp có 5 - 10 người thì cử từ 1 đến 2 đại diện. Nếu là đoàn trên 10 người thì có thể cử tới 5 đại diện.
Trong buổi họp thẩm tra sơ bộ sáng nay, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí với sự cần thiết phải ban hành luật về tiếp dân. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn bởi vừa qua, Quốc hội mới thông qua một số văn bản pháp luật quy định về hoạt động tiếp công dân như luật Khiếu nại năm 2011, luật Tố cáo năm 2011…
Trong trường hợp luật Tiếp công dân được ban hành thì tất cả các quy định liên quan nói trên sẽ bị bãi bỏ, thay thế trong khi luật vừa có hiệu lực.
Ủy ban Pháp luật cũng nhận xét dự thảo mới chỉ pháp điển hóa một phần các quy định hiện có về công tác tiếp dân trong các văn bản hiện nay. Trong khi đó, nhiều quy định trong dự thảo về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp dân mới dừng ở mức độ chung chung chứ chưa có những thay đổi, cải tiến mang tính đột phá. Phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật còn có những điểm trùng lặp với các luật khiếu nại, tố cáo khác.
Lê Nhung