Thứ Sáu, 15/03/2013 - 04:13

Tại sao sách có nội dung xâm hại chủ quyền quốc gia, vẫn xuất bản?

Trong thời gian qua, sự phát triển về chất của ngành xuất bản dường như chưa theo kịp sự phát triển về lượng. Tình trạng xâm phạm bản quyền song hành cùng với nạn in lậu vẫn là một căn bệnh mãn tính kéo dài trong nhiều năm.

Nghiêm trọng hơn, nhiều cuốn sách có vấn đề về mặt nội dung, thậm chí xâm hại đến chủ quyền quốc gia, dù đã qua nhiều khâu biên tập nhưng vẫn bị “lọt lưới” và được phổ biến ngoài xã hội điển hình như trường hợp sách tham khảo cho thiếu nhi có in cờ nước ngoài gây phản cảm mà báo chí đã phát hiện trong thời gian gần đây. Tình hình tái diễn những sai phạm trong ngành xuất bản cho thấy đã đến lúc, cần có một cái nhìn sâu hơn vào những nguyên nhân sâu xa của sai phạm để từ đó đề ra được giải pháp có tính khả thi để khắc phục những yếu kém đó, trước hết là trong khâu biên tập, duyệt xuất bản.

Trước hết, có thể thấy, nhu cầu tồn tại trong cơ chế thị trường tạo nên sức ép về doanh số đè nặng lên tất cả các đơn vị tham gia xuất bản. Lợi nhuận buộc các đơn vị xuất bản đều phải tăng số lượng sách xuất bản song song với việc tăng số lượng phát hành. Chính điều đó đặt lên vai người làm công tác biên tập một gánh nặng rất lớn về công việc. Về đội ngũ biên tập viên, cũng cần phải thấy một thực tế có thật là so với những doanh nghiệp tham gia liên kết, các nhà xuất bản rõ ràng có được ưu thế lớn về mặt nguồn nhân lực. Xét về lý thuyết, đây là nơi đội ngũ biên tập viên được tuyển chọn một cách nghiêm ngặt đồng thời cũng là nơi thường xuyên nhận được sự hỗ trợ về đào tạo nghiệp vụ cũng như lý luận chính trị. Ít nhất, các vị trí chủ chốt của một nhà xuất bản chắc chắn đều phải được đào tạo qua các lớp bồi dưỡng thường xuyên vê lý luận chính trị. Hơn thế nữa, với chủ trương tăng quyền tự chủ cho những nhà xuất bản thì đây cũng là những người giữ vai trò quyết định trong quy trình xuất bản một cuốn sách. Bởi vậy, trách nhiệm trong việc để “lọt lưới” những ấn phẩm có vấn đề về mặt nội dung cần phải quy cho những cán bộ thuộc hệ thống các nhà xuất bản, không thể có tình trạng hưởng lợi nhuận trong khi rủi ro về pháp luật và kinh tế lại dồn hết cho các đối tác liên kết.

Bên cạnh nguyên nhân chạy theo lợi nhuận đến mức buông lỏng việc biên tập, xét duyệt về nội dung, biến các nhà xuất bản thành những nơi “bán giấy phép” hưởng lợi nhuận, có các nguyên nhân bắt nguồn từ tình trạng yếu kém về nghiệp vụ. Mặc dù được bồi dưỡng về nghiệp vụ và lí luận chính trị nhưng dường như, vẫn còn có tình trạng chưa chuyển hóa được ý thức văn hóa và ý thức chính trị thành những quy trình công tác cụ thể. Việc thẩm định về nội dung của một xuất bản phẩm không thể chỉ dừng lại ở việc thẩm định khái quát về nội dung mà còn phải tiến hành việc rà soát từ những đơn vị nhỏ nhất của một ấn bản phẩm như hệ thống minh họa, phát ngôn của các nhân vật, hệ thống trích dẫn và bình luận…
 
Tại sao sách có nội dung xâm hại chủ quyền quốc gia, vẫn xuất bản?

Một nguyên nhân quan trọng khác là dường như người làm công tác biên tập xuất bản dường như chưa thích nghi kịp với tính đa dạng của môi trường trong nước cũng như quốc tế. Điều này là đặc biệt quan trọng khi liên quan đến lĩnh vực xuất bản các ấn phẩm dịch thuật. Nếu như trước đây, các quan hệ giao lưu văn hóa chủ yếu chỉ diễn ra giữa Việt Nam và các nước trong khối xã hội chủ nghĩa với sự tương đồng rất cao về ý thức hệ, thể chế chính trị, chuẩn mực đạo đức và văn hóa thì ngày ngay, các quan hệ đó đã mở ra với tất cả các nước trên thế giới với một sự đa dạng ngày càng cao. Tính đa dạng đó được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực sách xuất bản, từ sách văn học, sách tham khảo cho đến sách dành cho thiếu nhi và ở nhiều cấp độ, từ nhỏ nhất như tranh minh họa cho đến những cấp độ nội dung cao hơn. Vậy mà nhu cầu dịch thuật, nhập khẩu các sản phẩm văn hóa nước ngoài vào Việt Nam lại hết sức cao đi liền với việc lợi nhuận thu được từ các sản phẩm dịch thuật là không nhỏ. Chính tình hình này đặt người làm công tác biên tập xuất bản trước những thử thách. Nếu như các công ước quốc tế liên quan đến dịch thuật buộc các đơn vị xuất bản phải tôn trọng tính toàn vẹn về nội dung của ẩn phẩm thì người làm công tác xuất bản vẫn còn một quyền quan trọng là lựa chọn hay không việc nhập khẩu ấn phẩm thông qua con đường dịch thuật. Tất nhiên, bên cạnh việc từ chối dịch, người biên tập cũng có thể can thiệp vào bản dịch bằng nhiều con đường khác nhau như định hướng việc tiếp nhận thông qua hệ thống lời nói đầu, lời tựa cũng như các chú thích chứa đựng bình luận đi kèm với bản dịch. Đó là chưa kể tới việc định hướng dư luận thông qua các chiến dịch truyền thông sau xuất bản.

Xét một cách tổng thể, cần có một chiến lược trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập viên. Để làm được điều đó, không cách nào khác, cần phải khuyến khích việc mở rộng hệ thống đào tạo biên tập xuất bản ở bậc đại học, đặc biệt là các đại học tổng hợp có nghiên cứu khoa học cơ bản. Cũng có thể tính tới việc hình thành hệ thống chứng chỉ hành nghề đối với biên tập xuất bản với tư cách là một lĩnh vực nghề nghiệp đặc biệt (tương tự như một số lĩnh vực khác mà điển hình là kinh doanh dược phẩm). Ưu thế của hệ thống chứng chỉ hành nghề là khuyến khích người lao động có trình độ học vấn đa dạng tham gia vào công tác xuất bản sau khi có sự bổ sung kiến thức nghiệp vụ xuất bản. Hệ thống chứng chỉ hành nghề cũng là một công cụ để quản lí quá trình hành nghề của đội ngũ biên tập xuất bản. Cũng cần phải xác định những lĩnh vực có tính đặc thù trong ngành xuất bản (sách cho thiếu nhi, sách tham khảo, sách liên quan đến y học…) để từ đó, đặt ra những yêu cầu cao hơn về quy trình từ thẩm định bản thảo đến biên tập, xét duyệt xuất bản mà trong đó, bắt buộc phải có sự tham gia của hệ thống chuyên gia có chuyên môn sâu.

Cũng không thể bỏ qua việc hoàn thiện hệ thống pháp luật với các biện pháp chế tài không chỉ dừng lại ở các công cụ kinh tế (điều có thể được bù đắp dễ dàng thông qua việc in lậu) đồng thời có chính sách liên đới về trách nhiệm giữa nhà xuất bản và đơn vị liên kết. Và cuối cùng, việc phát triển nguồn nhân lực, việc hoàn thiện hệ thống chế tài không thể tách rời việc hoàn thiện cơ chế thẩm định, hậu kiểm sau xuất bản để đảm bảo có được sự đánh giá khách quan, khoa học với các hiện tượng “có vấn đề” trong lĩnh vực xuất bản, tránh cả tình trạng “lọt người, lọt tội” lẫn tình trạng “oan sai” trong xử lí.

Có thể nói, hơn lúc nào hết, thực tế đang đặt ra những yêu cầu cấp bách về việc nâng cao chất lượng của lĩnh vực xuất bản và quản lí xuất bản.

Phạm Xuân Thạch

Tại sao sách có nội dung xâm hại chủ quyền quốc gia, vẫn xuất bản? Tại sao sách có nội dung xâm hại chủ quyền quốc gia, vẫn xuất bản?
6 10 1
Tại sao sách có nội dung xâm hại chủ quyền quốc gia, vẫn xuất bản? Tại sao sách có nội dung xâm hại chủ quyền quốc gia, vẫn xuất bản? 10 6 1