Những thủ đoạn khốc liệt nơi phim trường trước 1975 giờ mới kể
(Dân Việt) - Hậu trường xi-nê Sài Gòn từng xảy ra những âm mưu, thủ đoạn cạnh tranh thị phần giữa chủ các hãng phim, chủ rạp; chuyện diễn xuất của các minh tinh màn bạc...
Từ năm 1955 - 1975 là giai đoạn phát triển rầm rộ của điện ảnh Sài Gòn với sự xuất hiện của trên 25 hãng phim tư nhân. Hậu trường xi-nê (ciné) Sài Gòn từng xảy ra những âm mưu, thủ đoạn cạnh tranh thị phần giữa chủ các hãng phim, chủ rạp; chuyện diễn xuất của các minh tinh màn bạc; “bút chiến” giữa tác giả và đạo diễn và những chuyện khôi hài đến cười ra nước mắt.
Ai đã hạ "Lý Tiểu Long" trên đất Sài Gòn?
Ngày 1.11.1972, bộ phim hài Nhà tôi (đạo diễn Lê Dân) dự kiến được công chiếu tại 10 rạp ở Sài Gòn. Cùng thời điểm này, bộ phim Tinh Võ Môn với sự góp mặt của “ngôi sao kungfu” Bruce Lee (Lý Tiểu Long) rục rịch đổ bộ vào “Hòn ngọc Viễn Đông” và cũng dự kiến ra rạp ngày 1.11.1972.
|
Đoàn làm phim Nhà tôi ra mắt năm 1972. |
Bộ phim Nhà tôi phóng tác từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Duyên Anh - Vũ Mộng Long, do hãng Lidac Films (của ông Phạm Hoàng Kim) sản xuất. Phim màu Scope 35mm, màn ảnh rộng, dài 90 phút, quy tụ nhiều nghệ sĩ đang ăn khách như La Thoại Tân, Túy Hồng, Mai Lệ Huyền, Hà Huyền Chi, Kim Cúc, Thanh Việt, Phi Thoàn, Khả Năng, Hoàng Mai, Thanh Hoài, Bé Bự…
Trong khi đó, sau cơn địa chấn về doanh thu khắp Hoa lục và Đông Nam Á của bộ phim Đường sơn đại huynh (The Big Boss), thừa thắng xông lên, các nhà làm phim Hong Kong tiếp tục tung ra bộ phim võ thuật Tinh Võ Môn (The Chinese Connection) dựa vào tài “đấm đá thần sầu” của “Lý tam cước” cùng nữ minh tinh Miêu Khả Tú.
Do ra rạp cùng thời điểm, Nhà tôi và Tinh Võ Môn đều ra sức cạnh tranh, mở những chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên mặt báo, phát tờ bướm, chạy xe đọc loa, treo pa-nô, dán áp phích dày đặc các cột điện. Nhận thấy nếu như ra rạp cùng thời điểm với Tinh Võ Môn, phim Nhà tôi khó lòng cạnh tranh nổi với tài năng của “ông vua kungfu” Lý Tiểu Long đang ăn khách, nhất là sau lưng họ Lý là hàng chục ngàn khán giả người Hoa sẵn sàng bỏ tiền mua vé để chiêm ngưỡng thần tượng đến từ Hương Cảng.
Trước nguy cơ trắng tay, Giám đốc Lidac Films Phạm Hoàng Kim lập tức vạch ra một kế hoạch nhằm “hạ độc” bộ phim quyền cước. Sứ mệnh được giao phó cho “thích khách” Trương Vĩ Nhiên (ngoài Giám đốc Phạm Hoàng Kim bỏ tiền đầu tư, kinh phí thực hiện Nhà tôi còn có phần hùn của ca sĩ Thanh Thúy, nghệ sĩ Túy Hoa và ông Trương Vĩ Nhiên, mỗi người một triệu đồng). Trước “cái chết” đã được dự báo của Nhà tôi mà bản thân có phần hùn, ông Trương Vĩ Nhiên dĩ nhiên phải dốc hết tâm trí tung chiêu độc nhằm “ém” Tinh Võ Môn ra rạp!
Giai đoạn 1960 - 1974, Sài Gòn - Chợ Lớn có khoảng trên dưới 40 rạp chiếu bóng lớn nhỏ nhưng chỉ có khoảng 10 rạp nằm ở vị trí đắc địa, hút khách, gồm: Rex, Văn Hoa (Đa Kao), Văn Hoa (Sài Gòn) của ông Ưng Thi, rạp Hưng Đạo của ông Quách Thoại Huấn, rạp Nguyễn Văn Hảo của ông Nguyễn Văn Đối, 5 rạp còn lại là Kim Châu, Mỹ Đô, Tân Bình, Opera và Thủ Đô thuộc sở hữu của ông Trương Vĩ Nhiên. Như vậy, sứ mệnh của tỷ phú người Tiều là phải thuyết phục 3 ông chủ kia chịu nhường 5 rạp chiếu bộ phim Nhà tôi.
Trương Vĩ Nhiên, người Triều Châu, là Giám đốc Mỹ Ảnh Films và Công ty Viễn Đông, “trùm xì thẩu” ngành “chớp bóng” Sài Gòn - Chợ Lớn trong việc độc quyền nhập và khai thác phim Hong Kong của 2 hãng Show Brothers (Thiệu Thị) và Golden Harvest (Gia Hòa). Dù là tỷ phú nhưng ông Nhiên sống rất giản dị, ít phô trương. Dáng dấp nhà tài phiệt họ Trương thấp đậm, khuôn mặt tròn, chân mày rậm, chưa nói đã cười, dù là người Tiều nhưng phát âm đặc sệt nông dân Nam bộ. Ông Nhiên luôn cư xử nhã nhặn, lịch thiệp, vì vậy rất được lòng nhiều người.
Với tài thương thuyết chẳng kém Tô Tần, Trương Nghi đời Chiến Quốc, ông Trương Vĩ Nhiên tuy mất khá nhiều thời gian, công sức cùng…“phong bì” nhưng rốt cuộc đã thành công mỹ mãn khi thuyết phục các ông chủ của 5 rạp trên “đẩy” Tinh Võ Môn “dạt” ra những rạp nhỏ, thưa khán giả. Không thể trình làng Tinh Võ Môn ở những rạp lớn như dự định ban đầu, các nhà đầu tư Hong Kong phải “bấm bụng” lùi lịch chiếu lại một tuần.
Họ khá cay cú vì bị “ém” hết rạp “ngon” nhưng cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” bởi “phép vua thua lệ làng”. Tội nhất là hàng ngàn người Hoa ở khu Chợ Lớn chờ dài cổ thêm 7 ngày mới được chiêm ngưỡng thần tượng họ Lý. Khi đã “1 mình 10 rạp” không có đối thủ cạnh tranh, dĩ nhiên Nhà tôi thắng lớn khi phá kỷ lục doanh thu đối với một bộ phim Việt Nam (thu 35 triệu đồng/tuần). Trong đó, công đầu thuộc về “nhà thuyết khách” Trương Vĩ Nhiên, mặc dù hành động “lòn cửa sau” của ông không được “trượng phu” cho lắm!
Cũng cần nói thêm, ngoài 10 rạp nêu trên, Nhà tôi còn được công chiếu cùng lúc tại hai rạp Charm Thai (Bangkok - Thái Lan) và Olympic (Phnom Penh – Campuchia) trong vòng 45 ngày.
“Bút chiến” dữ dội vì… mùi toilet
Sáng thứ hai (23.10.1972), bộ phim Nhà tôi đã tổ chức buổi chiếu chiêu đãi tại rạp Nguyễn Văn Hảo (nay là Nhà hát kịch Thành phố). Không rõ vô tình hay hữu ý mà trên thiệp mời sắp xếp tác giả tiểu thuyết Nhà tôi ngồi ở vị trí cánh gà sát bên cạnh… toilet! Do không thể chịu nổi mùi amoniac nồng nặc, sau khi “nín thở, bịt mũi” xem chưa hết bộ phim, hai vợ chồng nhà văn Duyên Anh bực tức bỏ ra về trước ánh mắt ngạc nhiên của nhiều quan khách.
Ngày hôm sau, tác giả tiểu thuyết Nhà tôi đã “đăng đàn” trên nhiều tờ báo, tạp chí, “chửi” thậm tệ bộ phim. Tờ Kịch Ảnh ra ngày 30.10.1972 đăng: “…Tác phẩm của tôi không cần sự trợ giúp của mấy anh hề”; “… Tôi bàng hoàng và xấu hổ khi xem phim. Lời thoại bị sửa đổi thêm bớt một cách ngớ ngẩn và thô bạo.
|
Rạp Nguyễn Văn Hảo của ông Nguyễn Văn Đối. |
Tôi không đủ can đảm coi tiếp mà ra về với mặt mũi đỏ bừng, có cảm tưởng mình vừa diện một đôi giày mới nhưng lại đạp nhầm con chuột chết!”, “…Cô đào già Túy Hồng mà diễn xuất những pha ngây thơ thì vua xứ mọi xem cũng chết ngất.
Kép La Thoại Tân diễn cảnh đói thảm não, nó giống cảnh Hà Nội vào tháng 3 năm Ất Dậu chứ không phải giữa Sài Gòn hoa lệ. Anh đã cạp cái bánh ú một cách man di mọi rợ…”; “… Một gia đình đạo gốc có chú ruột làm linh mục mà trong tiệc cưới vác theo cả ông thầy bói là sự sỉ nhục không thể tha thứ…”.
Không rõ có phải vì những bài báo công kích Nhà tôi của Duyên Anh hay không mà chỉ sau một tuần ra rạp, bộ phim đã “hốt bạc” với doanh thu kỷ lục: 35 triệu đồng! Thậm chí ngày 20.12.1972, Giám đốc Lidac Films Phạm Hoàng Kim, đạo diễn Lê Dân còn đem Nhà tôi cùng Như giọt sương khuya (đạo diễn Bùi Sơn Duân) sang Pháp dự Liên hoan phim quốc tế Cannes.
Trước ngày lên máy bay, ông Phạm Hoàng Kim hứng chí móc bóp định “ủy lạo” tác giả Duyên Anh 200.000 đồng nhưng nghe phim bị “chửi” quá đành rút lại. Đạo diễn Lê Dân cũng “phản pháo” Duyên Anh với các bài viết đăng trên Kịch Ảnh (20.11.1972) và Độc Lập (16.11.1972) nhấn mạnh về “Vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của đạo diễn khi phóng tác tiểu thuyết thành phim”.
Theo Dòng Đời