Cập nhật lúc 06:50, 18/03/2013

Trung Quốc hung hăng cũng chỉ ven bờ!

(ĐVO)- Các hoạt động ngang ngược, các vụ gây hấn của tàu Trung Quốc (cả hải quân và tàu chiến đội lốt dân sự) trên thực tế chỉ xảy ra tại các vùng biển gần bờ.



Hung hăng gần bờ

Chuyên gia người Mỹ Iskander Rehman trong bài phân tích mới đây đã dẫn ra các vụ đối đầu gay cấn nhất giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc xảy ra ngay gần đảo Hải Nam. Điển hình là vụ tàu USNS Impeccable của Mỹ bị 5 tàu Trung Quốc gây hấn xảy ra cách đảo Hải Nam khoảng 75 hải lý (120 km).

Đây có lẽ là vụ va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông gây xôn xao dư luận nhất. Vụ việc xảy ra ngày 8/3/2009 khi 5 chiếc tàu thuộc Cục Hải dương, Cơ quan Ngư chính và Hải quân Trung Quốc “bao vây” tàu không vũ trang USNS Impeccable của Hải quân Mỹ.

Khi đó, tàu Mỹ đang hoạt động tại vùng lãnh hải quốc tế (cách đảo Hải Nam, Trung Quốc, 120km về hướng Nam). Phía Mỹ cáo buộc 5 tàu Trung Quốc “hung hăng trong nỗ lực rõ ràng là gây hấn tàu Mỹ". Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tố Mỹ vi phạm luật quốc tế vì vào vùng biển của Trung Quốc mà không được phép.

Các tàu Trung Quốc vây quanh tàu khảo sát hải dương USNS Impeccable của Mỹ
Các tàu Trung Quốc vây quanh tàu khảo sát hải dương USNS Impeccable của Mỹ

Cũng nhân sự kiện này, Bộ Quốc phòng Mỹ đã liệt kê thêm các sự kiện khác liên quan tới hải quân Trung Quốc xảy ra trước đó một tuần như vụ một tàu tuần tra của Bộ Hải sản Trung Quốc sử dụng đèn cao áp chiếu thẳng vào tàu thăm dò đại dương USNS Victorious của Mỹ tại Hoàng Hải, một máy bay thăm dò hải dương Y-12 của Trung Quốc lượn lờ phía trên Victorious.

Tiếp đó, một tàu Trung Quốc tiến sát tàu Impeccable ở khoảng cách mà không báo trước sau khi máy bay Y-12 của Trung Quốc quần đảo phía trên. Cũng trong tuần đó, một tàu trinh sát của Trung Quốc thậm chí đã nói qua vô tuyến điện rằng tàu Impeccable của Mỹ hoạt động bất hợp pháp và yêu cầu Impeccable phải rút lui nếu không sẽ "phải chịu hậu quả".

Tàu thăm dò hải dương USNS Victorious của Mỹ
Tàu thăm dò hải dương USNS Victorious của Mỹ

Ngoài các vụ va chạm “nhẹ” với Mỹ trong những năm qua, các tàu và máy bay của Trung Quốc gần đây tỏ ra hung hăng hơn đối với Nhật Bản. Không chỉ dừng lại ở mức đưa tàu và máy bay tiếp cận quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản quản lý, tàu chiến Trung Quốc thậm chí còn hướng thẳng radar điều khiển hỏa lực về phía tàu chiến Nhật Bản.

Vụ việc được Nhật Bản thông báo xảy ra vào ngày 30/1 năm nay. Phía Nhật Bản còn tố cáo thêm rằng ngày 19/1, tàu Trung Quốc cũng hướng radar điều khiển hỏa lực về phía một trực thăng Nhật Bản. Về mặt địa lý, đây là các vụ va chạm xa bờ nhất của các lực lượng Trung Quốc với lực lượng nước ngoài. Quần đảo Senkaku cách phía Đông Trung Quốc khoảng 200 hải lý.

Trung Quốc đang sợ hãi

Từ trước tới nay, các chuyên gia luận giải thái độ hung hăng trên biển của Trung Quốc theo nhiều cách khác nhau. Có những ý kiến cho rằng hành động của Trung Quốc xuất phát từ cách hiểu luật biển “riêng” của nước này. Cũng có ý kiến nhận định Bắc Kinh muốn làm nóng tranh chấp biển đảo vì nội bộ đang gặp nhiều vấn đề.

Cách giải thích phổ biến nhất là viện dẫn nhu cầu chiến lược cũng như nguồn tài nguyên biển khổng lồ mà Trung Quốc muốn độc chiếm. Theo chuyên gia Iskander Rehman, để giải thích cho sự hung hăng của Trung Quốc cần phải chú ý tới cả sự hiện diện của hải quân nước ngoài ở các khu vực gần Trung Quốc.

Tàu chiến Mỹ và Nhật trong một cuộc tập trận chung mang tên
Tàu chiến Mỹ và Nhật trong một cuộc tập trận chung mang tên "Kiếm sắc" (Keen Sword)

Trong phân tích của mình, chuyên gia Iskander Rehman nhấn mạnh tới Biển Đông. Theo ông, đây không chỉ là một trong những tuyến giao thương nhộn nhịp nhất thế giới, mà còn là nơi Trung Quốc đặt căn cứ tàu ngầm của mình ở Tam Á thuộc Hải Nam.

Cũng tại khu vực này, Mỹ triển khai lực lượng hải quân với khả năng diệt ngầm mạnh cùng đội tàu hải dương học hiện đại. Điều này đặt các nhà hoạch định chiến lược hải quân của Trung Quốc luôn trong trạng thái “đối đầu” khi tính toán các khả năng.

Ngoài ra, Mỹ đang ngày càng mở rộng mạng lưới đồng minh cả ở khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Với thực tế này, Trung Quốc không khỏi lo ngại hải quân Mỹ có thể phát hiện và vô hiệu hóa sức mạnh dưới mặt nước của Trung Quốc ngay trong giai đoạn đầu tiên của xung đột nếu xảy ra.

Nhìn từ góc độ này, thì ngoài vấn đề chủ quyền biển đảo, người Trung Quốc lo sợ nhất chính là khả năng phòng thủ trên biển của mình. Lịch sử Trung Quốc cũng đã chứng kiến những thất bại cay đắng từ hướng biển trước ngoại bang.

Cùng với bản chất “bành trướng” vốn có thì thực trạng hiện nay cùng những bài học lịch sử là một trong những động lực khiến người Trung Quốc không ngừng tăng cường sức mạnh hải quân và ngày càng tỏ ra hung hăng hơn.

Theo chuyên gia Iskander Rehman, cách đây không lâu, lực lượng tàu ngầm chiến lược của Trung Quốc vẫn chưa được nước ngoài coi trọng. Loại tàu 0-92 lớp Hạ của Trung Quốc bị đánh giá là quá cũ, quá ồn và không có ý nghĩa gì ngoài tính biểu tượng.

Tàu ngầm 092 lớp Hạ của Trung Quốc
Tàu ngầm 092 lớp Hạ của Trung Quốc

Tuy nhiên, những gì xảy ra mới đây cho thấy mọi việc có thể đang thay đổi. Ủy ban Nghiên cứu quan hệ Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung của Mỹ cho biết Trung Quốc đang phát triển loại tàu ngầm mới lớp Tấn trang bị tên lửa đạn đạo JL-2.

Đây là loại tên lửa 2 tầng sử dụng nhiên liệu rắn và có tầm bắn tối đa lên tới 14.000 km (báo cáo của ủy ban trên cho rằng JL-2 có tầm bao phủ 4.600 dặn, tương đương 7.400 km). Mỗi quả tên lửa dài 13 m, nặng 42 tấn và có khả năng mang theo 8 đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường. Ủy ban trên của Mỹ đánh giá Trung Quốc có thể thiết lập sức mạnh phòng thủ liên tục trên biển nhờ loại tên lửa này và nhiều khả năng các tàu ngầm mới lớp Tấn sẽ được bố trí ở Hải Nam.

Đông Triều

;
.