Tàu hải giám Trung Quốc lại “quậy” ngư dân

Chủ Nhật, 17/03/2013 23:59

Thời gian gần đây, tàu hải giám Trung Quốc liên tục xua đuổi, bắt tàu cá của ngư dân Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa

Ngày 16-3, sau một chuyến biển trở về tay không vì bị tàu hải giám Trung Quốc xua đuổi, 2 tàu cá QNg 96417 TS ở Lý Sơn - Quảng Ngãi của ông Dương Văn Giàu và QNg 96382 của ông Bùi Văn Phải tiếp tục cho một chuyến ra Hoàng Sa.

Dùng súng uy hiếp, thu ngư cụ

Đứng trên mạn tàu, anh Nguyễn Thanh Trung cho biết việc tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa bị tàu hải giám Trung Quốc xua đuổi diễn ra thường xuyên, không phải gần đây mới có. Nhiều lúc, lính trên tàu hải giám Trung Quốc còn chĩa súng vào đầu ngư dân, thu ngư cụ, lấy hết cá trên tàu… “Chúng dùng vũ khí uy hiếp thì mình đi thôi chứ sợ gì. Biển của mình sao phải sợ?” - anh Trung quả quyết.

Các ngư dân trên tàu của ông Lê Khởi chưa hết bàng hoàng vì bị phía Trung Quốc dùng súng uy hiếp. Ảnh: VĂN MỊNH

Ngoài tàu anh Trung, chuyến tàu số hiệu QNg 96697 TS trở về từ Hoàng Sa của ngư dân Lê Khởi (ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn) cũng liên tục bị tàu Trung Quốc xua đuổi. Đưa tay chỉ cánh cửa ca-bin bị hư hỏng, ông Khởi cho biết ngày 20-2, tàu của ông cùng 14 lao động rời đảo Lý Sơn ra khai thác hải sản tại khu vực Gò Mới, cách đảo Cây Dừa (Hoàng Sa) 155 hải lý về phía Nam. Đến ngày 11-3, khi khai thác được trên 10 tấn cá ngừ, ông quyết định cho tàu chạy lên đảo Bầu Trắng để đánh bắt. Trên đường về, các ngư dân phát hiện 2 tàu hải giám Trung Quốc trang bị súng, pháo đang đuổi theo. Sau nhiều lần uy hiếp không thành, chúng sử dụng vòi rồng phun nước nhằm nhấn chìm tàu ông Lê Khởi.

“Thấy chúng quá hung hăng nên tôi ra lệnh cho anh em đóng chặt cửa ca-bin để tránh nước vào, đồng thời chuẩn bị áo phao phòng khi xảy ra sự cố. Sau  gần 1 giờ, thấy không ổn nên tôi phải cho tàu chạy vào bờ” - thuyền trưởng Lê Khởi nói.

Trước đó, tháng 10-2012, tàu cá của ông Lê Khởi cũng bị tàu Trung Quốc đuổi bắt, lấy hết ngư cụ, thiệt hại hơn 400 triệu đồng. Dù nhiều lần bị tàu Trung Quốc rượt đuổi nhưng ông Lê Khởi vẫn tuyên bố chắc nịch: “Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân, là vùng biển của Việt Nam nên dù khó khăn đến mấy, chúng tôi vẫn quyết không rời. Nghỉ ngơi vài ngày lấy sức, sáng 20-3, chúng tôi lại cho tàu vươn khơi”.

Cần bảo vệ ngư dân

Theo ngư dân Bùi Tấn Lộc (ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn), tàu cá Trung Quốc đánh bắt ở vùng biển xa đều được một lực lượng hùng hậu đi theo bảo vệ, trong khi các ngư dân Việt Nam thì “đơn thương độc mã” nên dễ bị bắt nạt. “Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì chúng tôi phải chuyển hướng đánh bắt sang ngư trường khác” - ông Lộc nói.

Tàu cá của ngư dân Bùi Tấn Lộc bị phía Trung Quốc đuổi ngày 11-3 đã cập cảng Sa Kỳ. Ảnh: TỬ TRỰC

Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, cho biết chỉ riêng huyện Lý Sơn, mỗi năm đã có hàng chục vụ tàu cá của ngư dân bị phía Trung Quốc xua đuổi, bắt bớ… “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị cần có biện pháp giúp ngư dân, không để họ cô độc trên biển. Nếu để ngư dân bị phía Trung Quốc xua đuổi, bắt bớ liên tục thì họ sẽ bỏ ngư trường” - ông Chinh lo ngại. 

Ông Phùng Đình Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ngãi, cho rằng các ngư dân cần bình tĩnh, tiếp tục ra khơi bám biển với mô hình tổ đội như thường lệ, không nên bỏ ngư trường. “Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng lên tiếng phản đối phía Trung Quốc, bảo đảm quyền khai thác thủy sản hợp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và nhanh chóng đưa lực lượng kiểm ngư ra bảo vệ ngư dân” - ông Toàn nhấn mạnh.

Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ngãi, trong năm 2012, địa phương này có hơn 30 tàu và hơn 300 ngư dân bị phía Trung Quốc bắt giữ.

TỬ TRỰC - VĂN MỊNH
[Quay lại]
13 ý kiến