-
Ngư dân trên tàu QNg 96382 TS với nóc cabin tan hoang, kể với đồn biên phòng đảo Lý Sơn việc bị tàu Trung Quốc bắn - Ảnh: CTV
>> Phản đối Trung Quốc bắn cháy tàu cá Việt Nam tại Hoàng Sa
“Đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam” - ông Nghị nói. Cùng ngày, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối việc làm nói trên của phía Trung Quốc. Người phát ngôn Lương Thanh Nghị cho biết Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xử lý nghiêm hành động sai trái và vô nhân đạo nói trên, bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, hành động tấn công ngư dân Việt Nam từ phía Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).
Sau gần một tháng bám biển Hoàng Sa, chiều 22-3 tàu cá QNg 96382 TS do ngư dân Bùi Văn Phải (thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng, trên tàu có chín lao động đã chạy về đảo Lý Sơn trong tình trạng tan hoang vì bị tàu tuần tra Trung Quốc bắn. Thuyền trưởng Bùi Văn Phải nhớ lại: “Do trúng đạn cabin nóc tàu bốc cháy. Bốn bình gas trên cabin có nguy cơ cháy nổ nên tôi và một lao động khác liều mình lao ra dập lửa. Thấy tàu cá cháy, tàu Trung Quốc vội vã quay đầu bỏ đi. Rất may là kịp thời dập tắt lửa, chứ bốn bình gas đồng loạt phát nổ thì không biết chuyện gì xảy ra”. Sau khi tàu cá QNg 96382 TS cập đảo Lý Sơn, thuyền trưởng Bùi Văn Phải đã trình báo với lực lượng chức năng của huyện Lý Sơn. VĂN MỊNH |
Theo công ước quốc tế thì vùng biển mà những ngư dân Quảng Ngãi đang khai thác nằm trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vậy tại sao chúng ta đã và đang để dân mình bị tước quyền khai thác hợp pháp, bị đe dọa tới tính mạng khi nhân dân bám biển?
Thiết nghĩ hành động vô lý và không có tình người của Trung Quốc cần lên án, cần được sử dụng luật quốc tế để giải quyết. Chúng ta không thể chập nhận những hành vi đó.
Qua vụ việc lần này, tôi thiết nghĩ chúng ta cần có những biện pháp cụ thể rõ ràng, kiên quyết hơn. Vì đây không chỉ là xâm chiếm bất hợp pháp mà còn dùng vũ lực trên đất nước chúng ta.
Là một công dân Việt Nam tôi thấy thật buồn khi nghe những thông tin gây hại đến nhân dân và chủ quyền quốc gia.
Suốt thời gian vừa qua Trung Quốc đã không từ bỏ bất cứ một thủ đoạn nào để nhằm nói lên rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của họ. Họ phô trương cho nhân dân họ biết như vậy và học dùng những thủ đoạn thâm độc nhất, nhỏ nhen nhất để thực hiện điều ấy.
Nhưng đáng buồn hơn tại sao những công dân của nước nhà lại không bảo vệ chủ quyền mà lại giúp họ chiếm chủ quyền của mình như một loạt sai phạm trong việc in ấn sách vở có hình cờ Trung Quốc ? Tại sao thương lái lại vô tâm tới mức nhập chậu cảnh có xuất xứ từ Trung Quốc vẽ hình bản đồ nước ta không có Hoàng Sa và Trường Sa bán trong nước? Tại sao những viện, những trường đại học lớn lại có thể in logo mà không có hai quần đảo của nước ta. ..
Tôi đồng ý với ý kiến của anh Đình Đông là không nên dùng từ xua đổi mà phải là tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam và ngang ngược nổ súng làm cháy tàu cá của ngư dân VN...
Tôi không hài lòng khi một số báo viết là tàu Trung Quốc xua đuổi tàu cá Việt Nam. Phải hiểu là ngư dân của chúng ta đang hoạt động nghề cá bình thường trên lãnh thổ của ta chứ ngư dân không đi đánh bắt trộm nên không thể dùng từ xua đuổi.
Việc Trung Quốc cản trở và bắn vào tàu cá của ngư dân Việt Nam là việc làm đi ngược lại mong ước hòa bình của nhân dân hai nước. Đề nghị chúng ta cần có những giải pháp ngoại giao mạnh mẽ, cứng rắn hơn nữa thể hiện rõ quan điểm, lập trường của chúng ta là mong muốn hòa bình, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như quyền tài phán trên khu vực đặc quyền kinh tế biển cũng như luật pháp quốc tế về biển.
Theo tôi trước mắt chúng ta nên tăng cường lực lược cảnh sát biển để giám sát, quản lý vùng đặc quyền kinh tế biển và bảo vệ ngư dân bám biển làm ăn sinh sống như ngàn đời nay vẫn thế. Đồng thời tăng cường hơn nữa trên các mặt trận viễn thông, văn hóa, tuyên truyền... để người dân cả nước và bạn bề quốc tế hiểu rõ sự thật và không quên chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.