Xa trường đã hai năm, xa góc nhỏ rợp bóng bằng lăng kia đến cả trăm cây số. Có những khi, bước lơ đễnh trên phố phường tấp nập, nhìn thấy một nhánh bằng lăng, hay một hàng ghế đá, lại chợt khựng lại tự nhủ mình “Sao giống Phan đến thế…”.
Trường tôi tên đầy đủ là Phan Bội Châu. Nhưng với bao thế hệ học trò đã đến và đi, chúng tôi gọi trường với cái tên thân thương “Phan”. Chẳng biết gói ghém sao cho vừa những kỷ niệm đã có ở đây. Chẳng biết làm sao mang đi hết những nụ cười, những giọt nước mắt, những cái ôm, những nỗ lực, những cố gắng… ở chốn này để tiếp tục làm hành trang trên con đường đang rất dài ở phía trước.
Phan trong tôi là nơi có 33 đứa con gái và 3 “lão” con trai tạo nên cái lớp chuyên văn lẫn sử. Cái lớp chồng chéo hai môn chuyên lại thêm âm thịnh dương suy - nó thực sự loạn. Cái lớp mà mỗi đứa một quê họp lại thành một gia đình với bao trò nghịch ngợm của lũ “nhất quỷ nhì ma”.
Những ngày chúng tôi bên nhau quả thực là những ngày vui, những kỷ niệm khó phai trong tâm hồn. Đó là lúc cùng nhau ngồi dưới gốc bằng lăng tết tóc cho nhau. Lúc cả lớp cùng trốn học đi thăm bạn bị ốm. Lúc đi học muộn phải trèo tường vào lớp. Cả lúc ôm nhau cùng khóc khi lớp bị thua trong trận bóng... Phan dạy tôi rằng: nơi đó tôi có một gia đình.
Phan trong tôi là dãy bằng lăng rực tím... Màu của tím bằng lăng - màu tím kỷ niệm, màu tím tuổi học trò...
Phan trong tôi là sắc nắng dọi xuống sân trường. Mùa nắng lung linh như tâm hồn những đứa chúng tôi - những cô cậu học trò nhỏ.
Phan trong tôi là tô mì ăn vội trong căng-tin trường. Phan là quả kiện chúng tôi cùng nhau tụm năm tụm bảy đá vào giờ ra chơi.
Phan là lời dạy của cô: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở - Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”, là lời dạy của thầy: “Tình yêu Phan giống như đồ thị hình sin, lúc lên lúc xuống nhưng không bao giờ kết thúc”...
Phan trong tôi là ngày chia tay cuối năm. Là những giọt nước mắt khi sắp phải xa nhau. Là những quả bóng bay lên trời cao đem theo ước mơ lấp lánh của chúng tôi.
Làm sao để kể hết những kỷ niệm về Phan khi giờ đây Phan đã là tất cả tuổi học trò trong tôi. Và thế là… dần dần Phan dạy tôi rằng, mỗi khoảnh sân, mỗi con người, mỗi nhành cây tán lá, mỗi khung cửa sổ, mỗi cái bàn chiếc ghế đều là kỷ niệm.
Những kỷ niệm “khi ta ở” thấm dần, thấm dần, len lỏi vào từng kẽ hở da thịt con người, rồi không biết bằng cách kỳ diệu nào đấy, đã đính chặt trong từng trái tim người con trường Phan. Mà phải đến tận “khi ta đi”, mới ngỡ ngàng. “Ô hóa ra mình yêu Phan thế đấy!”