Ngay lập tức, không để ngư dân đơn độc!
(ĐVO)- "Không có lý gì ngư dân Việt Nam, không một tấc sắt trong tay, mà lực lượng “tàu chấp pháp” của Trung Quốc lại sử dụng đến vũ khí để uy hiếp, bắn cháy con tàu, chỗ dựa nhỏ nhoi, duy nhất của những ngư dân khốn khó đang vật lộn với sóng gió nơi trùng khơi đó. Đó là hành động vô nhân đạo. Hoàn toàn không được phép" - TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ lên tiếng.
Vô nhân đạo đối với những người dân lương thiện
Ngày 20/3/2013, tàu cá mang số hiệu QNg 96382 TS của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trong lúc đang hoạt động nghề cá bình thường tại ngư trường truyền thống thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin.
Sự việc cho thấy Trung Quốc đã dùng tới hỏa lực uy hiếp, bắn cháy tàu cá Việt Nam đang hoạt động trong chính vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là một sự kiện đã tác động mạnh mẽ đến tình cảm của người dân Việt Nam khi phải chứng kiến hành động trắng trợn, thô bạo của Trung Quốc và đặc biệt là hình ảnh những ngư dân Việt Nam đang vật lộn với con tàu bị hỏa lực của Trung Quốc bắn cháy trơ trụi để bảo tồn sinh mạng và tài sản của mình.
TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ |
Có lẽ không một người Việt Nam nào mà không phẫn uất trước những hành xử phi lý và vô nhân đạo đó của phía Trung quốc và không một người Việt Nam nào mà không cảm thấy cảm phục và tự hào trước hình ảnh những ngư dân đã vươt qua lửa đạn để giữ vững lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng vẫn luôn được hiên ngang tung bay giữa trời biển của Tổ quốc mình!
Với tư cách là một người nghiên cứu về Công pháp quốc tế, đặc biệt là Luật biển, tôi rất bất bình về cách hành xử của phía Trung Quốc. Có thể khẳng định rằng đây hành vi vi pham nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam, coi thường luật pháp và thực tiễn quốc tế và đặc biệt là đã đối xử vô nhân đạo đối với những người dân làm ăn lương thiện trên biển…. Tất cả những điều này đã được phản ánh một cách rõ ràng và đầy đủ trong tuyên bố của người phát ngôn Bộ ngoại giao CHXHCN Việt Nam ngay sau khi sự kiện này xảy ra.
Tôi hoàn toàn ủng hộ, tán đồng nôi dung của Tuyên bố quan trọng và kịp thời này của Bộ ngoại giao Việt Nam. Tại sao như vậy? Trước hết, sự kiện này xảy ra trong phạm vi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đây là ngư trường mà bao đời nay ngư dân Việt Nam, đặc biệt là ngư dân vùng Quảng Ngãi, vẫn thường xuyên đến khai thác, quản lý, với tư cách là những chủ nhân thật sự.
Việc Trung Quốc vô cớ tiến hành các cuôc vây ráp, uy hiếp, bắt bớ, sử dụng mọi nhục hình đối với ngư dân Việt Nam trong thời gian qua, đăc biệt lần này họ đã sử dụng đến hỏa lực, là tiếp tục vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, các quyền hợp pháp của Việt Nam theo quy định của Công ước của LHQ về Luật Biển 1982.
Thứ đến, hành động sử dụng vũ khí để uy hiếp, bắn cháy tàu cá của ngư dân là đi ngược lại quy định của Hiến chương LHQ, vi phạm các quy định của Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 có liên quan đến thủ tục thi hành các luật và quy định của quốc gia ven biển.
Trong đó, có quy định về cách hành xử, ứng xử của các lực lượng làm nhiệm vụ quản lý các vùng biển, chẳng hạn, tại điều 73 của Công ước Luật biển 1982 đã nêu rõ: Quốc gia ven biển “có quyền khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để đảm bảo việc tôn trọng các luật và quy định mà mình đã ban hành theo đúng Công ước”.
Tuy nhiên, quy định cũng cấm: Không được bao gồm các hình phạt tống giam (trừ khi các quốc gia hợp tác có thỏa thuận khác) và không bao gồm bất cứ một hình phạt thân thể nào khác… và “Trong trường hợp bắt hay giữ một tàu thuyền nước ngoài, quốc gia ven biển thông báo ngay cho quốc gia mà tàu mang cờ biết, bằng các con đường thích hợp, các biện pháp được áp dụng cũng như các chế tài có thể sẽ được tuyên bố sau đó”….
Rõ ràng, hành động phi pháp của Trung Quốc mà dư luận, báo chí nhiều lần nói đến như: cướp ngư cụ, bắt giam, cướp sản phẩm, bắt nộp tiền phạt, cũng là những hành động, ứng xử nằm ngoài quy định của luật pháp quốc tế.
Lần này, Trung Quốc lại dùng súng để bắn cháy tàu cá, đó là một bước leo thang mới, rất nguy hiểm…Và điều không thể không nói đến là cách ứng xử nói trên của Trung quốc là rất trái với những quy phạm đạo đức truyền thống của những ngư dân luôn luôn phải đối mặt với mọi thiên tai, địch họa… trên biển, nếu không muốn nói rằng họ đã xử sự vô nhân đạo trong quan hệ giữa người với người trong thế giới văn minh này!
Hơn nữa, hành động này của Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại những thỏa thuận đã đat được giữa lãnh đạo cấp cao 2 nước, vi phạm Tuyên bố về nguyên tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC), trái với những tuyên bố ngoại gao, những cam kết chính trị của họ trước cộng đồng khu vực và quốc tế…
Tận dụng thế mạnh pháp lý
Tôi cho rằng, hành động của Bộ ngoại giao cũng đã thể hiện rất rõ, rất quyết liệt, rất mạnh mẽ rằng: đó là hành động vi phạm pháp luật, vi phạm chủ quyền Việt Nam, đồng thời đó còn là hành động vô nhân đạo và yêu cầu Trung Quốc phải có biện pháp xử lý và tìm cách ngăn cản không để cho hành động đó tái diễn.
Nhưng nếu chỉ dừng lại ở những tuyên bố nguyên tắc trong tình hình hiện nay là chưa đủ. Bởi vì, Trung Quốc đã lập tức quay lại đổ vấy cho rằng chính Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của họ theo cách thức mà họ đã từng làm nhiều lần trước đây.
Họ đã ngang nhiên tuyên bố hành động bắn cháy tàu cá của Việt Nam là “cần thiết và hợp lý” để ngăn ngư dân láng giềng đánh bắt thủy hải sản trong vùng biển “quần đảo thuộc chủ quyền” của họ. Vậy thì, trong sự kiện này, ai đúng ai sai?
Ca bin tàu bị Hải giám TQ bắn cháy nhưng quyết không để cháy cờ Tổ quốc |
Đó là câu hỏi mà không phải bất cứ ai cũng đều có câu trả lời chuẩn xác. Vậy thì, vấn đề là cần phải tiếp tục thu thập đầy đủ bằng chứng, đánh giá thiệt hại... để trước hết nói cho người dân và cộng đồng khu vực và quốc tế biết tường tận sự việc này và phục vụ cho những cuộc đàm phán song phương theo thỏa thuận giữa hai bên.
Điều cần thiết hơn vào lúc này là chúng ta phải tận dụng thế mạnh của mình trong cuộc đấu tranh phức tạp và nhạy cảm này. Theo tôi, Việt Nam nên ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa việc Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án trọng tài quốc tế về luật biển của LHQ và đặc biệt là nên chuẩn bị mọi thủ tục và nôi dung cụ thể để kiện Trung quốc những nội dung tương tự mà Philippines đã làm, kể cả vụ tàu Trung quốc dùng vũ khí để bắn cháy tàu cá Việt Nam mới đây.
Việc kiện hành động sai trái của Trung Quốc lên các cơ quan tài phán quốc tế không có nghĩa gây mất quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Đó là sinh hoạt bình thường giữa các nước văn minh. Có tranh chấp, có kiện cáo, có hiểu nhầm không giải quyết được thì đưa ra tòa. Đưa ra tòa để tìm ra chân lý là điều cần thiết.
Tôi cho rằng nhiệm vụ cấp bách hiện nay là chúng ta phải dựa vào các cơ quan tài phán, các cơ quan hòa giải quốc tế để trả lời trước dư luận câu hỏi: Ai đúng, Ai sai? Đấy mới chính là điều kiện để chúng ta tìm được tiếng nói chung, đoàn kết trong cộng đồng khu vực và thế giới nhằm ngăn chặn mọi hành đông sai trái, mọi yêu sách phi lý, và mọi nguy cơ dẫn đến xung đột, chiến tranh đang rình rập.
Không để ngư dân đơn độc
Qua hình ảnh ngư dân bị truy đuổi, bị bắn cháy tàu, phải quay trở về với bàn tay trắng... nhưng họ vẫn quyết tâm quấn cờ quanh ngực, giữ cho ngọn cờ Tổ quốc tung bay, vẫn quyết tâm trở lại bám biển. Đó là hình ảnh rất xúc động, hành động anh hùng đáng được vinh danh!
Ngư dân bám biển vì mưu sinh, vì cuộc sống của gia đình, nhưng rõ ràng đồng thời họ đã dùng sức người súc của để góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên biển đảo quê hương, tiếp bước truyền thống của Ông Cha trong sự nghiệp vẽ vang bảo vệ, quản lý biển đảo thiêng liêng…
Hành động dùng vũ lực của Trung Quốc lần này là bước tiến mới trong hàng loạt những hành động đã diễn ra, thậm chí diễn ra nhiều lần, như việc bắt bớ, đánh đập, đuổi bắt, giam cầm... gây nên biết bao hy sinh mất mát của bà con ngư dân của mình.
Chúng ta không thể để cho những con thuyền của ngư dân đơn thương độc mã trên biển, không để tình trạng phía Trung Quốc cứ tiếp tục lấn tới, uy hiếp tàu thuyền của Việt Nam và chắc chắn Trung Quốc sẽ còn tiếp tục làm điều đó, nếu chúng ta không có những biện pháp cụ thể để bảo vệ một cách hiệu quả cuộc sống của đông bào mình!
Trước hêt, cần phải tăng cường lực lượng bảo vệ bảo đảm an toàn cho ngư dân. Phải có biện pháp ứng phó nhất định khi xảy ra sự việc để hạn chế những tổn thất, làm chỗ dựa cho những con tàu, những ngư dân không để họ đơn độc trên biển. Ngư dân cũng phải được truyền đạt những kinh nghiệm, phương án cụ thể khi hoạt động trên biển. Họ cần phải được tập huấn, ứng phó, ứng xử khi ra khơi.
Đồng thời, Nhân dân Việt Nam, dù đang sống trong và ngoài nước nên thể hiện tấm lòng và nghĩa vụ của mình bằng những phong trào hướng về ngư dân, như đã từng phát động sâu rộng trong cộng đồng người Việt Nam, như phong trào “tấm lưới nghĩa tình”, “góp đá xây dựng Trường Sa” , …. để thiết thực giúp đỡ họ về mặt vật chất và tinh thần, để những con thuyền tiếp tục vươn ra biển, để vơi đi nổi khổ, nhọc nhằn của họ và gia đình...
Không thể cứ kêu gọi chung chung. Điều này cũng phải làm ngay lập tức.
Đòn khắc chế của Nhật trên biển Hoa Đông |
TS. Trần Công Trục