Thứ sáu, 14/1/2011, 08:00 GMT+7

Ngẫu hứng với Thanh Lam

Ban nhạc đang đánh ngon lành, Thanh Lam bỗng nhiên dừng hát, nói: “Chị bảo này, lần hai đánh cho ngầu vào”. Tiếp tục di chuyển trên sân khấu, khoa chân múa tay, nữ ca sĩ lại dừng lại: “Chị bảo này, chỗ này đánh câu gian tấu trước khi chị vào”.
> Thanh Lam, Tùng Dương đem ‘Yêu’ vào TP HCM

Thanh Lam và tác giả bài viết Quốc Khanh.
Thanh Lam và tác giả bài viết.

Tôi có việc ra Hà Nội tình cờ đúng dịp lễ Giáng sinh 2010. Trước đó một tuần, người dân Thủ đô bất ngờ hứng chịu một đợt rét đậm dưới 10 độ C làm nhiều người trở tay không kịp. Vì vậy, trong va-li đã chuẩn bị đầy đủ áo ấm, mũ len và găng tay để sẵn sàng đón nhận cái lạnh cắt da, cắt thịt ở miền Bắc mà tôi đã từng “nếm trải” những năm đầu thập niên 1990. Thật may, khi ra đến nơi Hà Nội lại trở mát ở tầm 20 độ như Đà Lạt. Quả là thiên thời!

Xong việc, sáng 24/12/2010 nhờ bạn bè mách bảo tôi đi đến Nhà hát Lớn Hà Nội để được xem phần tổng dợt chương trình ca nhạc đặc biệt “Phố cũ - Tình xưa” ngày 24-25/12/2010. Tôi lững thững bước vào Nhà hát bằng cửa bên hông mở sẵn. Có vài người ngồi ở cổng bảo vệ, nhưng chẳng ai buồn để ý đến người lạ. Lúc tôi đi sâu vào bên trong Nhà hát ở khu vực sát sân khấu, đạo diễn chương trình đang chăm chú công việc, nên cũng chẳng bận tâm hỏi: “Anh là ai, vào đây có việc gì?”. Tôi thoải mái tận hưởng sự tự do và tự nhiên này. Là người yêu nhạc, tôi đã tìm được nơi để thư giãn. Đúng là địa lợi, còn mong gì nữa!

Thế, liệu có nhân hòa không? Lúc đó ban nhạc đang đệm đàn trên sân khấu. Ở hàng ghế đầu, một số nghệ sĩ đang ngồi chuẩn bị tiết mục, và tôi không thể không nhận ra diva nhạc Việt: NSƯT Thanh Lam.

Ơt tuổi 40, Thanh Lam vẫn đẹp rạng rỡ.
Ở tuổi 40, Thanh Lam vẫn đẹp rạng rỡ.

Đến phần ráp nhạc của Thanh Lam với Bài thánh ca buồn, sân khấu sống động hẳn lên. Nét mặt, cử chỉ, động tác, giọng hát quen thuộc mang phong cách rất Lam. Ban nhạc đang đánh ngon lành, Thanh Lam bỗng nhiên dừng hát, nói: “Chị bảo này, lần hai đánh cho ngầu vào”. Tiếp tục di chuyển trên sân khấu, khoa chân múa tay, rồi đùng một cái: “Chị bảo này, chỗ này đánh câu gian tấu trước khi chị vào”.

Với sự trau chuốt kỹ tính của Thanh Lam, cái điệp khúc “chị bảo này, chị bảo này” cứ lập đi lập lại rất nhiều lần trong suốt buổi tập. Có một giọng nam vang lên từ phía sau sân khấu: “Nếu bài này khó tập với ban nhạc, sẽ chuyển qua đệm piano thôi”. Còn tôi ngồi bên dưới cười thầm: “Bảo gì mà lắm thế, ai nhớ hết hở chị”. Dường như đoán được suy nghĩ của người bạn đến từ Sài thành, Thanh Lam nói với ban nhạc: “Nhớ ghi ra giấy để không quên, nào chúng ta tập lại từ đầu nhé”. Cứ thế, đang hát, bỗng dưng muốn stop: chị bảo này… chị bảo này…

Thật ra, sự khó tính tưởng chừng “vô lý” của Thanh Lam đều có cái lý của nó, tất cả để đảm bảo nhạc phẩm được trình diễn tốt nhất. Xem nghệ sĩ tập dợt có hai điều thú vị, đặc biệt với những người nổi tiếng của công chúng. Thứ nhất, tính chuyên nghiệp rất cao, thứ hai không mất tiền vào cổng.

Sau phần tập dợt căng thẳng, Lam và tôi sang quán cafe ở sát bên Nhà hát lớn. Câu chuyện lại tiếp tục về âm nhạc. Tôi nghêu ngao hát cho Lam nghe một bản nhạc tình “không tên, không tuổi”. Trong lúc ngồi “cắn răng chịu đựng” nghe tôi hát, Lam tranh thủ trang điểm nhẹ khuôn mặt hồng nhan tươi sắc, thỉnh thoảng dừng tay ngước nhìn một cái rồi… bỏ qua.

Thanh Lam say sưa trên sân khấu trong phần tập dượt. Ảnh: Quốc Khanh.
Thanh Lam say sưa trên sân khấu trong phần tập dượt.

Nói chuyện nhạc mãi thấy cũng nhạt, chúng tôi ngẫu hứng đổi đề tài sang chứng khoán, bất động sản và kim loại quý. Lam nói có người bạn rủ đầu tư đất ở Sài Gòn. Tôi đáp: “Nếu có tiền, đây là thời điểm tốt, vì đất Sài Gòn rẻ hơn đất Hà Nội”. Chưa dừng lại đó, Lam truy tiếp: “Anh nghĩ có nên mua vàng lúc này?”. Trời đất, nếu người khác hỏi câu này, tôi sẽ trả lời ngay mà không cần quan tâm đến hiệu quả hoặc thậm chí hậu quả. Nhưng trước mặt tôi là diva nhạc Việt, tôi chọn giải pháp an toàn: “Lam hãy tập trung nuôi dưỡng cảm xúc cho âm nhạc”. Cả hai bật cười vui vẻ.

Do có việc riêng, tôi không thể xem Lam trình diễn trong đêm Noel, song chỉ cần xem phần tập dợt buổi sáng của Lam cũng là quá đủ. Chúng tôi tạm biệt, không quên chúc nhau “Merry Christmas” trong một ngày Noel ấm áp và an lành tại Hà Nội.

Khi tôi chuẩn bị rời Hà Nội, thời tiết bắt đầu rét lạnh trở lại. Những cơn mưa vô thường lại lất phất rơi càng làm khắc sâu cái giá lạnh của nơi đây. Những cơn gió mạnh cuốn phăng những chiếc lá úa cuối cùng của một ngày đông, tựa như một tấm thảm phất phơ trải dài trên từng con phố cổ. Tôi đã kịp rời khỏi Hà Nội trước khi cơn gió mùa đông bắc lạnh băng tái chiếm hồn tôi như cách đây 20 năm về trước.

Trở về Sài Gòn, Noel trong này đã đi qua, Noel ngoài kia cũng đã trở thành dĩ vãng, nhưng chắc hẳn sẽ vẫn còn một chút âm vang…

mộc.quốckhanh

Link Site
Cảm xúc âm nhạc
Giọt nước mắt pha lê (Daquyvang1980)
Dịu lòng khi nghe 'Anh hãy quay về cùng em' (Nguyễn Trung Hiếu)
Cơn gió lạ... (Trần Hoài Sơn)
Xe đạp ơi! (Trần Mỹ Phương)
'Without You', không anh... (Trinh Cali)
Lời ru tình yêu giờ chia thành hai nửa (Dungmustafa)
'Everyday I Love You' - sống mỗi ngày để yêu anh (Trinh Cali)
Mặt trời trên 'Con đường hạnh phúc' (Nguyễn Trung Hiếu)
Đâu thể nào đã là chia tay (Hana buồn)
Xem tiếp >>>
Cảm nhận phim
Chia sẻ về những bộ phim bạn yêu thích và để lại cảm xúc sâu đậm trong bạn. (Độc giả chịu trách nhiệm về bản quyền hợp pháp của bài viết tham gia).
Khi niềm tin chiến thắng số phận (Nick M)
Phong cách Trần Anh Hùng trong 'Mùi đu đủ xanh' (Dạ Vũ)
'Kikujiro' - hành trình thú vị và xúc động của cuộc sống (Dạ Vũ)
'Ngọa hổ tàng long' - bản tình ca được hát bằng đao kiếm (Lâm Tùng)
(500) Days of Summer - một câu chuyện hay về tình yêu (Thi Nga)
Âm nhạc, tình yêu và dục vọng trong 'The Piano' (Jic)
Thử làm phóng viên
Cung cấp thông tin, hình ảnh về những ngôi sao bạn gặp. Chia sẻ tại đây.
 
 
 
 
Lien he quang cao