Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng: “Năm có ba ngày, ráng mà giữ!”
Thứ Bảy, 22.1.2011 | 06:15 (GMT + 7)
(LĐ) - Tết ta năm nay – như mọi năm, Đàm Vĩnh Hưng lại nhất quyết không chịu rời Sài Gòn vì hai chữ: Gia đình. Hưng bảo “năm có ba ngày dành cho gia đình, ráng mà giữ!”
Với tôi, cái Tết hạnh phúc nhất cho tới giờ có lẽ là những năm tôi 18 tuổi trở về trước. Cái thuở mà tôi còn đủ cả cha lẫn mẹ, lại chưa bị quăng ra đường để đương đầu với đủ mọi khó khăn, chưa phải lo toan, gánh vác vai trò trụ cột của gia đình. Những cái Tết ấm áp với những niềm vui bé nhỏ và bình dị như bao trẻ con hồi đó: chờ được ba mẹ dẫn đi sắm đồ mới, theo chúng bạn đi lượm pháo, ngồi bên nồi bánh chưng chờ vớt bánh để được là người đầu tiên cầm trên tay cái bánh bé nhất gói riêng cho mình…
Tôi vẫn nhớ như in cái hương vị cay nồng của mùi pháo, những buổi sáng sớm gió phất lên xới bùng xác pháo, những vỉa hè ánh lên tuyệt đẹp, nồi bánh chưng nghi ngút khói bập bùng lửa trước nhà, cái không khí rộn ràng cảnh nhà này kéo sang nhà kia chúc Tết… Nhớ Tết xưa, không hiểu sao tôi thấy nhớ nhất là mùi khói ấy, như thể khói đã giúp mọi thứ trở nên lung linh huyền ảo hơn. Cái vị khói mà giờ đây, may ra chỉ còn có thể tìm thấy ở các làng vùng ven hay thôn quê… Rồi tôi nhớ cả cái không khí “lễ trọng” mỗi sáng mồng Một, khi ba mẹ kêu các con ra mừng tuổi, hay những lúc Tết thầy… Chả bù cho bây giờ, con cháu nhiều khi kêu chả buồn nói, cầm được cái bao lì xì rồi là coi như xong; Giao thừa thì cảnh nhà vắng hoe, bọn trẻ đổ hết ra đường để trơ ra một ông bố bà mẹ ngồi nhà ngóng con lâu hơn… ngóng Tết…
Để giữ lại vị Tết xưa cho mình, mỗi năm Tết đến, tôi luôn tự nhủ: Cả năm thiếu gì dịp đi chơi, nên nếu có đi thì cũng chỉ nên nhằm Noel, Tết Tây mà đi, còn Tết ta thì ráng ở nhà cho ba mẹ ấm lòng. Năm có ba ngày dành cho gia đình, chỉ bây nhiêu thôi - ráng mà giữ! Không tin, các bạn thử đi ra ngoài mà xem, nhiều nước phát triển, họ giữ truyền thống, cái “tôi” của họ ghê lắm, chứ có đâu như mình bây giờ, lại rộ lên cái mốt đi Tây… ăn Tết ta.
Lúc này đây, khi hai chữ “sinh nhai” không còn là gánh nặng với bản thân và gia đình, tôi quyết giành lại những cái Tết đã mất trong đời khi còn là anh thợ làm tóc mệt nhoài vì khách tới tận đêm 30 Tết… Cái này là “bí mật” nghe: Tết nào, trước Giao thừa, tôi cũng âm thầm “cử hành một nghi lễ dọn mình” đón năm mới. Đó là ngồi ngâm mình rất lâu trong cái bồn tắm đổ đầy sữa tươi, sau đó rồi lẳng lặng một mình lên sân thượng ngồi nghĩ lại năm qua mình đã làm được những gì, cái gì chưa và phải ráng làm cho kỳ được trong năm tới. Sau đó thì xuống nhà thắp nhang cho ba, cô Thanh Nga (nghệ sĩ cải lương Thanh Nga), bàn thờ tổ nghiệp rồi đi lễ Nhà thờ Đức Bà… Sáng mồng Một, thì lì xì cho người thân bằng những loại tiền khác nhau.
Có người kêu tôi trẻ con giờ “hư tính”, chỉ quan tâm phong bao nặng hay nhẹ, nhưng tôi lại không nghĩ thế. Vì trẻ con thời nào thì theo tôi cũng thế, được mừng tuổi nhiều bao giờ chả thích. Tôi còn nhớ người bị tôi ghét nhất hồi bé là một “quý ông” mà tôi đoán chắc sẽ mừng tuổi tôi nhiều lắm, nhưng kết quả lại là một “thực tế phũ phàng”! Giây phút phát hiện ra ông ta hoá ra là một “lão già keo kiệt” đối với đứa trẻ là tôi lúc ấy thực sự là cú “vỡ mộng” lớn nhất trong đời…
Thiên An ghi
CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG